Tắc mạch phổi là một trong những biến chứng khá phổ biến đối với những bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật. Tắc mạch phổi sau mổ thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến trụy tim và tử vong đột ngột. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào của tắc mạch phổi sau phẫu thuật thì cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế uy tín để được xử lý kịp thời.
1. Tắc mạch phổi sau phẫu thuật
Tắc mạch phổi là tình trạng bệnh lý bị gây ra bởi huyết khối trong cơ thể bị vỡ ra và di chuyển tự do trong lòng mạch. Những khối máu tụ này có thể chuyển đến một số bộ phận của cơ thể người bệnh và làm tắc nghẽn các mạch máu nơi đây. Một số khối máu không di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác trong cơ thể mà chỉ tập trung ở tĩnh mạch, hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu cũng là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch phổi.
Trong đa số các trường hợp thuyên tắc mạch phổi thì nguyên nhân là từ những huyết khối ở vị trí tĩnh mạch chân hoặc cánh tay. Cơ chế huyết khối tĩnh mạch gây nên tắc mạch phổi được giải thích là do tĩnh mạch nhận nhiệm vụ dẫn máu vào tĩnh mạch lớn, sau đó đến tim và động mạch phổi, khi xuất hiện những khối máu ở tĩnh mạch thì nó sẽ theo con đường của tĩnh mạch đến tim, sau đó di chuyển vào động mạch phổi rồi cuối cùng vào phổi. Lúc này, những huyết khối xuất hiện tại phổi sẽ làm tắc nghẽn máu đến phổi để nhận oxy cung cấp cho các cơ quan cho cơ thể, hậu quả là cơ thể sẽ gặp phải tình trạng thiếu oxy máu gây ảnh hưởng đến tất cả những bộ phận trong cơ thể bao gồm não, tim, thận... Hơn nữa, khi dòng máu bị tắc nghẽn tại phổi thì sẽ gây một áp lực lớn lên tim phải làm tim phải phình ra và hoạt động co bóp nhiều hơn bình thường, như vậy thì khả năng tim trái cũng sẽ không thể bơm đủ máu cho cơ thể dẫn đến huyết áp của bệnh nhân sẽ tụt giảm.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tắc mạch phổi đó là:
- Vấn đề rối loạn đông máu có khả năng di truyền trong gia đình.
- Cơ thể gặp phải vấn đề giãn tĩnh mạch.
- Bệnh nhân có tiền sử ung thư, bệnh tim mạch.
- Bệnh nhân đang trong thời gian mang thai và trong thời gian 6 tuần đầu sau sinh.
- Bệnh nhân hút thuốc lá
- Bệnh nhân bị béo phì
- Bệnh nhân sử dụng những phương tiện đường dài không có thời gian nghỉ hợp lý
- Sau phẫu thuật bệnh nhân nằm quá lâu hoặc gặp phải tình trạng chấn thương quá nặng
- Bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai và thuốc điều chỉnh hormone.
- Bệnh nhân trên 70 tuổi.
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh liên quan đến huyết khối
- Bệnh nhân không sử dụng thuốc có tác dụng làm loãng máu.
Tắc mạch phổi có thể xảy ra sau khi bệnh nhân được phẫu thuật để điều trị một số bệnh lý liên quan đến tiểu khung của cơ thể như bệnh lý phẫu thuật thoát vị, phẫu thuật phụ khoa và phẫu thuật đường tiết niệu.
Ngoài ra, tắc mạch phổi sau mổ cũng có thể gặp khi bệnh nhân thực hiện cắt một đoạn của dạ dày, cắt đại tràng hay sẩy thai... Tắc mạch phổi sau phẫu thuật có thể chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác như viêm phổi cấp, xẹp phổi hay tràn dịch màng phổi.
Vì vậy, để phòng ngừa tắc mạch phổi từ sớm thì bệnh nhân cũng như gia đình cần nhận biết từ giai đoạn cơ thể xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân và cánh tay qua những triệu chứng như sưng, nóng, đỏ và đau. Ngoài ra, khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng thì sẽ phát hiện được khối máu đông khi siêu âm Doppler thăm dò lưu lượng máu tĩnh mạch. Khi huyết khối đã di chuyển đến động mạch phổi thì sẽ xuất hiện những triệu chứng lâm sàng bao gồm khó thở, choáng váng, đau tức ngực, tim đập nhanh, có thể ho ra máu và mất ý thức. Khi chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi thì sẽ phát hiện được cục máu đông, hoặc khi thực hiện xét nghiệm công thức máu cũng sẽ có giá trị chẩn đoán.
2. Xử trí tắc mạch phổi sau mổ
Những ảnh hưởng của tắc mạch phổi đến những cơ quan khác là nguyên nhân dẫn đến tử vong nếu như bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Một bệnh nhân tắc mạch phổi sau phẫu thuật sẽ được theo dõi và điều trị tại khu vực chăm sóc đặc biệt ICU. Nguyên tắc điều trị tắc mạch phổi sau mổ là sử dụng những loại thuốc có tác dụng phá hủy khối máu đông, đồng thời kết hợp với những loại thuốc có khả năng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của những khối máu tụ mới xuất hiện là thuốc kháng đông Warfarin và Heparin.
Trong trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với thuốc làm tan huyết khối thì có thể thực hiện lấy huyết khối ra khỏi mạch máu bằng Catheter hoặc điều trị bằng phương pháp ngoại khoa phẫu thuật mở lồng ngực để lấy cục máu đông. Cần lưu ý những ca bệnh tắc mạch phổi nặng và nguy hiểm trong phẫu thuật hoặc trong sản khoa có nguy cơ rất cao dẫn đến phù phổi cấp, trụy tim mạch và tử vong nên cần phải có chỉ định mổ cấp cứu để lấy khối máu đông ngay khi có thể.
Tắc mạch phổi sau phẫu thuật là tình trạng biến chứng khá nguy hiểm và phổ biến trong hầu hết những cuộc phẫu thuật, gây nên những ảnh hưởng xấu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, phổi, não... và có khả năng dẫn đến tử vong đột ngột nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, cần phát hiện sớm những dấu hiệu của tắc mạch phổi để có thể điều trị hoặc phẫu thuật can thiệp kịp thời cho bệnh nhân.
XEM THÊM