Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes. Đa phần nguyên nhân tử vong do sốt xuất huyết ở người lớn đều vì chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác.
1. Những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn do muỗi vằn lây truyền thường khởi phát một cách rất đột ngột và tiến triển nhanh qua 3 giai đoạn. Ba giai đoạn của sốt xuất huyết bao gồm:
- Giai đoạn 1:
Người bệnh sẽ bị sốt trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sốt cao một cách đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C, rất khó hạ sốt, người bệnh đau đầu dữ dội vùng trán. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.
- Giai đoạn 2:
Đây là giai đoạn rất nguy hiểm, trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy. Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt.
Vào thời điểm này có thể người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những vết xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi...
Những vết này là các đốm đỏ hoặc một mảng bầm tím tùy theo mức độ. Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.
- Giai đoạn 3:
Sau giai đoạn nguy hiểm thì người bệnh sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này người bệnh đã hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên. Người bệnh đã có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
2. Khi nào cần nhập viện?
Khi nghi ngờ mình có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn nói riêng và có các dấu hiệu sau đây thì người bệnh cần nhập viện để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn:
- Cơ thể vật vã, lừ đừ, li bì
- Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau vùng gan
- Người bệnh bị nôn ói >= 3 lần/giờ hoặc 4 lần trong vòng 6 giờ
- Đi tiểu ít
- Được bác sĩ chẩn đoán gan to > 2 cm hoặc men gan tăng ≥ 400 U/l; Xuất huyết niêm mạc và Hct tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng ≤ 100.000/mm3.
3. Xử trí sốt xuất huyết ở người lớn
3.1 Xử trí sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo
Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo khi kèm theo theo các triệu chứng như chi ẩm, lạnh, bác sĩ chẩn đoán thời gian làm đầy mao mạch ≥ 3 giây, đau bụng vùng gan, lừ đừ hay vật vã, bứt rứt; huyết áp bình thường hoặc hiệu áp = 25 mmHg.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch để điều trị sốt xuất huyết người lớn khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Lừ đừ, mệt mỏi
- Không uống được nước
- Nôn ói nhiều
- Đau bụng
- Có dấu hiệu mất nước
- Hct tăng cao
- Thời gian truyền dịch thường là không quá 24-48 giờ.
3.2. Xử trí khi bị sốc sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốc sốt xuất huyết thường vẫn còn tỉnh táo, nếu không theo dõi sát thời gian đổ đầy mao mạch và mạch, huyết áp sẽ không phát hiện sớm sốc để điều trị kịp thời.
Khi bị sốc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch. Trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, thời gian truyền dịch và thể tích dịch truyền có thể nhiều hơn.
Nếu người bệnh có các biểu hiện lâm sàng ổn định, chi ấm, mạch rõ, huyết áp ổn định, tiểu khá, Hematocrit ổn định hoặc có dấu hiệu quá tải, dọa phù phổi thì có thể ngưng truyền dịch.
Thời điểm ngưng truyền dịch thường 24 giờ sau khi hết sốc và bệnh nhân có các dấu hiệu của giai đoạn hồi phục, thường là sau ngày 6-7.
3.3. Xử trí sốc sốt xuất huyết có xuất huyết đi kèm
- Nếu bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết có xuất huyết đi kèm thì việc điều trị sốt xuất huyết người lớn phải chống sốc bằng dung dịch điện giải (trong khi chờ có hồng cầu lắng)
- Truyền hồng cầu lắng 5-10ml/kg
- Điều chỉnh rối loạn đông máu
- Xử trí cầm máu bằng cách: băng ép tại chỗ, nhét mũi trước/sau, nội soi can thiệp cầm máu dạ dày, tá tràng,...
- Xem xét sử dụng thuốc ức chế bơm proton nếu bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết tiêu hoá trên hoặc có tiền căn viêm loét dạ dày tá tràng
- Xem xét sử dụng Vitamin K nếu bệnh nhân có biểu hiện suy gan nặng.
3.4. Xử trí sốt xuất huyết thể não
Bệnh nhân sốt xuất huyết thể não thường có triệu chứng rối loạn tri giác, co giật hoặc có dấu thần kinh khu trú. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu trên thì:
- Kê đầu bệnh nhân cao 30 độ
- Thở bình oxy
- Chống co giật cho bệnh nhân (nếu có)
- Điều trị hạ đường huyết (nếu có)
- Điều chỉnh rối loạn điện giải - toan kiềm
- Chống phù não: chỉ định khi lâm sàng bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ: Đặt nội khí quản thở máy: tăng thông khí giữ PaCO2 30 - 35 mmHg.
- Thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn Paracetamol 10-15mg /kg/lần, ngày 4 lần nếu có sốt.
4. Tiêu chuẩn xuất viện
Hết sốt 2 ngày, tỉnh táo; mạch, huyết áp bình thường; không khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hay màng phổi; số lượng tiểu cầu khuynh hướng hồi phục > 50.000/mm3 thì bệnh nhân có thể được xuất viện theo chỉ định của bác sĩ.
5. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
- Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nên tránh đi ngoài trời lúc bình minh, hoàng hôn và buổi tối, vì khi đó có nhiều muỗi bên ngoài.
- Khi đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, quần dài, vớ và giày, đảm bảo quần áo phủ kín da.
- Bạn cũng nên thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ.
- Các loại muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sống trong và xung quanh nhà. Chúng thường sống trong các vũng nước đọng, chẳng hạn như trong lu, thùng phuy hoặc gần hồ cá. Hãy làm sạch hồ cá thường xuyên cũng như dọn dẹp các vũng nước đọng để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước, hạn chế hoặc vứt bỏ các vật dụng có thể chứa nước mưa (ví dụ như lốp xe cũ, chén bát, thau chậu cũ...).
- Khi có dịch thì đôi khi bạn phải nhờ đến chính quyền địa phương để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.