Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Rối loạn thân nhiệt ở trẻ sơ sinh như sốt (tăng thân nhiệt) hoặc hạ thân nhiệt là những triệu chứng đáng sợ nhất đối với các bậc làm cha mẹ, đặc biệt là khi sốt cao hoặc em bé chỉ vài tuần tuổi.
1. Tăng thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân
Sốt không phải là bệnh mà đó là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Sốt thường chỉ ra rằng cơ thể đang chiến đấu với bệnh tật và hệ thống miễn dịch đang hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp trẻ bị sốt thường do cảm lạnh hoặc nhiễm virus. Các bệnh khác ít phổ biến hơn như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não cũng có thể gây sốt. Các nguyên nhân gây sốt khác ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Tác dụng phụ sau tiêm vắc xin
- Thời tiết quá nóng, mặc quần áo quá ấm hoặc ở ngoài nhà lâu vào ngày nóng
Triệu chứng
Dấu hiệu phổ biến của sốt ở trẻ sơ sinh là trán ấm, tuy nhiên nếu không có dấu hiệu này thì không có nghĩa là bé không bị sốt. Em bé của bạn cũng có thể cáu kỉnh và quấy khóc hơn bình thường. Các triệu chứng khác liên quan đến sốt ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Ngủ kém
- Ăn uống kém
- Không có hứng thú chơi
- Ít hoạt động hơn hoặc thậm chí thờ ơ
- Co giật
Hầu hết trẻ sơ sinh có nhiệt độ cơ thể trung bình khoảng 36,5°C đến 38°C. Sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể bé tăng lên trên 38°C. Nhiệt độ của em bé có thể tăng chậm trên 38°C trong vài ngày hoặc có thể tăng rất nhanh.
Khi nào cần gọi bác sĩ ?
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) , hãy gọi bác sĩ nếu trẻ:
- Dưới 3 tháng tuổi và bị sốt
- Thờ ơ và không đáp ứng
- Có vấn đề về hô hấp hoặc ăn uống
- Rất cáu kỉnh hoặc khó giữ bình tĩnh
- Bị phát ban
- Có các dấu hiệu mất nước, như tã ít ướt hơn, khô miệng, không có nước mắt khi khóc hoặc thóp bị lõm
- Bị co giật
Tôi nên làm gì nếu khi con bị sốt?
Nếu trẻ dưới 1 tháng tuổi và bị sốt, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở Y tế ngay lập tức. Đối với trẻ lớn hơn, hãy thử thực hiện những gợi ý sau:
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm - luôn kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cổ tay của bạn trước khi rửa cho bé.
- Cho bé mặc quần áo rộng và thoáng mát.
- Cho bé uống đủ nước để tránh mất nước. Những chất lỏng này phải là sữa mẹ, sữa công thức, dung dịch điện giải hoặc nước.
Nếu trẻ lớn hơn 6 tháng và bác sĩ đã khám và không phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn khác thì bạn có thể cho bé uống Paracetamol hoặc ibuprofen (Hapacol hoặc Brufen). Không bao giờ cho trẻ uống aspirin khi bị sốt do làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye.
2. Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Nếu nhiệt độ bé giảm xuống dưới 36,5°C thì được xem là hạ thân nhiệt hoặc nhiệt độ cơ thể thấp. Nhiệt độ cơ thể thấp ở trẻ sơ sinh có thể nguy hiểm và mặc dù hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng
Ngoài nhiệt độ cơ thể thấp, các triệu chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Uể oải, lờ đờ
- Ăn uống kém
- Khóc yếu
- Da nhợt nhạt, da lạnh hoặc mát
- Khó thở
Nguyên nhân
Sinh non và nhẹ cân
Trẻ sơ sinh được sinh ra dưới 28 tuần hoặc trẻ sơ sinh dưới 1,5 kg có khả năng cao bị hạ thân nhiệt ngay sau khi sinh so với trẻ có cân nặng bình thường và đủ tháng. Nguyên nhân là do các trẻ này có tỷ lệ diện tích da trên cân nặng lớn hơn trẻ đủ tháng nên dẫn đến trẻ sinh non dễ bị hạ thân nhiệt. Các yếu tố đóng góp khác là:
- Thiếu chất béo cách nhiệt
- Hệ thống thần kinh chưa trưởng thành
- Không có khả năng dẫn nhiệt hiệu quả
Phòng sinh lạnh
Nhiều em bé, thậm chí là đủ tháng, được sinh ra với nhiệt độ cơ thể gần như hạ nhiệt do trong phòng sinh có nhiệt độ lạnh nên nhanh chóng khiến nhiệt độ cơ thể trẻ giảm xuống.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tình trạng có quá ít glucose hoặc đường trong máu của trẻ. Glucose được cơ thể sử dụng làm năng lượng. Em bé có thể bị hạ đường huyết khi sinh hoặc ngay sau do nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh hoặc sức khỏe của người mẹ khi mang thai.
Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có liên quan đến việc giảm nhiệt độ cơ thể. Ví dụ, viêm màng não là tình trạng viêm màng bao quanh tủy sống, đôi khi có thể gây sốt ở trẻ sơ sinh, nhưng trong trường hợp khác, nó có thể gây hạ nhiệt độ thấp hơn bình thường. Hay bệnh nhiễm trùng huyết, đây là bệnh do vi khuẩn, thường gây ra hạ nhiệt độ ở trẻ sơ sinh.
Tôi nên làm gì nếu khi con bị hạ nhiệt độ?
Nếu nghi ngờ trẻ có nhiệt độ cơ thể thấp, điều đầu tiên bạn nên làm là đo nhiệt độ của trẻ. Nhiệt độ trực tràng có thể chính xác hơn, nhưng nếu bạn không có nhiệt kế đo trực tràng, bạn có thể sử dụng nhiệt kế đo ở nách. Không bao giờ sử dụng nhiệt kế đo ở nách để đo nhiệt độ ở trực tràng hoặc ngược lại.
Nếu nhiệt độ bé thấp và mặc dù bạn đã mặc quần áo, tăng nhiệt độ phòng bằng điều hoà hoặc quấn tã mà nhiệt độ của trẻ không tăng, hãy gọi bác sĩ hoặc đến cơ sở Y tế ngay lập tức.
Bác sĩ Đặng Thị Ngoan từng là giảng viên Bộ môn Nhi - trường Đại học Y dược Hải Phòng. Từng được cấp chứng chỉ về Nhi khoa trong và ngoài nước như: Bệnh viện Westmead, Australia; Trường Đại học Y Hải Phòng. Hiện tại, Bác sĩ Ngoan là bác sĩ Nhi - Sơ sinh tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com; Pregnancybirthbaby.org.au
XEM THÊM:
- Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột
- Hạ thân nhiệt chỉ huy là gì và ứng dụng thế nào?