Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và có kinh nghiệm điều trị thành công nhiều ca bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm trùng huyết có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và bất cứ độ tuổi nào, nhưng nó có xu hướng hay xảy ra ở người già và trẻ nhỏ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dễ bị nhiễm trùng huyết gây tổn thương mô, suy tạng và tổn thương.
1. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết sơ sinh
Phần lớn nhiễm khuẩn huyết xảy ra ở trẻ sơ sinh đều là do vi khuẩn, một số trường hợp khác là do nấm, virus hoặc ký sinh trùng. Trẻ có thể bị nhiễm bệnh trước khi sinh nếu nước ối của sản phụ bị nhiễm trùng hoặc trong quá trình chuyển dạ, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng trong khi đi qua đường âm đạo của mẹ bị nhiễm trùng. Sau khi sinh, trẻ có thể bị nhiễm trùng trong bệnh viện do các bệnh lý khác cần phải điều trị hoặc ở nhà.
2. Trẻ nào dễ bị nhiễm khuẩn huyết?
Các yếu tố sau đây điều khiến trẻ sơ sinh có nhiều khả năng bị nhiễm trùng huyết:
- Trẻ sinh non (trước 37 tuần).
- Túi ối vỡ sớm hơn 18 giờ trước khi sinh.
- Mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn hoặc có các triệu chứng của nước ối bị nhiễm khuẩn, như sốt.
- Trẻ sơ sinh được thực hiện các kỹ thuật để điều trị bệnh lý như đặt ống thông tiểu hoặc có đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
3. Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có thể khó phát hiện và các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và vị trí xâm nhập của nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh có thể có các triệu chứng như sau:
- Dấu hiệu bất ổn của trẻ khi chuyển dạ hoặc lúc sinh, chẳng hạn như tim thai nhanh, nước ối nhuốm màu phân su
- Rối loạn thân nhiệt (thường sốt)
- Vấn đề về hô hấp, như nhịp thở rất nhanh
- Các vấn đề về tiêu hóa như bú kém hoặc gan to
- Các vấn đề về hệ thần kinh, như ngủ li bì hoặc khó tỉnh táo, bị kích thích
4. Chẩn đoán nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh
Do các triệu chứng của nhiễm trùng huyết gần giống với nhiều bệnh lý khác, do đó, ngoài khám về thể chất, bác sĩ sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh với các bệnh lý khác, bao gồm:
- Cấy máu nhằm kiểm tra trong máu có vi khuẩn hay không, tuy nhiên xét nghiệm này cần sẽ mất vài ngày thì mới có kết quả nên nếu có triệu chứng nghi ngờ thì bác sĩ sẽ điều trị ngay lập tức và không chờ kết quả. Nhưng đây vẫn là xét nghiệm để khẳng định chắc chắn trẻ sơ sinh có bị nhiễm trùng huyết hay không.
- Cấy nước tiểu để phát hiện nhiễm khuẩn trong hệ tiết niệu.
- Cấy ở những vị trí khác như vết thương hở.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng và các tác động có thể của nhiễm trùng huyết lên thận, gan và tế bào máu.
- Chọc dịch tủy sống để xét nghiệm dịch não tuỷ giúp bác sĩ xác định trẻ có bị nhiễm trùng não và tủy sống hay không.
- X-quang hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Ví dụ, chụp X-quang ngực để kiểm tra nhiễm trùng phổi.
5. Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi, sức khỏe tổng quát của trẻ và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn huyết.
Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng huyết. Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng huyết, trẻ sơ sinh sẽ được dùng kháng sinh ngay lập tức, ngay cả trước khi có kết quả xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ điều chỉnh lộ trình điều trị phù hợp với nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết và các cơ quan đã bị ảnh hưởng.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm, do đó, trẻ thường được chuyển đến điều trị tại đơn vị hồi sức sơ sinh (newborn intensive care unit). Tại đây, trẻ sơ sinh sẽ được theo dõi rất chặt chẽ. Ngoài thuốc kháng sinh, trẻ sẽ được truyền dịch, các loại thuốc hỗ trợ điều trị khác, thở oxy không xâm lấn, dinh dưỡng và thở máy nếu cần thiết.
6. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có sao không?
Nhiễm khuẩn huyết là bệnh đe doạ đến tính mạng của trẻ sơ sinh do ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể cùng một lúc. Nhiễm trùng huyết là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh non trong tuần đầu tiên sau sinh. Trẻ sơ sinh nhẹ cân có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ cũng mắc nhiễm khuẩn huyết nhưng không bị nhẹ cân. Trẻ sơ sinh cực kỳ nhẹ cân bị nhiễm trùng huyết do nấm Candida hoặc vi khuẩn có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều.
Trẻ sơ sinh có thể hồi phục sau nhiễm trùng huyết mà không để lại các biến chứng lâu dài sau này. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sơ sinh có viêm màng não, thì sau này trẻ có thể bị chậm phát triển, bại não, co giật hoặc mất thính lực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: clevelandclinic.org; stanfordchildrens.org
XEM THÊM: