Khi hệ thống dẫn lưu nước mắt xảy ra tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần thì sẽ gây ra bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em. Căn bệnh này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và làm cho nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường, trẻ sẽ có hiện tượng chảy mắt sống và kích thích khiến cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính.
1. Bệnh tắc lệ đạo là gì?
Lệ đạo là một hệ thống ống có cấu tạo rất đặc biệt, được bắt đầu bằng điểm lệ ở gốc trong mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới của con người. Hệ thống lệ đạo gồm có lễ lệ, túi lệ, lệ quản, ống lệ mũi. Hệ thống này giúp tạo nên một quy trình hoàn chỉnh, nước mắt sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt của nhãn cầu sẽ được dồn về gốc trong mắt và dẫn qua lệ đạo xuống mũi.
Theo cơ chế bình thường, nước mắt chỉ chảy ra khi con người xuất hiện những cảm xúc thái quá như đau khổ, buồn bã, giận dữ hay có vật gì bay vào mắt... Trong trường hợp không có cảm xúc gì mà nước mắt vẫn trào ra hoặc thậm chí rơi thành giọt lã chã thì người bệnh rất có thể mắc bệnh tắc lệ đạo, hay tắc tuyến lệ.
Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em sẽ khiến cho trẻ khi khóc bị chảy cả nước mũi, phần tắc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ lệ quản, điểm lệ... Khi bé bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ bị chảy trào ra ngoài, trường hợp bị tắc kéo dài sẽ bị ứ đọng tại vị trí túi lệ và gây ra tình trạng nhiễm trùng tuyến lệ, tắc lệ đạo có mủ, túi lệ bị viêm, đặc biệt là khi ấn vào vùng góc trong mắt.
2. Dấu hiệu và nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ em
Bệnh tắc lệ đạo có thể gặp phải ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tuy nhiên, trẻ sinh thiếu tháng dễ mắc phải bệnh nhất (tắc lệ đạo ở trẻ em bẩm sinh), do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa có sự hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc.
Một số nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ em bao gồm:
- Do trẻ không có điểm lệ.
- Do trẻ bị rò túi lệ bẩm sinh.
- Bị tắc ống lệ mũi bẩm sinh (gặp phải ở khoảng 5% trẻ sơ sinh trong 12 - 20 tuần tuổi).
Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em thường xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Trẻ thường hay bị ra gỉ mắt và chảy nước mắt, hiện tượng này sẽ gia tăng khi trời lạnh, nắng hoặc gió...
- Buổi sáng khi thức dậy trẻ thường có hành động day mắt và có nhiều gỉ vàng dính quanh mí mắt.
- Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như khóc do hiện tượng đọng nước mắt ở khe mi.
- Trẻ bị đỏ da bờ mi mắt do hay day mắt và hiện tượng giả viêm kết mạc.
Ở trẻ sơ sinh, những dấu hiệu của bệnh tắc lệ đạo có dễ nhận biết hay không còn phụ thuộc vào việc trẻ bị tắc hoàn toàn hay tắc một phần, trường hợp tắc lệ đạo một phần thì phải một thời gian sau mới có thể nhận ra và việc chữa tắc lệ đạo sẽ gặp khó khăn hơn so với phát hiện sớm.
3. Xử trí tắc lệ đạo ở trẻ em
Việc đưa ra phương pháp chữa tắc lệ đạo còn phải phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh. Trường hợp người bệnh không có điểm lệ do màng ngăn ở điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo. Trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do rò túi lệ thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật đóng lỗ rò. Trường hợp điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh thì sẽ tùy theo độ tuổi của trẻ mà có phác đồ điều trị thích hợp:
- Đối với trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì cần day mắt vùng túi lệ và không cần thông vì trẻ sẽ đạt hiệu quả điều trị cao trong thời gian này, mỗi ngày có thể vệ sinh mí bằng nước muối sinh lý nhỏ tại chỗ.
- Đối tượng trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì có thể xử trí bằng cách bơm thông lệ đạo hoặc tra thuốc, day vùi túi lệ tùy theo yêu cầu của người bệnh.
- Trẻ sau 8 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì xử trí bằng cách đặt ống thông lệ đạo được khuyến khích.
Trước khi đặt ống thông lệ đạo, cần đảm bảo vệ sinh mắt và lấy hết ghèn gỉ cho trẻ rồi mới dùng một ống nhỏ linh hoạt luồn vào bên trong lệ đạo bị tắc để thông cho hết tắc, khi thực hiện cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc trẻ để không tái phát trở lại.
Thực tế, có nhiều trường hợp bị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ tự cải thiện được trong vòng vài tháng khi mà hệ thống thoát lưu nước mắt của bé hoàn thiện hơn.
Một điều đặc biệt lưu ý là trong thời gian phát hiện bệnh và chờ chữa tắc lệ đạo ở trẻ thì cha mẹ cần vệ sinh mắt cho trẻ thật cẩn thận, nếu phát hiện mắt của bé sưng đỏ thì cần đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa để khám ngay.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để được thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm tại Vinmec. Quý khách vui lòng đặt lịch tại website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.