Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Băng huyết sau sinh được xem là một trong những tai biến thường gặp trong sản khoa và cực nguy hiểm. Nó có thể cướp đi sinh mạng của sản phụ bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc xử trí băng huyết sau sinh phải nhanh chóng và kịp thời để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cũng như tính mạng của sản phụ.
1. Nguyên nhân gây ra băng huyết sau sinh
Đờ tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất khiến sản phụ bị băng huyết sau sinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: chất lượng tử cung kém, tử cung quá căng, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng ối, thai phụ bị suy nhược, thiếu máu.
- Bánh nhau bất thường
Diện tích bánh rau quá lớn, đến lúc bị bong ra sẽ gây chảy máu nhiều như trong phù nhau thai. Nhau bám xuất hiện hiện tượng bất thường: Nhau tiền đạo và rau bám thấp...dẫn tới chảy máu nhiều.
- Tổn thương cổ tử cung
Rách hay vỡ cổ tử cung hay xảy ra trong những trường hợp sinh thường. Tuy nhiên, hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở những trường hợp bị khó sinh hay có sự can thiệp của thủ thuật.
- Rối loạn đông máu
Hiện tượng này thường xảy ra trong các trường hợp như: nhau bong non, thai lưu, tắc mạch ối, nhiễm trùng... Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức mà việc cầm máu có tích cực hay không. Băng huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan hay thậm chí là không thể có con trong trường hợp cắt tử cung.
2. Dấu hiệu nhận biết bị băng huyết sau sinh
- Khi bị băng huyết sau sinh, lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, có hình dạng máu vón cục hay máu loãng.
- Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung bị tăng thể tích. Đáy của tử cung lên cao dần và bị to ra theo bề ngang và mềm nhão. Sản phụ sẽ không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ.
- Tùy thuộc lượng máu bị mất, sản phụ sau sinh có thể bị tụt huyết áp, mặt xanh tái, chóng mặt, vã mồ hôi, tim đập nhanh...
3. Các cách xử trí băng huyết sau sinh
3.1 Băng huyết sau sinh do quá trình mẹ “vượt cạn”
Bác sĩ sẽ tiến hành bóc nhau nhanh chóng và kiểm soát tử cung ngay sau khi sổ thai để chẩn đoán. Xử trí theo nguyên tắc tiến hành song song giữa việc cầm máu và hồi sức. Sau đó, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành khâu tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.
3.2 Băng huyết sau sinh do còn sót nhau
- Phải sử dụng thuốc giảm đau và tiến hành kiểm tra lại tử cung ngay. Khi kiểm tra tử cung phải lấy hết rau và màng rau còn sót, toàn bộ máu cục và máu loãng trong buồng tử cung.
- Tiêm bắp 5 đến 10 đv oxytocin hoặc ergometrin 0, 2mg vào bắp thịt.
- Cho kháng sinh toàn thân: Amoxicillin 250mg x 4 viên/ ngày x 7 ngày.
- Theo dõi tiếp mạch, huyết áp, tình trạng máu chảy và co hồi tử cung.
- Nếu sản phụ bị choáng phải hồi sức truyền dịch, truyền máu nếu thiếu máu cấp.
- Tiếp tục theo dõi mạch, huyết áp, chảy máu và độ co hồi tử cung.
- Nếu máu còn ra cho thêm thuốc oxytocin tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
- Có thể khi cần, phải kiểm tra tử cung lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.