Xử trí cơn hen kịch phát

Mỗi năm ở nước ta ghi nhận có 3000 người tử vong do hen. Các trường hợp tử vong thường là do bệnh nhân không thể qua khỏi những cơn hen kịch phát. Điều nguy hiểm nhất với bệnh nhân hen phế quản là những cơn hen nặng nguy kịch gây suy hô hấp, nghẹt thở dẫn đến tử vong. Do vậy, cần có hướng điều trị và xử trí cơn hen kịch phát kịp thời.

1. Tổng quan về cơn hen kịch phát

Cơn hen nặng nguy kịch thường khởi đầu bằng tình trạng nặng lên của các triệu chứng hen như khó thở kịch phát do co thắt phế quản, nặng ngực, tiếng thở rít với lưu lượng đỉnh (PEF) giảm dưới 60% giá trị lý thuyết. Bệnh không những gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể là nguyên nhân tử vong khi lên cơn ác tính.

1.1. Các yếu tố thúc đẩy cơn hen

  • Hít phải các dị ứng nguyên;
  • Nhiễm siêu vi đường hô hấp;
  • Hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc làm giảm đáp ứng với thuốc steroid và làm khó kiểm soát cơn hen;
  • Thuốc: Các thuốc như Aspirin, NSAIDsbeta blocker có thể thúc đẩy cơn hen trở nặng. Ước tính có 10% bệnh nhân hen kịch phát cần đặt nội khí quản có dùng aspirin;
  • Dùng các chất gây nghiện (cocain, heroin) và rượu;
  • Hoạt động quá mức trong môi trường lạnh;
  • Giảm liều steroid nhanh trên bệnh nhân đã dùng corticoid dài ngày.
  • Lạm dụng thuốc cường giao cảm beta 2: có thể gây đáp ứng nghịch lý và gây cơn hen kịch phát.

Rượu là yếu tố thúc đẩy cơn hen
Rượu là yếu tố thúc đẩy cơn hen

1.2. Đối tượng nguy cơ

Cơn hen nặng nguy kịch thường xuất hiện ở những người bệnh hen phế quản không được theo dõi và điều trị dự phòng đúng cách, hoặc không được điều trị tốt khi xuất hiện cơn hen cấp. Những người bệnh dễ có nguy cơ bị cơn hen kịch phát là những người:

  • Có tiền sử hen phế quản nặng và phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
  • Phải vào nằm viện hoặc cấp cứu vì cơn hen phế quản trong năm vừa qua.
  • Thường dùng Corticoid uống, nhất là những bệnh nhân mới ngừng uống Corticoid.
  • Thời gian gần đây phải tăng liều dùng thuốc cường giao cảm beta 2 đường hít.
  • Có bệnh lý tâm thần hoặc có vấn đề về tâm lý xã hội, dùng thuốc an thần.

2. Triệu chứng cơn hen trở nặng

Cơn hen phế quản có thể đột ngột xuất hiện và nặng lên rất nhanh (trong vòng 2- 6 giờ) hoặc có thể ban đầu chỉ là một cơn hen mức độ trung bình, kéo dài và dần nặng lên. Các dấu hiệu cơn hen trở nặng:

  • Người bệnh bị khó thở liên tục, không nằm được (phải ngồi ngửa ra trước để dễ thở);
  • Nói từng từ (khó nói hoặc không thể nói);
  • Tình trạng tinh thần bị kích thích, không tỉnh táo;
  • Vã mồ hôi;
  • Người tím tái, xanh xao;
  • Co kéo các cơ hô hấp phụ;
  • Có nhiều ran rít ở hai phổi, cả khi hít vào và thở ra;
  • Nhịp tim nhanh >120 nhịp/phút;
  • Thở nhanh >30 lần/phút;
  • Huyết áp tăng bất thường hoặc có dấu hiệu suy tim phải.
  • Mạch đảo > 20mmHg.

Khi có từ 4 dấu hiệu trở lên thì chẩn đoán là cơn hen phế quản nặng, có dấu hiệu nguy kịch.


Bệnh nhân sẽ vã mồ hôi khi cơn hen trở nặng
Bệnh nhân sẽ vã mồ hôi khi cơn hen trở nặng

3. Cách xử trí cơn hen kịch phát

Những cơn hen nặng nguy kịch có thể khiến bệnh nhân khó thở và thậm chí tử vong nhanh chóng. Người bệnh và gia đình cần lưu ý tới những bước xử trí cơn hen kịch phát để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Nguyên tắc xử trí chung:

  • Cơn hen phế quản nặng: Xử trí cho dùng thuốc trước, thủ thuật sau.
  • Cơn hen kịch phát: Tiến hành thủ thuật trước, xử trí thuốc sau.

Các bước xử trí cơn hen kịch phát:

Bước 1: Bảo đảm oxy máu:

  • Bóp bóng cho người bệnh thở mặt nạ oxy 10-12 lít/phút.
  • Đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân và bóp bóng qua nội khí quản.
  • Nếu bệnh nhân ngạt thở, cần mở khí quản cấp cứu.

Bước 2: Các thuốc sử dụng trong cơn hen kịch phát:

Adrenalin:

  • Tiêm tĩnh mạch 0,3mg, sau 5 phút nếu chưa thấy giãn phế quản hay huyết áp tụt thì tiêm nhắc lại.
  • Truyền Adrenalin qua đường tĩnh mạch liên tục với liều 0,2-0,3g/kg/phút, tùy chỉnh liều thuốc theo đáp ứng của người bệnh (mức độ co thắt phế quản, huyết áp và nhịp tim).
  • Không dùng Adrenalin cho những bệnh nhân bị suy tim, bệnh mạch vành, huyết áp cao, rối loạn nhịp tim...

Terbutalin hoặc Salbutamol hoặc Aminophylin:

  • Tiêm ống Terbutalin 0,5mg pha trong dung dịch NaCl 0,9% hoặc Glucose 5% truyền tĩnh mạch, tốc độ truyền khởi đầu 0,5mg/giờ (0,1-0,2 g/kg/phút) và tăng dần tốc độ truyền 15 phút/lần đến khi có hiệu quả.
  • Hoặc: dùng Salbutamol truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da 0,5mg mỗi 4-6 giờ.
  • Hoặc: dùng Aminophylin tiêm tĩnh mạch chậm trong 20 phút: 5mg/kg cân nặng cơ thể. Sau đó, truyền tĩnh mạch mức 0,6 mg/kg/giờ liên tục. Lưu ý cẩn thận nguy cơ ngộ độc (nhịp tim nhanh, co giật, buồn nôn) nếu dùng liều quá cao (quá 10 mg/kg/24 giờ).

Methylprednisolone (ống 40mg) hoặc Hydrocortison (ống 100mg) tiêm đường tĩnh mạch 3 - 4 giờ/ống.

Bước 3: Điều trị phối hợp:

  • Truyền dịch với tổng lượng nước: 2 - 3 lít/ngày nếu bệnh nhân không mắc suy tim, tăng huyết áp.
  • Dùng kháng sinh nếu thấy có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Nên hỏi kỹ tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân. Tránh không dùng Penicillin vì dễ gây dị ứng, các thuốc nhóm Macrolid và Quinolon vì tăng tác dụng phụ của Aminophylin.

Bước 4: Nếu cơn hen kịch phát vẫn không đỡ, cần gọi đội cấp cứu đưa lên tuyến cao hơn. Chuẩn bị sẵn thuốc và các phương tiện cấp cứu tối thiểu trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe