Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tai - mũi - họng là các cơ quan dễ bị chấn thương do tai nạn giao thông, tác động của ngoại lực,... Chấn thương tai mũi họng cần được xử trí cấp cứu nhanh chóng để tránh đe dọa tới tính mạng và tránh ảnh hưởng tới thẩm mỹ của bệnh nhân.
1. Chấn thương tai mũi họng có đặc điểm gì?
1.1 Về mặt giải phẫu
- Da: Dễ bị dập nát, bóc từng mảng hoặc co lại;
- Thành các cơ quan tai - mũi - họng: Dễ bị vỡ, rạn gây thủng khí quản hoặc bị xẹp, bật ra từng mảng do vết thương phức tạp;
- Niêm mạc: Dễ bị bóc tách, viêm hoại tử;
- Hốc tai - mũi - họng thông nhau: Dễ bị nhiễm khuẩn lan từ hốc này sang hốc khác khi bị chấn thương;
- Vị trí tai - mũi - họng nằm gần các cơ quan quan trọng như não, màng não, các dây thần kinh, mạch máu lớn,...
1.2 Về mặt sinh lý
- Bệnh nhân dễ bị choáng do các chấn thương gần sọ não;
- Nên cấp cứu ngay để tránh chảy máu, ngạt thở;
- Cần chú ý tới chức năng phục hồi của tai - mũi - họng khi xử trí sơ cứu hoặc phẫu thuật;
- Cần chú trọng tới vấn đề thẩm mỹ.
Khi xử trí các chấn thương tai - mũi - họng cần giải quyết được về cả 3 mặt là: Giữ tính mạng cho bệnh nhân; giữ được các chức năng nghe - ngửi - nói, nuốt; đảm bảo yêu cầu về mặt thẩm mỹ.
2. Xử trí chấn thương tai
Có nhiều loại chấn thương tai khác nhau và mỗi loại sẽ có biện pháp xử trí thích hợp. Cụ thể:
2.1 Chấn thương do sức ép
Nguyên nhân gây chấn thương thường là: Sóng nổ (bom, pháo, lựu đạn,...); tổn thương tai giữa (lệch khớp búa đe, rách màng nhĩ); tổn thương tai trong (chảy máu, tổn thương cơ quan Corti,...). Bệnh nhân chấn thương tai do sức ép gặp phải các triệu chứng như đau nhói trong tai, nghe kém, ù tai, chóng mặt, màng nhĩ có thể bị rách, chảy máu và sưng nề.
Với trường hợp này, cần chẩn đoán bằng cách: Kiểm tra bệnh nhân có tiền sử chấn thương do sức ép, xem xét các triệu chứng lâm sàng, đo thính lực. Việc điều trị như sau:
- Người bị rách màng nhĩ: Bác sĩ sẽ lau sạch ống tai và đặt bấc kháng sinh;
- Theo dõi tình trạng viêm tai giữa và viêm xương chũm;
- Cho bệnh nhân dùng vitamin A, vitamin B, kết hợp nghỉ ngơi nhiều hơn.
2.2 Vỡ xương đá
Xương đá nằm sâu trong hộp sọ nên thường là chấn thương kín. Chấn thương vỡ xương đá rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng viêm màng não sau nhiều năm, dễ để lại di chứng về chức năng thính giác, thăng bằng, tâm lý và thần kinh giao cảm.
Nguyên nhân gây vỡ xương đá có thể là do bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn xe cộ, bị đập đầu, bị đánh bằng vật cứng vào vùng xương chẩm, thái dương,... Triệu chứng của bệnh nhân là chảy máu tai (máu rỉ hoặc đọng ở ống tai ngoài, màu đỏ); chảy dịch não tủy (dịch trong, rỉ hoặc nhỏ giọt từ sâu trong ống tai, có thể lẫn máu); chóng mặt; nghe kém; có thể bị liệt mặt ngoại biên; khám tai và vùng chũm thấy vết bầm tím vùng chũm, ống tai bị rách da và chảy máu, màng nhĩ bị phồng và có màu xanh tím,...
Với bệnh nhân bị vỡ xương đá, trước tiên bác sĩ cần chẩn đoán, tìm hiểu cơ chế chấn thương, hoàn cảnh chấn thương (bị ngã hay bị đánh), vị trí bị chấn thương (hộp sọ vùng thái dương, chẩm, chũm,...) và xem xét các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ có thể chọc dò dịch não tủy hoặc chụp X-quang cho bệnh nhân nếu cần đánh giá kỹ hơn.
Điều trị:
- Người bị chảy máu ra tai: Cần lau thật sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh;
- Người bị chảy dịch não tủy ra tai: Cần lau thật sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh, băng kín vô khuẩn. Cần tránh gây nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào;
- Cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh chống viêm màng não và theo dõi dịch não tủy;
- Nếu bệnh nhân có viêm xương chũm thì cần mổ xương chũm.
- Nếu bệnh nhân có viêm mê nhĩ thì cần khoan, dẫn lưu mê nhĩ.
2.3 Vết thương ở tai
Đường đi của viên đạn có thể gây ra vết thương rất phức tạp ở tai. Bác sĩ cần khám tỉ mỉ và xử trí như sau:
- Lau vùng tai, xung quanh tai bệnh nhân thật sạch, rửa vành tai, ống tai bằng nước vô trùng rồi rắc bột kháng sinh.
- Nếu bệnh nhân bị sốc thì cần chống choáng trước.
- Nghiên cứu đường đi của mảnh đạn, đánh giá vết thương và đánh giá mức độ tổn thương.
- Phẫu thuật: Nhằm mục đích lấy dị vật; giải tỏa các nguyên nhân gây chèn ép như dị vật, máu cục, xương dập nát; điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn. Phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào vết thương. Nếu mảnh đạn nằm trong ống tai thì rạch đường sau tai đi sau ra trước; nếu vết thương ở tai giữa thì phẫu thuật vùng tai xương chũm dẫn lưu; nếu vết thương xương đá thì mở rộng lấy hết dị vật; nếu vết thương ở xương chũm thì mổ xương chũm.
Người bị chấn thương tai dạng này có thể gặp biến chứng: Ảnh hưởng chức năng nghe, dính khớp thái dương hàm, biến dạng vành tai, ống tai, liệt dây thần kinh,...
3. Xử trí chấn thương mũi
Mũi là nơi thường gặp chấn thương vì vị trí nằm giữa mặt và nhô cao nhất. Có nhiều dạng chấn thương mũi và mỗi dạng sẽ có cách xử trí khác nhau. Cụ thể:
3.1 Chấn thương tháp mũi (chấn thương mũi kín)
Nguyên nhân thường gặp gây chấn thương tháp mũi là: Tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, bị đánh đập hoặc ném vật cứng vào mũi, tự móc ngoáy mũi, đưa dị vật vào mũi, môi trường quá khô hoặc quá lạnh, xì mũi mạnh liên tục, tập luyện quá sức, bệnh cao huyết áp, dị ứng mũi nặng, ảnh hưởng của một số loại thuốc,...
Triệu chứng chấn thương mũi kín gồm: Chảy máu mũi, nghẹt mũi, sưng to tháp mũi, trầy xước hoặc dập da sống mũi, vẹo sống mũi, sụp sống mũi, chảy dịch não tủy ra mũi, có điểm đau chói trên sống mũi, mũi di động bất thường, sờ mũi có tiếng răng rắc hoặc lạo xạo xương,...
Chẩn đoán chấn thương mũi kín chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng, chụp X-quang mũi nghiêng và chụp CT scan các xương mặt. Việc điều trị như sau:
- Cấp cứu tức thời: Chườm lạnh tháp mũi. Nếu bệnh nhân chảy máu mũi nhiều thì cho bệnh nhân ngồi nghiêng đầu về phía trước, thở chậm qua miệng và bóp chặt 2 cánh mũi khoảng 10 - 15 phút để cầm máu. Đồng thời, cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau.
- Trường hợp chấn thương sụn tháp mũi: Không cần nắn chỉnh. Khi bệnh nhân hết sưng, nếu còn vẹo nhiều sẽ được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi.
- Trường hợp gãy vẹo xương mũi: Bác sĩ chỉ định nắn chỉnh xương chính mũi khi người bệnh bị vẹo sống mũi quá rõ và nghẹt mũi nặng 1 bên. Thời gian thực hiện nắn chỉnh 3 - 5 ngày sau chấn thương, không quá 2 - 3 tuần để đảm bảo hiệu quả.
- Trường hợp máu tụ vách ngăn mũi: Cần thực hiện chọc hút và rạch dẫn lưu máu tụ. Bác sĩ đề phòng nguy cơ nhiễm trùng gây hoại tử sụn vách ngăn.
- Rò dịch não tủy ra mũi: Cần cho bệnh nhân nằm viện, nằm yên trên giường. Tiếp theo, chọc dò tủy sống người bệnh sau 5 ngày để chẩn đoán viêm màng não. Nếu bệnh nhân không tự ngưng chảy dịch não tủy thì cần mổ vá màng não ở sàn sọ.
3.2 Chấn thương hàm - mặt và các cấu trúc gần mũi
Nguyên nhân gây chấn thương là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thể thao, ngã từ trên cao xuống hoặc bị đánh đập mạnh vào đầu. Nạn nhân bị chấn thương có triệu chứng chảy máu, phù nề ảnh hưởng đường thở, gãy xương hàm dưới (lệch khớp cắn, sưng đau nhiều vùng xương hàm dưới, vỡ nát gờ ổ răng, mất cảm giác vùng hàm dưới, xương hàm dưới di động bất thường), gãy lồi cầu xương hàm dưới (đau nhiều ở vùng trước tai, chảy máu tai, sưng to vùng trước tai, khít hàm và hàm lệch về bên gãy khi há miệng), gãy khối xương mặt, chấn thương phối hợp (gãy cột sống cổ, chấn thương sọ não).
Chẩn đoán chấn thương dựa trên các triệu chứng lâm sàng, chụp X-quang răng toàn cảnh và chụp CT scan. Việc điều trị gồm:
- Cấp cứu ngay lập tức: Đặt ống thở hoặc mở khí quản; giữ bệnh nhân ở tư thế nằm, giữ ấm; truyền dịch chống sốc, truyền máu; cho bệnh nhân dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng; chế độ ăn lỏng.
- Trường hợp gãy xương hàm dưới: Chỉ định cột cố định hàm.
- Trường hợp gãy khối xương giữa mặt: Khi có di lệch nhiều được chỉ định mổ (cố định ngoài hoặc nẹp vít).
3.3 Chấn thương mũi hở
Nguyên nhân gây chấn thương chủ yếu là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thể thao, bị chó mèo cắn đứt mũi hoặc bị chém đứt mũi do vật sắc bén. Triệu chứng là mất một phần cấu trúc mũi (da, sụn, xương), đau nhức, chảy máu.
Cách xử trí chấn thương mũi hở gồm:
- Khâu vết thương.
- Làm sạch, khâu lại phần bị đứt rời nếu giữ lại được.
- Phẫu thuật tạo hình mũi.
- Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng, tiêm phòng uốn ván cho bệnh nhân.
4. Xử trí chấn thương họng miệng
Nguyên nhân gây chấn thương vùng họng, miệng có thể là: Đạn bắn, tai nạn giao thông, chảy máu sau cắt amidan, trẻ bị té ngã khi đang ngậm vật cứng, người khác chọc dị vật vào miệng bé,... Bệnh nhân bị tổn thương răng, lưỡi, khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, amidan, thành sau họng, chấn thương động mạch cảnh trong và thần kinh vùng cổ.
Triệu chứng chấn thương họng - miệng là: Chảy máu miệng, nuốt khó, nuốt đau, khó phát âm và khó thở. Việc chẩn đoán tổn thương sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, chụp X-quang cổ nghiêng và chụp CT scan vùng cổ.
Để xử trí, điều trị cho bệnh nhân chấn thương họng miệng gồm: Chống ngạt thở, cầm máu tại chỗ và cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh phòng chống nhiễm trùng. Đa số các trường hợp sau điều trị sẽ tự lành. Tuy nhiên, một số trường hợp khác có thể gặp biến chứng như máu tụ thành bên (hoặc thành sau) họng, áp xe thành bên (hoặc thành sau họng), tổn thương động mạch cảnh trong, sụp mí, giãn đồng tử, liệt nửa người,...
Các biện pháp xử trí chấn thương tai mũi họng cần thực hiện đúng phác đồ chuẩn để giữ tính mạng, chức năng các cơ quan và đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.