Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do virus đường ruột gây ra và dễ lan thành dịch. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
1. Biểu hiện của bệnh chân tay miệng cấp độ 3
Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương về da, niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc lòng bàn tay, miệng, lòng bàn chân, gối, mông. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thần kinh, hô hấp, đặc biệt có thể dẫn tới tử vong.
Việc nhận diện chính xác các biểu hiện của bệnh tay chân miệng theo từng cấp độ sẽ giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Bệnh chân tay miệng cấp độ 3 có các biểu hiện sau:
- Mạch nhanh > 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt).
- Một số trường hợp có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng).
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
- HA tăng.
- Thở nhanh, thở bất thường: Cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản.
- Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).
- Tăng trương lực cơ.
2. Điều trị chân tay miệng cấp độ 3
Cấp độ 3 là cấp độ nặng của chân tay miệng, cần điều trị nội trú tại bệnh viện.
- Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút. Đặt nội khí quản giúp thở sớm khi thất bại với thở oxy.
- Phenobarbital 10 – 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần.
- Chống phù não: nằm đầu cao 30°, hạn chế dịch (tổng dịch bằng 1/2-3/4 nhu cầu bình thường), thở máy tăng thông khí giữ PaCO2 từ 25-35 mmHg và duy trì PaO2 từ 90-100 mmHg.
- Immunoglobulin (Gammaglobulin): 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ, dùng trong 2 ngày liên tục
- Dobutamin được chỉ định khi suy tim mạch > 170 lần/phút, liều khởi đầu 5μg/kg/phút truyền tĩnh mạch, tăng dần 1-2,5μg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có cải thiện lâm sàng; liều tối đa 20μg/kg/phút.
- Milrinone truyền tĩnh mạch 0,4 μg/kg/phút chỉ dùng khi HA cao, trong 24-72 giờ.
- Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, toan kiềm, điều trị hạ đường huyết.
- Hạ sốt tích cực.
- Điều trị co giật nếu có: Midazolam 0,15 mg/kg/lần hoặc Diazepam 0,2-0,3 mg/kg truyền tĩnh mạch chậm, lặp lại sau 10 phút nếu còn co giật (tối đa 3 lần).
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2, mỗi 1- 2 giờ. Nếu có điều kiện nên theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn.
3. Phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả
Hiện nay, Việt Nam cũng như thế giới chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả. Bệnh lây lan qua các con đường như tiếp xúc dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh, phân, do đó, cách phòng bệnh tốt là thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tiến hành chăm sóc y tế kịp thời cho trẻ bị bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng tiêu biểu:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống; trước khi cho trẻ nhỏ ăn và sau khi thay tã, quần áo cho trẻ mắc bệnh.
- Ăn chín, uống sôi
- Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng bẩn với xà phòng và nước
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh
- Nếu trẻ đang bị bệnh, cần cho trẻ ở nhà, không đi lớp, đến những nơi đông người cho tới khi trẻ khỏe hẳn.
- Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi
- Xử lý tã lót, khăn giấy đã dùng vào thùng rác, thải bỏ đúng cách
- Nếu trẻ sốt cao li bì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Lau dọn nhà cửa sạch sẽ.
Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các biến chứng nặng nề về thần kinh, tim mạch. Do đó, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị nếu trẻ có các dấu hiệu chân tay miệng kể trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.