Để đảm bảo và duy trì các chức năng đầy đủ của cơ thể, lượng sắt trong máu thường dao động trong khoảng nhất định. Nồng độ sắt trong máu cao hay thấp có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng hiện tại của cơ thể bạn.
1. Vai trò của sắt trong cơ thể
Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như: hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme. Trong các cơ chế chuyển hóa, sắt tham gia vào quá trình vận chuyển oxy, tổng hợp DNA, vận chuyển electron...
Đối với người khỏe mạnh, 90- 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra; sắt cũng bị bài tiết khoảng 5 - 10% (1 - 2mg) qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để cân bằng lại lượng sắt cần thiết, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng.
2. Dấu hiệu chỉ định thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh
- Khi thực hiện một số xét nghiệm như tổng phân tích máu, hemoglobin có kết quả bất thường
- Hoặc nghi ngờ bạn bị bệnh thiếu máu, thiếu sắt qua một số triệu chứng như da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, giảm khả năng hoạt động thể lực và trí lực... thì bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sắt huyết thanh.
3. Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh.
Để thực hiện xét nghiệm, bạn cần phải lấy máu. Vị trí lấy máu thường là tĩnh mạch mu bàn tay hoặc cánh tay. Mẫu máu sau đó được chuyển tới phòng xét nghiệm để phân tích.
Trước khi xét nghiệm, bạn cũng cần nhịn đói (không ăn hoặc uống, có thể uống nước lọc) thời gian khoảng 12 tiếng đồng hồ. Bạn nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng, trước 10 giờ, bởi đây là khoảng thời gian sắt huyết thanh đạt nồng độ cao nhất.
4. Xét nghiệm sắt huyết thanh chẩn đoán bệnh gì?
Xét nghiệm huyết thanh để đánh giá toàn diện lượng sắt có trong máu. Transferrin là một protein trong máu, giúp vận chuyển sắt đến các cơ quan cần sắt trong cơ thể như: tủy xương, tổ chức cơ. Xét nghiệm cho biết lượng sắt gắn với protein transferrin, từ đó bác sỹ có thể nhận định được trong máu đang thiếu hay dư thừa sắt.
4.1 Nồng độ sắt huyết thanh thấp
Nguyên nhân giảm lượng sắt huyết thanh thường gặp là
- Thiếu máu do thiếu sắt.
- Khẩu phần ăn thiếu sắt (suy dinh dưỡng).
- Các nguyên nhân gây giảm hấp thụ.
- Mất máu qua: Đường tiêu hóa, sản phụ khoa, tiết niệu.
- Tăng nhu cầu sắt : Giai đoạn cơ thể sinh trưởng, có thai, kinh nguyệt (nữ mất 3-8 mg sắt trong mỗi kỳ kinh), tình trạng sau phẫu thuật, hội chứng viêm ( như viêm khớp dạng thấp hay bệnh tạo keo giai đoạn hoạt động), nhiễm trùng cấp và nhất là nhiễm trùng mạn, ung thư và bệnh lý u tân sinh.
- Các nguyên nhân khác: bỏng rộng, hội chứng tăng urê máu, suy giáp, hội chứng thận hư (do gây mất các protein mang sắt qua nước tiểu).
4.2 Nồng độ sắt huyết thanh cao
Sắt huyết thanh cao trong máu gặp khi bạn sử dụng thực phẩm giàu chất sắt, vitamin B6, vitamin B12. Ngoài ra, nồng độ sắt huyết thanh cao còn do ảnh hưởng từ một số bệnh lý như:
- Thiếu máu tan huyết: Tình trạng hồng cầu bị vỡ hàng loạt do bất thường về đời sống hồng cầu.
- Các bệnh lý về gan: hoạt tử tế bào gan, viêm gan.
- Ngộ độc sắt: khi bạn sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu chất sắt.
Kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh sẽ bị ảnh hưởng ở trong một số trường hợp sau:
- Tăng giả tạo nồng độ sắt huyết thanh có thể xảy ra do bệnh nhân dùng vitamin B12 trong vòng 48h trước.
- Dùng dextran sắt, bệnh nhân đang uống thuốc chứa sắt (kể cả vitamin tổng hợp) có thể tăng tạm thời sắt huyết thanh.
- Bệnh nhân đang uống thuốc viên ngừa thai sẽ có tăng nồng độ sắt huyết thanh và/hoặc giá trị khả năng mang sắt toàn thể (total iron binding capacity).
- Giảm giả tạo nồng độ sắt huyết thanh có thể xảy ra khi mẫu bệnh phẩm bị đục do tăng lipid máu hay do các tình trạng viêm.
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ sắt huyết thanh là: cefotaxim, chloramphenicol, estrogen, sulfate sắt, methimazole, methotrexat.
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ sắt huyết thanh là: Allopurinol, aspirin, cholestyramin, hormon hướng thượng thận, metformin, pergolide, progestin, risperidon, testosterone.
Mọi thắc mắc cũng như quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: