Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Hệ nhóm máu Rh là nhóm máu đóng vai trò quan trọng thứ hai sau hệ nhóm máu ABO ở người. Nhóm máu Rh có những đặc điểm rất khác biệt so với hệ nhóm máu ABO nên cần có những lưu ý nhất định trong truyền máu cũng như trong sản khoa, nhất là khi Kết quả xét nghiệm là Rh âm
1. Nhóm máu Rh
Ngoài hệ thống nhóm máu ABO, nhóm máu còn được phân loại theo nhóm Rh hay còn gọi là yếu tố rhesus . Hệ thống nhóm máu Rh ở người bao gồm gần 50 loại kháng nguyên trên bề mặt của tế bào hồng cầu, trong đó 5 loại kháng nguyên quan trọng là D, C, c, E, e.
Kháng nguyên loại D được xem là quan trọng nhất trong máu hệ nhóm máu Rh vì nó có tính sinh miễn dịch cao nhất. Tại Việt Nam, người mang nhóm máu Rh âm chiếm tỷ lệ rất thấp, thường sẽ nằm trong khoảng 0.04%- 0.07%
2. Xét nghiệm nhóm máu Rh
Đối với các kết quả của người mà trong cơ thể có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu thì được gọi là nhóm máu Rh dương hay Rh(D) dương, và ngược lại nếu không có sự xuất hiện của kháng nguyên loại D trên bề mặt hồng cầu thì sẽ cho kết quả nhóm máu Rh âm.
Thông thường thì trường hợp nhóm máu Rh dương chiếm tỷ lệ phổ biến hơn so với nhóm máu Rh âm, do đó nhóm máu Rh âm được xem là trường hợp rất hiếm. Việc xác định kết quả xét nghiệm nhóm máu Rh có vai trò quan trọng trong việc truyền máu, ví dụ như người mang trong mình nhóm máu Rh âm thì chỉ có thể nhận máu từ những người cũng có nhóm máu Rh âm như mình. Nếu người có xét nghiệm máu Rh dương tính thì có thể nhận máu từ người có Rh dương tính hoặc Rh âm tính đều được.
3. Xét nghiệm máu Rh dương tính có bị sao không?
Xét nghiệm nhóm máu Rh dương và âm có ý nghĩa rất to lớn trong vấn đề thực hành truyền máu, nhất là trong sản khoa. Những người khi xét nghiệm nhóm máu Rh dương thì không nên cho máu của mình sang những người có nhóm máu Rh âm vì có thể dẫn đến những tai biến truyền máu cực kỳ nguy hiểm. Đó chính là sự không hòa hợp về kháng nguyên D gây ra những phản ứng bất lợi cho người nhận máu. Tốt nhất trong những trường hợp đó là người có máu Rh âm chỉ nên nhận máu từ những người mang máu Rh âm giống mình.
Trong sản khoa, nếu mẹ có máu Rh âm nhưng bố có máu Rh dương thì có khả năng bào thai sẽ mang nhóm máu Rh dương, hậu quả là cơ thể mẹ sẽ sinh ra những kháng thể phá hủy hồng cầu của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu đây là lần mang thai đầu tiên của người mẹ thì sẽ ít để lại những tai biến trầm trọng cho bào thai nhưng nếu lặp lại ở lần mang thai sau đó, đứa trẻ vẫn mang nhóm máu Rh dương thì khả năng anti-D sẽ truyền từ mẹ sang con qua đường nhau thai, làm ngưng kết hồng cầu hay gọi là tình trạng tan máu và tiêu hủy tế bào hồng cầu của đứa bé, gọi là hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con.
Kết quả là tình trạng này sẽ dẫn đến một số bệnh lý cho trẻ ngay từ khi mới chào đời như vàng da sơ sinh, thiểu năng trí tuệ, hoặc có khi đứa bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ vẫn gặp phải tình trạng sinh non sẩy thai, thai chết lưu...
Để giảm thiểu những tai biến nguy hiểm của tình trạng bất đồng nhóm máu Rh, vẫn có những giải pháp giúp chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng này. Thực tế cho thấy vẫn có những người phụ nữ có nhóm máu hiếm là Rh âm nhưng vẫn có thể sinh con một cách an toàn, thuận lợi và có thể sinh được nhiều con.
Cụ thể, những thành viên trong gia đình cần biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tự nguyện xét nghiệm nhóm máu Rh để biết được nhóm máu của mình là gì, từ đó có thể đến gặp những bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn, loại bỏ những khả năng xấu trong vấn đề truyền máu và sinh con. Đặc biệt là với những người phụ nữ có nhóm máu Rh âm thì lại càng cần phải lưu ý hơn về vấn đề này trong việc truyền và nhận máu, trong suốt thai kỳ và thời gian sinh nở của mình.
Xét nghiệm nhóm máu Rh là một xét nghiệm cơ bản và cần thiết mà bất cứ ai, kể cả là phụ nữ mang thai, phụ nữ chưa mang thai hay đàn ông cần phải thực hiện để xác định được nhóm máu của mình là máu Rh dương hay Rh âm. Nếu phát hiện ra mình thuộc nhóm máu hiếm thì cần báo với bác sĩ trong trường hợp có truyền hay nhận máu với người khác. Phụ nữ mang thai và chồng cũng cần làm xét nghiệm máu Rh để hạn chế hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh mẹ con, gây những tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe đứa bé.