Khí máu động mạch giúp đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa máu của bệnh nhân, đây là một xét nghiệm rất quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng.
1. Xét nghiệm khí máu động mạch để làm gì?
Khí máu động mạch là xét nghiệm được thực hiện trên máu động mạch của bệnh nhân. Xét nghiệm sẽ giúp cung cấp những thông số như pH máu, áp suất khí carbonic trong máu động mạch (PaCO2), nồng độ bicarbonat trong huyết tương HCO3-, độ bão hòa oxy trong máu động mạch (SaO2) và áp suất riêng phần của oxy hòa tan trong máu động mạch (PaO2). Các thông số này sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa của bệnh nhân.
Những thông tin này là rất quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng. Đối với bệnh nhân cần thở máy, kết quả xét nghiệm khí máu động mạch được thực hiện trước khi thở máy sẽ giúp điều chỉnh thông số thở máy.
2. Cách lấy máu để làm xét nghiệm khí máu động mạch
Để có mẫu máu xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ lấy máu động mạch của bệnh nhân. Các vị trí lấy máu thường sử dụng nhất đó là động mạch quay ở cổ tay, động mạch cánh tay và động mạch bẹn. Trong đó, lấy máu ở động mạch quay là khó nhất và động mạch bẹn là dễ nhất, do đường kính động mạch bẹn to, đường kính động mạch quay lại khá nhỏ. Tuy nhiên, nếu xét về tính an toàn thì lấy máu ở động mạch quay là an toàn nhất.
Động mạch quay là vị trí thường được sử dụng nhất trên lâm sàng, nếu thất bại khi lấy máu ở động mạch quay, bác sĩ mới chỉ định lấy máu ở các vị trí khác. Nguyên nhân của sự lựa chọn này là do khi đưa kim tiêm vào lòng động mạch để lấy máu sẽ gây nguy cơ hình thành huyết khối và tắc mạch, đây là một biến chứng hết sức nguy hiểm. Ở bàn tay, có hai động mạch cấp máu, đó là động mạch quay và động mạch trụ. Nếu có huyết khối hình thành và làm tắc hoàn toàn động mạch quay thì động mạch trụ vẫn có khả năng cấp máu và bàn tay sẽ không bị hoại tử.
Đánh giá chức năng động mạch trụ trước khi lấy máu rất quan trọng, nhằm đảm bảo động mạch trụ hoạt động ổn định, có khả năng cung cấp đủ máu cho bàn tay nếu huyết khối động mạch quay xảy ra. Biện pháp thường được dùng để đánh giá đó là thực hiện nghiệm pháp Allen. Nghiệm pháp Allen được thực hiện như sau:
- Bệnh nhân được hướng dẫn nắm chặt tay để giảm lượng máu xuống bàn tay. Điều dưỡng sẽ dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào đường đi của động mạch quay và động mạch trụ trong vài giây. Bàn tay bệnh nhân sẽ trắng bệch vì lượng máu đến tay giảm.
- Thả ngón tay giữ động mạch trụ, nếu bàn tay hồng hào trở lại trong 7-10 giây chứng tỏ máu đến nuôi tay tốt. Nếu bàn tay không hồng hào trở lại chứng tỏ động mạch trụ ở tay đó không cung cấp đủ máu nuôi tay, tiến hành kiểm tra ở tay còn lại.
3. Cách đọc khí máu động mạch cơ bản
Các chỉ số khí máu bình thường khi thuộc những khoảng giá trị sau đây:
- pH máu: 7.35- 7.45
- PaCO2: 35-45 mmHg
- HCO3-: 22-26 mEq/l
- SaO2: 95-100%
- PaO2: 80-100 mmHg
Cách đọc khí máu động mạch cơ bản thực hiện theo các bước sau:
3.1. Cách đọc khí máu động mạch để đánh giá tình trạng toan-kiềm:
Bước 1: So sánh pH so với khoảng giá trị bình thường, nếu pH <7.35 chứng tỏ bệnh nhân có toan máu, nếu pH >7.45 thì bệnh nhân có kiềm máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có có thể có chuyển hóa kết hợp (tình trạng nhiễm toan và kiềm đồng thời), pH bệnh nhân có thể trong phạm vi bình thường.
Bước 2: Xác định rối loạn tiên phát dẫn đến sự thay đổi pH
Xác định các thay đổi của PaCO2 và HCO3-:
- PaCO2 <35: được gọi là kiềm hô hấp
- PaCO2 >45: được gọi là toan hô hấp
- HCO3- <22: được gọi là toan chuyển hóa
- HCO3- >28: được gọi là kiềm chuyển hóa
Tìm rối loạn tiên phát được thực hiện như sau:
- Khi bệnh nhân có tình trạng toan máu (pH <7.35) và :
- Chỉ có toan chuyển hóa (HCO3- <22) thì rối loạn tiên phát gây biến đổi pH là do chuyển hóa (thận).
- Chỉ có toan hô hấp (PaCO2 >45) thì rối loạn tiên phát là do hô hấp (phổi).
- Nếu vừa có cả toan chuyển hóa và toan hô hấp, nguyên nhân gây rối loạn tiên phát là phối hợp, cả do hô hấp và chuyển hóa.
- Nếu không có cả toan chuyển hóa và hô hấp, hoặc là xét nghiệm bình thường (pH>7.35) hoặc xét nghiệm cho kết quả sai.
- Khi bệnh nhân có tình trạng kiềm máu (pH>7.45) và:
- Chỉ có kiềm chuyển hóa (HCO3- >28) thì rối loạn tiên phát là do chuyển hóa (thận).
- Chỉ có tình trạng kiềm hô hấp (PaCO2 <35) thì rối loạn tiên phát là do hô hấp (phổi).
- Nếu có cả kiềm hô hấp và kiểm chuyển hóa thì rối loạn tiên phát gây nên bởi cả rối loạn hô hấp và chuyển hóa.
- Nếu không có cả kiềm chuyển hóa và kiềm hô hấp: xét nghiệm sai hoặc xét nghiệm cho kết quả bình thường.
Bước 3: Đánh giá đáp ứng bù trừ
Nếu rối loạn tiên phát do hô hấp thì thận sẽ cố gắng điều chỉnh HCO3- để đưa mức pH về giới hạn bình thường. Nếu rối loạn tiên phát do chuyển hóa thì phổi sẽ điều chỉnh CO2 để đưa pH về giá trị bình thường. Tốc độ bù trừ khác nhau tùy thuộc vào bù hô hấp hay bù chuyển hóa. Nếu rối loạn do chuyển hóa thì bù hô hấp sẽ diễn ra ngay lập tức.
Ví dụ như bệnh nhân được truyền acid clohydric tĩnh mạch bị toan chuyển hóa, cơ thể người bệnh sẽ nhanh chóng tăng thông khí và sinh ra kiềm hô hấp để đưa pH về bình thường. Bù chuyển hóa do bất thường hô hấp sẽ chậm và có thể mất nhiều ngày. Ví dụ như một người di chuyển lên độ cao, bắt đầu thông khí bởi nồng độ oxy trong không khí thấp, đầu tiên sẽ không có bù chuyển hóa, pH máu cao, sau nhiều ngày, bù chuyển hóa xảy ra và pH máu sẽ về theo hướng bình thường.
Dựa vào các chỉ số HCO3- và PaCO2, kiểm tra, so sánh và tình trạng lâm sàng, bác sĩ xác định mức bù trừ có phù hợp hay không và có chỉ định điều trị thích hợp.
3.2. Cách đọc khí máu động mạch để đánh giá thông khí
Đánh giá thông khí dựa vào PaCO2:
- PaCO2 <35: tăng thông khí
- PaCO2 > 45: giảm thông khí
3.3. Cách đọc khí máu động mạch để đánh giá trao đổi khí
- PaO2 là áp suất phần của O2 trong máu, có thể dùng để đánh giá tình trạng suy hô hấp:
PaO2 | Độ suy hô hấp |
79-60 | Nhẹ |
59-40 | Trung bình |
<40 | Nặng |
- PaO2 cũng giúp đánh giá hiệu quả của liệu pháp oxy:
(FiO2 chỉ phần trăm oxy trong thể tích được đo, trong tự nhiên, oxy chiếm 20.9% tương đương với FiO2 là 0.0209. Người bệnh khi được thở máy với khí thở có hàm lượng oxy cao, sẽ có FiO2 cao hơn so với bình thường).
PAO2 (mmHg) | Ý nghĩa và cách xử lý |
<60 | Giảm O2 máu chưa được điều chỉnh nếu đã có tăng FiO2 |
60< PAO2<100 | Giảm O2 máu đã được điều chỉnh nhưng sẽ giảm nếu giảm FiO2 |
100< PAO2< PAO2 dự đoán | Giảm oxy máu đã điều chỉnh dư. |
PAO2> PAO2 dự đoán | Sẽ giảm O2 máu nếu ngưng cung cấp O2 nhưng có thể giảm FiO2 được. |
Giám oxy máu đã điều chỉnh quá dư, có thể không giảm O2 máu nếu ngưng cung cấp O2 .Phải giảm từ từ FiO2 |
- Tỷ số PaO2/FiO2 được dùng để theo dõi tình trạng suy hô hấp cấp và shunt:
PaO2/FiO2 <300: bệnh nhân có thể đang thiếu máu oxy, tổn thương phổi cấp.
PaO2/FiO2 <200: bệnh nhân đang suy hô hấp cấp.
PaO2/FiO2 >350: bệnh nhân đang thừa oxy máu
PaO2/FiO2 trong khoảng 100-500: giảm mỗi 100 thì tăng shunt 5%: (500-PaO2/FiO2)x%
PaO2/FiO2 <100: giảm mỗi 15-20% thì tăng shunt 5%
<10 | Shunt bình thường |
10-19 | Shunt bất thường, chưa có ý nghĩa lâm sàng |
20-29 | Shunt đáng kể, nguy hiểm nếu tim mạch, thần kinh bất thường |
> 30 | Nguy hiểm, điều trị hô hấp tim mạch tích cực |
> 60 | Giới hạn cuối |
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM: