Xét nghiệm ferritin khi mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Các bác sĩ coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa nên cần đi xét nghiệm ferritin khi mang thai. Việc xét nghiệm Ferritin tức là kiểm tra định lượng sắt đang có trong cơ thể của thai phụ để xác định xem cơ thể thai phụ thiếu hay thừa sắt. Từ đó, có phương hướng bổ sung hay đào thải sắt ra ngoài cơ thể.

1. Xét nghiệm ferritin là gì?

Ferritin là tế bào protein trong máu có chứa chất sắt. Xét nghiệm định lượng ferritin là một xét nghiệm đo lượng protein trong máu nhằm chẩn đoán quá trình sản sinh protein Ferritin. Thường được áp dụng cho các bệnh về gan, tiểu đường, cường giáp, ung thư và các tình trạng viêm khác.

Đi xét nghiệm ferritin sẽ giúp bác sĩ hiểu lượng sắt cơ thể được lưu trữ được bao nhiêu. Nếu xét nghiệm ferritin cho thấy mức độ ferritin trong máu thấp hơn bình thường, điều đó có nghĩa dự trữ sắt của cơ thể thấp và có thiếu sắt.

Nếu kiểm tra ferritin cho thấy cao hơn mức bình thường, nó có thể chỉ ra rằng có một điều kiện gây ra cho cơ thể để lưu trữ quá nhiều chất sắt. Nó cũng có thể chỉ điểm đến bệnh gan, viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm khác, cường giáp hoặc một số bệnh ung thư cũng có thể gây ra mức độ ferritin trong máu cao.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Tại sao cần xét nghiệm ferritin khi mang thai

Xét nghiệm ferritin khi mang thai được yêu cầu khi thai phụ bị nghi ngờ thiếu máu, thiếu sắt hay là thừa sắt. Khi đó phụ nữ mang thai sẽ có những biểu hiện như: cơ thể bị mệt mỏi; người ốm yếu xanh xao; thường xuyên bị nhức đầu chóng mặt...

Hoặc khi các mẹ có những triệu chứng của bệnh viêm cơ-khớp; trong người luôn khó chịu, không có tinh thần,... cũng có thể được chỉ định làm xét nghiệm ferritin, vì nguy cơ mức ferritin trong máu của bạn đang ở mức cao.

Nguyên nhân của thiếu sắt hay thừa sắt ở phụ nữ mang thai có thể là do:

  • Bổ sung quá nhiều hoặc quá ít chất sắt sẽ làm tăng hoặc giảm mức độ sắt trong cơ thể của bạn.
  • Mức Ferritin tăng nhẹ có thể được nhìn thấy trong thiếu máu huyết tán, thiếu máu nguyên hồng cầu, lạm dụng rượu, viêm gan cấp tính và bệnh lý nhiễm trùng mãn tính...
  • Thừa sắt cũng có thể do đột biến các gen HAMP, HFE HFE2, SLC40A1 và TFR2. Đột biến ở các gen này làm giảm sự kiểm soát của sự hấp thụ sắt trong quá trình tiêu hóa và làm thay đổi sự phân bố của sắt đến các bộ phận của cơ thể.

Mẹ bầu khi thiếu sắt sẽ có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi,...
Mẹ bầu khi thiếu sắt sẽ có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi,...

Phụ nữ mang thai bị thừa sắt sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé:

  • Khi lượng sắt trong cơ thể tăng lên quá mức dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và lượng huyết sắc tố hemoglobin. Điều này có thể gây khó khăn cho quá trình vận chuyển máu và oxy từ mẹ sang thai nhi.
  • Trẻ sinh ra bị nhẹ cân, sinh non và thậm chí là tử vong.
  • Lượng sắt dư thừa tích lũy lâu trong cơ thể thai phụ sẽ tạo áp lực lên gan và lá lách, về lâu dài dẫn đến suy lách, suy gan, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy. Sắt thừa còn gây ra các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, parkinson và ung thư.

Thiếu máu, thiếu sắt ở bà bầu gây nên tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não... có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con:

  • Đối với thai phụ sẽ dễ sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.
  • Con sinh ra nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
  • Con của những bà mẹ thiếu máu thai kỳ ở giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác; ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não của trẻ và làm suy giảm khả năng học tập của trẻ do khiếm khuyết trong quá trình hình thành myelin do thiếu sắt.

Vì vậy, các bác sĩ đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa nên cần đi xét nghiệm ferritin khi mang thai.

3. Các bước làm xét nghiệm ferritin

Bước 1: Trước khi tiến hành xét nghiệm ferritin, thai phụ cần nhịn ăn trước 6 tiếng khi tiến hành lấy máu làm xét nghiệm này.

Bước 2: Trong quá trình xét nghiệm Ferritin, bác sĩ tiến hành lấy mẫu máu bằng cách lấy máu tĩnh mạch.

Bước 3: Các mẫu máu lấy được sẽ gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích chẩn đoán. Thai phụ có thể hoạt động bình thường trở lại ngay lập tức.


Trước khi tiến hành xét nghiệm ferritin, thai phụ cần nhịn ăn trước 6 tiếng
Trước khi tiến hành xét nghiệm ferritin, thai phụ cần nhịn ăn trước 6 tiếng

4. Phòng ngừa thiếu hoặc thừa sắt ở phụ nữ mang thai

Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai:

  • Với đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt, sử dụng biện pháp bổ sung viên sắt. Phụ nữ có thai cần kết hợp ǎn uống khoa học với uống viên sắt đều đặn, mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai cho tới sau sinh 1 tháng.
  • Cải thiện chế độ ǎn, đa dạng hoá thức ǎn: sử dụng nhiều loại thức ǎn khác nhau, đặc biệt là nguồn thức ăn chứa hàm lượng sắt cao như thịt, trứng, tiết, rau quả giàu vitamin C.
  • Kết hợp sắt với protein, đặc biệt là protein động vật chứa nhiều trong thịt đỏ, thịt gà và cá. Nếu chỉ bổ sung riêng thực phẩm giàu chất sắt sẽ không thể làm tăng lượng hồng cầu trong máu.
  • Bổ sung các loại rau lá xanh, khoai tây, nho khô, đậu hà lan, quả lựu, mơ, chuối, nho đen,... đều rất giàu chất sắt.
  • Phối hợp với các chương trình chǎm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, phòng chống giun sán.

Phòng ngừa thừa sắt ở phụ nữ mang thai:

  • Nếu đang uống viên sắt, thai phụ cần ngưng uống viên sắt ngay.
  • Ăn nhiều chất xơ, rau củ quả vì các chất xơ trong rau củ quả giúp giảm hấp thu sắt.
  • Sử dụng các thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như rau má, nước rau ngô,...để nhanh chóng đào thải sắt ra ngoài.
  • Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hơn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Tùy vào mức độ sắt dư thừa trong cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định viên uống thải sắt, rửa ruột,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe