Herpes là loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ với 45 triệu người mang virus này. Herpes rất dễ lây lan và không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với giáo dục sức khỏe và điều trị y tế, người bệnh có thể giảm hoặc ngăn chặn sự bùng phát và lây truyền sang bạn tình.
1. Nguyên nhân của mụn rộp sinh dục là gì?
Nguyên nhân gây mụn rộp sinh dục là do virus herpes simplex (HSV). Có hai chủng virus:
- HSV-2 là nguyên nhân phổ biến nhất của mụn rộp sinh dục.
- HSV-1 gây ra lở môi (tên tiếng Anh là cold sores hay fever blisters) mà nhiều người mắc phải trên môi, cũng có thể gây ra mụn rộp sinh dục.
Virus có thể lây lan qua cả giao hợp âm đạo hoặc hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng. Virus này lây lan dễ dàng bằng cách tiếp xúc với vết loét herpes. Tuy nhiên, virus cũng có thể lây lan từ người bị nhiễm bệnh mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng nào.
2. Khi nào thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virus Herpes?
Xét nghiệm để phát hiện người bệnh có bị nhiễm virus herpes có thể được chỉ định trong các trường hợp như:
- Bác sĩ cần tìm hiểu xem vết loét trên miệng hoặc bộ phận sinh dục có phải là do virus herpes gây ra hay không.
- Chẩn đoán nhiễm virus herpes ở phụ nữ mang thai.
- Tìm hiểu xem một trẻ sơ sinh bị nhiễm virus herpes từ mẹ hay không.
3. Tại sao người bệnh cần kiểm tra virus herpes?
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) không khuyến nghị xét nghiệm virus herpes cho những người không có triệu chứng của mụn rộp sinh dục. Nhưng người bệnh có thể cần xét nghiệm kiểm tra virus herpes nếu:
- Người bệnh có các triệu chứng của mụn rộp, chẳng hạn như mụn nước hoặc vết loét trên bộ phận sinh dục hoặc bộ phận khác của cơ thể.
- Bạn tình của người bệnh có bị nhiễm virus herpes.
- Người bệnh đang mang thai và người bệnh hoặc bạn tình của người bệnh đã bị nhiễm herpes trước đó hoặc có các triệu chứng của mụn rộp sinh dục. Nếu bạn xét nghiệm dương tính với virus herpes, trẻ sơ sinh cũng có thể cần xét nghiệm.
HSV-2 có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STDs). Người bệnh có thể cần xét nghiệm khác nếu có các yếu tố nguy cơ với STDs. Người bệnh có thể có nguy cơ cao hơn nếu:
- Có nhiều bạn tình.
- Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
- Có bạn tình nhiễm HIV và / hoặc các bệnh STD khác.
Trong một số ít trường hợp, virus herpes có thể gây viêm não hoặc viêm màng não, nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh có thể cần xét nghiệm virus herpes nếu có triệu chứng rối loạn não hoặc tủy sống, như:
- Sốt
- Cổ cứng
- Hay nhầm lẫn
- Đau đầu dữ dội
- Nhạy cảm với ánh sáng
4. Tại sao CDC không khuyến cáo xét nghiệm virus herpes cho tất cả mọi người?
CDC không khuyến nghị xét nghiệm herpes cho những người không có triệu chứng. Điều này là do chẩn đoán mụn rộp sinh dục ở người không có triệu chứng không cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong hành vi tình dục của họ (ví dụ: đeo bao cao su hoặc không quan hệ tình dục) cũng như không ngăn chặn virus lây lan. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm dương tính giả (kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị nhiễm herpes nhưng trên thực tế người bệnh không bị nhiễm) là có thể xảy ra. Ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng, người bệnh vẫn nên nói chuyện cởi mở và trung thực về tiền sử quan hệ tình dục của mình với bác sĩ để tìm hiểu xem người bệnh có nên được xét nghiệm bất kỳ bệnh STD nào, bao gồm cả herpes.
5. Các xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục
Các xét nghiệm mụn rộp sinh dục bao gồm:
- Xét nghiệm PCR: Xét nghiệm PCR có thể cho biết người bệnh có mắc mụn rộp sinh dục ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng. Xét nghiệm PCR tìm kiếm các đoạn DNA của virus trong mẫu bệnh phẩm lấy từ các tế bào hoặc chất lỏng từ vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Đây là một xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán mụn rộp sinh dục và rất chính xác.
- Nuôi cấy tế bào: Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu tế bào từ vết loét và tìm virus herpes simplex (HSV) dưới kính hiển vi.
Nuôi cấy tế bào hoặc xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả nếu vết loét đã bắt đầu lành hoặc nếu người bệnh mới bị nhiễm. Một xét nghiệm âm tính giả cho thấy người bệnh không nhiễm virus Herpes tuy nhiên trên thực tế người bệnh có bị nhiễm. Ngoài ra còn có kết quả xét nghiệm dương tính giả, có nghĩa là kết quả dương tính, tuy nhiên trên thực tế người bệnh không bị nhiễm virus Herpes.
- Xét nghiệm khác
Xét nghiệm máu có thể phát hiện các kháng thể của virus Herpes, đó là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với khi bị nhiễm trùng. Với xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, một dung dịch chứa kháng thể HSV và thuốc nhuộm huỳnh quang được cho vào mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus Herpes. Nếu virus có trong mẫu bệnh phẩm, các kháng thể dính vào nó và phát sáng khi nhìn dưới kính hiển vi chuyên dụng. Xét nghiệm không thể cho biết thời điểm nào người bệnh bị nhiễm virus và có thể mất vài tuần để có thể hình thành kháng thể.
Xét nghiệm kháng thể có thể cho biết sự khác biệt giữa hai loại virus Herpes. Điều quan trọng cần phải biết là người bệnh bị nhiễm virus Herpes loại nào. Nếu bị nhiễm loại 2 (HSV-2), người bệnh có thể bùng phát bệnh thường xuyên hơn so với loại 1 (HSV-1) và cũng gây ra vết lở môi xuất hiện trên môi và quanh miệng.
Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp khách hàng khám sàng lọc các bệnh xã hội nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com