Xét nghiệm APTT là gì và khi nào cần thực hiện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Ngọc Hùng - Trưởng khoa và Bác sĩ Bùi Thị Hồng Khang - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xét nghiệm APTT hay xét nghiệm thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa là một trong những xét nghiệm huyết học được thực hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, thăm khám chức năng gan, bệnh lý đông cầm máu hoặc xét nghiệm bắt buộc trước khi thực hiện phẫu thuật.

1. Xét nghiệm APTT thromboplastin là gì?

APTT (activated partial thromboplastin time) còn được gọi là xét nghiệm thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa có tác dụng khảo sát thời gian hồi phục calci của huyết tương citrat sau khi ủ với lượng vừa kaolin (hoạt hóa yếu tố tiếp xúc) và cephalin (thay thế yếu tố 3 tiểu cầu) giúp đánh giá chính xác các yếu tố của con đường đông máu nội sinh.

Thromboplastin (yếu tố III) được mô tổn thương phóng thích sẽ phản ứng với prothrombin cùng với calci (IV) tạo ra thrombin, làm fibrinogen chuyển thành fibrin (I) sẽ tham gia vào quá trình đông máu.


Xét nghiệm APTT (activated partial thromboplastin time)
Xét nghiệm APTT (activated partial thromboplastin time)

2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm APTT?

Là một xét nghiệm đánh giá khả năng đông cầm máu nên xét nghiệm APTT một phần sẽ cần được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân cần làm phẫu thuật hoặc cần hỗ trợ cầm máu khi xét nghiệm APTT sẽ giúp cho biết chính xác khả năng cầm máu của bệnh nhân có gì bất thường không để đưa ra biện pháp khắc phục
  • Chẩn đoán rối loạn đông máu và mức độ rối loạn trong bệnh lý này
  • Thực hiện trước mổ để chuẩn bị thuốc hỗ trợ bệnh nhân nếu cần.

3. Kết quả của xét nghiệm và ý nghĩa

APTT của huyết tương bình thường thay đổi từ 25-35 giây tùy vào loại cephalin-kaolin và kỹ thuật mà phòng xét nghiệm sử dụng.

Kết quả của xét nghiệm biểu thị bằng tỷ lệ bệnh/chứng:

  • rAPTT = APTT bệnh/APTT chứng
  • rAPTT bình thường nằm trong khoảng 0,85-1,2.

Nếu APTT kéo dài nghĩa là mẫu bệnh kéo dài hơn mẫu chứng trên 8 giây hoặc rAPTT >1,2 thì bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu nội sinh (giảm đông) do:

  • Thiếu hụt yếu tố có thể bẩm sinh (hemophilia,...)
  • Do yếu tố đông máu đã bị tiêu thụ nằm trong hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch, tiêu sợi huyết
  • Do suy gan nặng không tổng hợp được yếu tố
  • Do trong máu có chất ức chế đông máu nội sinh
  • Bệnh nhân điều trị bằng heparin tiêu chuẩn.

Xét nghiệm đánh giá khả năng đông cầm máu
Xét nghiệm đánh giá khả năng đông cầm máu

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sai số của xét nghiệm

4.1 Do mẫu bệnh phẩm

  • Mẫu máu bị đông, sai tỷ lệ chống đông hoặc không đúng chất chống đông, chất chống đông bị hỏng, nhiễm heparin do quá trình lấy máu
  • Huyết tương đục hoặc vỡ hồng cầu
  • Mẫu máu để quá 4 giờ kể từ lúc lấy máu.

4.2 Do phương tiện và hóa chất, kỹ thuật

  • Do lượng CaCl-2M/40 và cephalin-kaolin không đảm bảo, quá thời gian bảo quản
  • Mẫu huyết tương chứng không lấy tập hợp huyết tương hoặc lấy từ ít hơn 5 người
  • Ống nghiệm sử dụng không sạch
  • Pipet hỏng, không đảm bảo về thể tích
  • Máy phân tích đông máu không chuẩn xác
  • Người thực hiện không làm đúng quy trình, đọc và tính sai kết quả.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe