Tình trạng xẹp nhĩ phần lớn không được phát hiện sớm do triệu chứng của bệnh rất nghèo nàn, chỉ khoảng 10-20% xẹp nhĩ có biểu hiện triệu chứng ở tai. Bệnh tiến triển âm thầm qua nhiều giai đoạn, gây hậu quả nghe kém và gây viêm tai giữa có cholesteatoma với tỷ lệ 30%.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Xẹp nhĩ là gì?
Xẹp nhĩ là một trong những bệnh cảnh của viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín và báo hiệu cho các bệnh lý viêm tai giữa không thủng màng nhĩ. Xẹp nhĩ 2 bên là tình trạng màng nhĩ không được căng bóng như bình thường mà bị co lõm vào trong hòm nhĩ, từ đó làm giảm khoảng trống của hòm nhĩ. Xẹp nhĩ là hậu quả của sự giảm áp lực bên trong hòm nhĩ, thường là do rối loạn chức năng vòi nhĩ, dẫn đến tiêu lớp sợi của màng nhĩ, khiến màng nhĩ trở nên trong và mỏng hơn. Xẹp nhĩ có thể xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ hoặc chỉ xảy ra ở một phần của màng chùng. Trường hợp xẹp nhĩ chỉ xảy ra ở một phần của màng nhĩ được gọi là xẹp nhĩ khu trú hay con gọi là túi co kéo.
2. Cơ chế hình thành xẹp nhĩ
Màng nhĩ của con người tạo với xương thành sau ống tai một góc rộng hơn các góc khác, điều này khiến cho phần sau của màng nhĩ trở nên yếu hơn hẳn dưới tác động của áp lực khí quyển bên trong ống tai. Đồng thời, sự giảm áp lực bên trong hòm tai cũng có thể gây ra hiệu ứng rối loạn lưu lượng khí giữa tầng trên và tầng dưới của hòm tai, thông qua eo thượng nhĩ trung nhĩ. Hậu quả của sự rối loạn này đó là tại màng chùng và tại góc phần tư sau trên sẽ chịu tác động nhiều hơn cả.
3. Phân loại xẹp nhĩ theo phân độ của Sade
3.1. Phân loại xẹp nhĩ toàn bộ
- Độ 1: Màng nhĩ xuất hiện co lõm nhẹ nhưng chưa chạm vào ngành xuống của xương đe, thường không có triệu chứng nên hầu hết không cần điều trị.
- Độ 2: Màng nhĩ co lõm chạm ngành xuống xương đe, khớp đe đạp, ở mức độ này lớp sợi màng nhĩ bị mất đi, áp lực âm trong hòm nhĩ là nguồn gốc gây tiêu huỷ mô sợi của màng nhĩ và tiêu hủy cả chuỗi xương con.
- Độ 3: Màng nhĩ lõm và chạm vào ụ nhô, có thể hút ra được bằng ống hút, lớp sợi không còn. Phương pháp đặt ống thông khí có thể sẽ giúp đưa phần màng nhĩ dính vào ụ nhô trở về bình thường.
- Độ 4: Màng nhĩ lõm dính vào ụ nhô, chui sâu vào trong các ngách của tai giữa như ngách mặt, xoang nhĩ, hạ nhĩ... hình thành viêm dính, bắt buộc phải được phẫu thuật.
3.2. Phân loại xẹp nhĩ khu trú
- Độ 1: Xẹp nhĩ khu trú nhẹ, chưa chạm vào các cấu trúc tai giữa như cổ xương búa hay ngành xuống xương đe.
- Độ 2: Xẹp nhĩ khu trú chạm vào cổ xương búa hay ngành xuống xương đe, đáy túi kiểm soát được, đáy túi tự làm sạch.
- Độ 3: Xẹp nhĩ khu trú ở sâu hơn, không thể tự làm sạch và bắt đầu ăn mòn tường thượng nhĩ hoặc phần sau trên khung nhĩ. Xẹp nhĩ có thể kèm theo tiêu hủy xương con.
- Độ 4: Xẹp nhĩ khu trú sâu, không kiểm soát được đáy túi, gây tiêu hủy tường thượng nhĩ, hoặc phần sau trên khung nhĩ kèm xương con, không tự làm sạch, ứ đọng các mảnh biểu bì.
4. Phân loại xẹp nhĩ xuất hiện ở màng chùng theo Tos và Poulsen
- Độ 1: Túi co kéo nhỏ ở thượng nhĩ, đáy túi chưa dính vào xương búa.
- Độ 2: Nếu co lõm ở màng chùng thì túi co kéo có đáy túi tiếp xúc với cổ xương búa. Nếu co lõm ở màng căng thì túi co kéo có đáy chạm vào ngành xuống xương đe. Thực hiện can thiệp bảo tồn thông qua việc rửa tổ chức sừng hóa bị bong tróc ra bằng canuyne Hartmann.
- Độ 3: Túi co kéo ăn sâu vào phía sau tường thượng nhĩ và bắt đầu xuất hiện tổn thương xương. Giai đoạn này, các tổ chức biểu mô bị bong ra trong lòng túi co lõm không thể rửa sạch bằng bơm rửa đơn thuần, cần thiết phải can thiệp phẫu thuật.
- Độ 4: Túi co kéo ăn sâu vào phía sau tường thượng nhĩ. Túi co kéo ăn mòn tường thượng nhĩ và gây tổn thương xương búa, có thể tổn thương cả xương đe, tình trạng này còn được gọi là Cholesteatoma thượng nhĩ. Đối với xẹp nhĩ độ 4 này, phẫu thuật là thủ thuật bắt buộc.
5. Triệu chứng của xẹp nhĩ
Các triệu chứng của xẹp nhĩ như sau:
6. Cận lâm sàng chẩn đoán xẹp nhĩ
- Khám tai
- Nội soi tai mũi họng là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán xẹp nhĩ: phát hiện sự thay đổi màu sắc, độ rung động, sự dính của màng nhĩ với các thành phần bên trong hòm tai.
- Đo thính lực, nhĩ lượng: đánh giá tổn thương về sức nghe và chức năng vòi nhĩ.
- CT - Scan xương thái dương khi cần thiết để xác định rõ tổn thương và là bản đồ cho phẫu thuật sau này.
7. Điều trị xẹp nhĩ
Mục tiêu điều trị xẹp nhĩ là tái tạo lại kích thước bình thường của hòm nhĩ. Đồng thời khôi phục lại hoạt động bình thường của chuỗi xương con. Theo đó, các phương pháp điều trị xẹp nhĩ như sau:
- Phương pháp bơm hơi vòi nhĩ cho hiệu quả trong trường hợp phát hiện bệnh sớm, tuy nhiên phương pháp này hiện nay rất ít áp dụng.
- Phương pháp đặt ống thông khí.
- Phẫu thuật tăng cường màng nhĩ: Túi co kéo được bỏ đi và đặt mảnh vá để bù vào phần thiếu hụt của màng nhĩ.
Cụ thể:
- Trường hợp xẹp nhĩ hoặc túi co kéo độ I hoặc độ II: Bệnh nhân được thăm khám và theo dõi định kỳ, kết hợp với điều trị nguyên nhân và đặt ống thông khí nếu cần.
- Trường hợp xẹp nhĩ toàn bộ độ III, độ IV: Phương pháp phẫu thuật nội soi chỉnh hình hòm nhĩ, lấy bệnh tích, tái tạo xương con, phục hồi chức năng nghe... là chỉ định ưu tiên.
- Trường hợp xẹp nhĩ khu trú độ III, IV: Phẫu thuật nội soi mở thượng nhĩ.
Xẹp nhĩ kéo dài nếu không được điều trị sẽ gây ra viêm tai dính nguy hiểm. Vì thế khi thấy tai có dấu hiệu bất thường bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng. Khi thực hiện quy trình thăm khám Tai - Mũi - Họng tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.