Vỡ tử cung là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm đối với cả mẹ và thai nhi. Tình trạng vỡ tử cung thường xảy ra trong thai kỳ và trong chuyển dạ. Cả hai trường hợp vỡ tử cung này đều nguy hiểm đặc biệt đối với vỡ tử cung trong chuyển dạ.
1. Vỡ tử cung trong chuyển dạ là gì?
Vỡ tử cung trong chuyển dạ được chia thành hai nhóm là vỡ tử cung tự nhiên xảy ra không do sự can thiệp thủ thuật và vỡ tử cung do can thiệp bởi các thủ thuật sản khoa như nội xoay thai, lấy đầu hậu trong đỡ đẻ ngôi ngược, đẻ thủ thuật forceps, giác hút, đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ...
2. Nguyên nhân gây ra vỡ tử cung trong chuyển dạ
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vỡ tử cung trong chuyển dạ. Chủ yếu có thể chia thành 3 loại nguyên nhân là nguyên nhân từ phía mẹ, nguyên nhân từ phía thai nhi, nguyên nhân do can thiệp.
2.1 Nguyên nhân từ phía mẹ
- Mẹ đẻ khó do khung chậu hẹp tuyệt đối, hẹp eo giữa và eo dưới, khung chậu méo... hoặc do có khối u tiền đạo như u cơ ở eo tử cung, u nang buồng trứng, một số u khác trong vùng tiểu khung...
- Mẹ có sẹo mổ cũ ở tử cung
- Mẹ đã sinh nhiều lần, có tiền sử đa thai nên cơ tử cung nhão, mỏng và dễ vỡ hơn
- Mẹ đã nhiều lần phá thai, nạo thai
2.2 Nguyên nhân từ phía thai nhi
- Thai nhi to toàn bộ có trọng lượng trên 4kg, gây bất tương xứng giữa thai và khung chậu của mẹ
- Thai to từng phần như thai bị não úng thủy
- Do ngôi thai và kiểu thế thai bất thường: ngôi chỏm đầu cúi không tốt, ngôi mặt cằm cùng, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi ngang
- Đa thai dẫn đến các thai vướng nhau, dị dạng
2.3 Nguyên nhân do can thiệp gây ra
- Mẹ bầu được thực hiện các thủ thuật không đúng chỉ định, chưa đủ điều kiện hoặc không đúng kỹ thuật.
- Sử dụng thuốc tăng co không chính xác về chỉ định, liều lượng, không được theo dõi cẩn thận.
3. Giải phẫu bệnh lý
3.1 Vỡ tử cung hoàn toàn
Hình thái này chiếm 80% các trường hợp vỡ tử cung. Toàn bộ bề dày thành tử cung đều bị xé rách ( niêm mạc, cơ đến phúc mạc). Vị trí rách thường ở bên trái và mặt trước đoạn dưới tử cung, vết rách có thể kéo dài từ cổ tử cung đến thân tử cung. Trong vỡ tử cung hoàn toàn thai nhi, nhau nước ối bị đẩy vào ổ bụng của mẹ nên mẹ dễ bị viêm phúc mạc.
3.2 Vỡ tử cung không hoàn toàn
Hình thái này còn được gọi là vỡ tử cung dưới phúc mạc. Chỉ có lớp niêm mạc và lớp cơ bị xé rách, phúc mạc đoạn dưới bị bong ra nhưng vẫn chưa bị rách. Máu không chảy vào ổ bụng người mẹ mà chảy vào dây chằng rộng tạo thành khối máu tụ trong dây chằng, tiểu khung. Trường hợp vỡ tử cung không hoàn toàn thai và rau vẫn ở trong tử cung nên thai nhi có thể còn sống.
3.3 Vỡ tử cung ở người có sẹo mổ cũ
Thường do sẹo ở tử cung bị vỡ hoặc bị nứt một phần, trường hợp này bờ vết rách không nham nhở và có khi ít chảy máu.
3.4 Vỡ phức tạp
Tổn thương của tử cung phức tạp bao gồm vỡ tử cung hoàn toàn với tổn thương rộng, có thể kéo dài xuống âm đạo, xé rách túi cùng, bàng quang hoặc đứt động mạch tử cung. Do tổn thương phức tạp, sản phụ thường bị choáng nặng nên việc xử trí rất khó khăn và hậu phẫu nặng nề.
4. Triệu chứng vỡ tử cung trong chuyển dạ
Triệu chứng vỡ tử cung trong chuyển dạ sẽ trải qua triệu chứng báo hiệu dọa vỡ tử cung trong thời kỳ chuyển dạ và triệu chứng dẫn đến vỡ tử cung thực sự.
Trong đó, tình trạng dọa vỡ tử cung trong chuyển dạ chỉ xảy ra trên tử cung không có sẹo mổ cũ với triệu chứng cơ năng là thai phụ cảm thấy đau bụng nhiều, các cơn co tử cung dồn dập, mạnh, nhanh. Với dấu hiệu cận lâm sàng, thai phụ sẽ có các dấu hiệu sau:
- Vòng Bandl lên cao, cao ngang với rốn và trên rốn có nghĩa là sắp vỡ tử cung, tử cung có hình quả bầu
- Dấu hiệu Frommel là hai dây chằng tròn bị kéo dài, căng lên như dây đàn
- Tim thai có thể bình thường, không đều hoặc suy tim
- Khám âm đạo thấy đầu cao chưa lọt, các dấu hiệu bất xứng đầu chậu, cơ thể do các nguyên nhân như khung chậu hẹp, ngôi bất thường
Khi có triệu chứng dọa vỡ tử cung trong chuyển dạ, mẹ bầu cần phải được xử trí ngay bằng cách lập đường truyền tĩnh mạch với NaCl 9% hoặc Ringer Lactat, thông tiểu và tiến hành mổ lấy thai nhi cấp cứu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Trong tình trạng có triệu chứng của vỡ tử cung trong chuyển dạ như sản phụ có dấu hiệu dọa vỡ, đột ngột đau nhói, sau đó bớt nhưng tổng trạng xấu dần. Sản phụ có tình trạng choáng, da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh, nhẹ, khó bắt,chân tay lạnh dần, tụt huyết áp. Có dấu hiệu xuất huyết âm đạo, nước tiểu có thể có màu đỏ.
Với dấu hiệu cận lâm sàng, thai phụ bị vỡ tử cung trong chuyển dạ sẽ có dấu hiệu:
- Triệu chứng tổng quát là tình trạng choáng
- Bụng biến dạng, lình phình
- Khi sờ nắn có phản ứng thành bụng, đau nhiều nơi vết vỡ, sờ thấy thai nhi, không sờ thấy đáy tử cung nếu thai bị đẩy ra ngoài khỏi buồng tử cung
- Gõ đục vùng thấp hoặc gõ đục toàn ổ bụng
- Tim thai suy, thậm chí không nghe thấy tim thai
- Khám âm đạo có thể không thấy ngôi thai, máu đỏ tươi theo gang tay khám
- Trường hợp vỡ tử cung sau sinh thường, sinh giúp sẽ thấy máu đỏ tươi từ lòng tử cung, gây choáng, soát tử cung phát hiện các vết vỡ ở đoạn dưới tử cung, vết rách cổ tử cung lên tới đoạn dưới tử cung. Vết sẹo mổ không còn nguyên vẹn, bị mỏng hoặc đã rách vỡ rộng ra.
5. Xử trí vỡ tử cung trong chuyển dạ
Tất cả các loại vỡ tử cung đều phải mổ cấp cứu, vừa hồi sức vừa mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Trong quá trình này, hồi sức chống choáng bằng cách bồi phụ lượng máu đã mất, truyền dịch điện giải. Đồng thời phẫu thuật dựa trên tình hình cụ thể của thai phụ và cuối cùng là khâu phục hồi tử cung với mẹ bầu còn trẻ còn nguyện vọng sinh đẻ tiếp theo, và có vết rách không phức tạp.
Đối với mẹ bầu nhiều tuổi, đã đẻ nhiều lần đủ con, có tình trạng nhiễm khuẩn và vỡ tử cung phức tạp, nên điều trị bằng cách cắt tử cung để đảm bảo an toàn và biến chứng về sau.
6. Dự phòng vỡ tử cung trong chuyển dạ bằng cách nào?
Mẹ bầu trong quá trình mang thai cần biết cách dự phòng để hạ thấp tỷ lệ vỡ tử cung trong chuyển dạ bằng cách:
- Cần khám thai thường xuyên đúng chỉ định trong thai kỳ để phát hiện sớm các nguyên nhân gây vỡ tử cung nói trên
- Các thai phụ có sẹo tử cung phải được vào viện trước khi chuyển dạ để theo dõi và chỉ định can thiệp đúng lúc, hạn chế nguy cơ vỡ tử cung xảy ra
- Trong chuyển dạ khám sớm để phát hiện nguyên nhân đẻ khó
- Sử dụng biểu đồ chuyển dạ để theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ đình trệ, dọa vỡ tử cung để xử lý kịp thời
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định, liều lượng và phải được theo dõi cẩn thận, sát sao
- Khi thực hiện các thủ thuật như xoay thai, cắt thai, giác hút... cần đúng chỉ định và đủ điều kiện, sau thủ thuật phải kiểm tra sự toàn vẹn của ống đẻ
- Cấm đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ thai
Vỡ tử cung trong chuyển dạ là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi có dấu hiệu mang thai ngoài tử cung mẹ bầu hãy xác định khối thai có thể vỡ bất kỳ lúc nào và cần được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ.
Hiện nay, với chương trình “ Thai sản trọn gói “ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec bà mẹ sẽ được theo dõi, siêu âm, xét nghiệm thường quy trong suốt quá trình mang thai đến khi sinh con và sau sinh, giúp việc sinh đẻ trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn, nắm bắt và kịp thời xử lý sức khỏe trong thời gian thời kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.