Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có thế mạnh chuyên môn về hỗ trợ sinh sản.
Vô sinh là tình trạng cặp vợ chồng không mang thai sau 12 tháng chung sống, giao hợp bình thường và không sử dụng các biện pháp tránh thai nào. Vô sinh được phân loại thành vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vậy vô sinh thứ phát là gì, vô sinh thứ phát khác vô sinh nguyên phát như thế nào, bài viết dưới đây sẽ giúp hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Vô sinh thứ phát là gì?
Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không có thai sau 12 tháng chung sống, giao hợp bình thường mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên đối với trường hợp người vợ trên 35 tuổi thì thời gian không có thai này chỉ khoảng 6 tháng là đã được đánh giá vô sinh.
Vô sinh nguyên phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng mà người vợ chưa có thai lần nào.
Vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng đã từng sinh con (hoặc mang thai, kể cả những lần thai bị sẩy).
Thông thường, tâm lý chung của các cặp vợ chồng khá chủ quan trong vấn đề này vì nghĩ đã sinh con rồi nên mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực tế, rất nhiều trường hợp cặp đôi cảm thấy khá bất ngờ và lúng túng khi phát hiện mình bị vô sinh thứ phát.
Có khoảng 40% trường hợp vô sinh có nguyên nhân do nam giới, 40% có nguyên nhân do nữ giới, 10% là do cả hai bên và 10% còn lại vô sinh không rõ nguyên nhân. Muốn điều trị vô sinh, cả vợ và chồng cần phải đi khám để phát hiện nguyên nhân, từ đó sẽ có phác đồ điều trị hợp lý.
2. Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát là gì?
Vô sinh thứ phát có nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân vô sinh thứ phát thường gặp bao gồm:
Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nam giới:
- Sự bất thường trong quá trình sản xuất, hoạt động hoặc vận chuyển tinh trùng ở nam giới như suy sinh dục, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh trùng ít, yếu, dị dạng...
Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nữ giới:
- Nguyên nhân liên quan đến ống dẫn trứng: Tổn thương, viêm, tắc vòi trừng dẫn đến noãn và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ tinh, viêm nhiễm, dính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung.
- Nguyên nhân liên quan đến buồng trứng: Các rối loạn trong hoạt động của buồng trứng, rối loạn phóng noãn, hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng...
- Nguyên nhân liên quan đến buồng tử cung: Dính buồng tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, dị dạng tử cung...
- Nguyên nhân liên quan đến tuổi tác: Khả năng sinh sản nữ giới sẽ giảm dần theo tuổi tác, phụ nữ sau tuổi 35 sẽ khó thụ thai hơn rất nhiều
- Các biến chứng liên quan tới lần mang thai trước, hoặc biến chứng liên quan tới phẫu thuật trước đây.
3. Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ?
Thường hai vợ chồng sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thụ thai thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa (nếu người vợ đã trên 35 tuổi thì nên đi khám sau 6 tháng). Các trường hợp có bệnh lý nền ảnh hưởng tới khả năng sinh sản (như lạc nội mạc tử cung) nên đi khám sớm hơn.
4. Quá trình thăm khám sẽ diễn ra như thế nào?
Quá trình thăm khám đối với vô sinh thứ phát cũng tương tự như với vô sinh nguyên phát, bao gồm thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kĩ thuật cận lâm sàng đối với cả vợ và chồng.
4.1 Đánh giá khả năng sinh sản ở người chồng
Việc thăm khám, đánh giá vô sinh ở nam giới bao gồm khai thác tiền sử, khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ.
Khai thác tiền sử sẽ bao gồm tiền sử sinh đẻ trước đây, tiền sử bệnh lý và phẫu thuật, rối loạn tình dục, và tiền sử dùng thuốc chữa bệnh, hút thuốc lá, sử dụng rượu và chất kích thích.
Thăm khám lâm sàng sẽ chủ yếu thăm khám để phát hiện các bất thường (nếu có) của tinh hoàn và dương vật.
Đối với xét nghiệm tinh dịch đồ, nếu kết quả là bất thường thì nên được làm lại sau ít nhất 1 tháng, tại cơ sở sử dụng tiêu chuẩn hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (World Health Organization - WHO).
4.2 Đánh giá khả năng sinh sản ở người vợ
Khai thác tiền sử sản phụ khoa: Tiền sử những lần mang thai trước, các biến chứng của lần mang thai trước, tiền sử kinh nguyệt, các rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn.
Thăm khám lâm sàng để phát hiện các bất thường của đường sinh dục như viêm nhiễm, polyp, u xơ tử cung, u buồng trứng...
Xét nghiệm công thức máu loại trừ các bệnh lý thiếu máu tan máu như thalassemia, chức năng tuyến giáp, prolactin máu.
Khảo sát buồng tử cung và ống dẫn trứng: siêu âm phụ khoa thông thường, siêu âm khảo sát, dựng hình buồng tử cung để phát hiện polyp buồng tử cung, dính buồng tử cung, dị dạng tử cung... Chụp tử cung – vòi trứng có cản quang đánh giá ống dẫn trứng.
Đánh giá dự trữ buồng trứng: Một trong những kiểm tra cần làm đối với các cặp đôi có vấn đề về sinh sản là đánh giá dự trữ buồng trứng. Những phụ nữ nhiều tuổi hoặc đã có phẫu thuật buồng trứng trước đây đối mặt với nguy cơ suy giảm chức năng hoặc dự trữ buồng trứng. Các đánh giá thường làm là đo nồng độ AMH và siêu âm đếm nang thứ cấp vào ngày 2 chu kỳ kinh.
Trong một số trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần, người vợ có thể đươc chỉ định các thăm khám đánh giá niêm mạc tử cung như: Xét nghiệm phân tích yếu tố miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung (matrice lab), đánh giá của sổ làm tổ (ERA test), Nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng khi có chỉ định.
5. Các phương pháp điều trị đối với vô sinh thứ phát
Các cặp vợ chồng bị vô sinh thứ phát nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, bởi quá trình điều trị cũng cần một thời gian nhất định, do đó can thiệp càng sớm càng có lợi, nhất là với những người vợ đã sau 35 tuổi.
Tùy vào nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát mà các bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị khác nhau. Phần lớn vô sinh thứ phát có thể khắc phục được nhưng tựu trung có 3 phương pháp tùy theo mức độ nặng nhẹ:
Điều trị nội khoa bằng thuốc: Các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị tùy theo tình trạng và mức độ bệnh, đồng thời đưa ra các chế độ về ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý giúp việc thụ thai diễn ra dễ dàng hơn;
Phẫu thuật: với trường hợp biến dạng, thay đổi cấu trúc cơ quan sinh sản giúp điều chỉnh và đưa mọi thứ về trạng thái bình thường;
Các biện pháp hỗ trợ sinh sản: hiện nay có rất nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản để giúp đỡ các cặp vợ chồng vô sinh thứ phát, như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), kích thích buồng trứng (kèm không kèm theo bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc thụ tinh ống nghiệm (IVF). Mỗi biện pháp có ưu nhược điểm khác nhau và tỉ lệ thành công khác nhau, lựa chọn phương pháp nào cần đánh giá từng trường hợp cụ thể cũng như phụ thuộc vào quyết định của từng cặp vợ chồng.
Được thành lập từ tháng 11/2014, cho đến nay, trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...
Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế, được đào tạo tại những trung tâm hàng đầu trên thế giới như tại Mỹ, Singapore, Nhật, Úc và các trung tâm Hỗ trợ sinh sản nổi tiếng trên thế giới.
Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org