Vỗ rung trong điều trị một số bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ ho có đờm là biểu hiện của một số bệnh hô hấp, tình trạng này có thể khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon. Vì vậy, cách vỗ rung cho bệnh nhân nhi được xem là liệu pháp giúp long đờm, kích thích trẻ ho và dễ dàng giải phóng đờm dịch ra ngoài.

1. Vai trò của vỗ rung trong điều trị bệnh hô hấp ở trẻ ho có đờm

Một số bệnh lý hô hấp, đặc biệt là bệnh phổi thường gây tiết dịch đờm bên trong đường hô hấp. Đờm nếu không được khạc ra bên ngoài, sẽ đặc lại và dính vào niêm mạc phế quản, gây ho.

Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi mắc các bệnh lý hô hấp, trẻ ho có đờm, nhiều đờm sẽ làm trẻ mệt mỏi, khó chịu, ngủ không ngon giấc. Một số trẻ ho nhưng không thể khạc đờm ra bên ngoài sẽ làm cho địch đờm ứ đọng trong phổi nhiều hơn và không thể cải thiện tình trạng bệnh. Vì vậy, liệu pháp vỗ rung lồng ngực đã được áp dụng đối với trẻ sơ sinh để làm long đờm, kích thích trẻ ho khạc tống đờm ra bên ngoài.

Vỗ rung lồng ngực được áp dụng đối với trẻ ho có đờm do mắc các bệnh lý hô hấp như: áp xe phổi (giai đoạn mủ thoát ra bên ngoài), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, viêm phế quản mãn tính, hoặc trẻ bị ốm phải nằm một chỗ trong thời gian dài, ...


Vỗ rung lồng ngực thực hiện khi trẻ ho có đờm do mắc các bệnh lý hô hấp
Vỗ rung lồng ngực thực hiện khi trẻ ho có đờm do mắc các bệnh lý hô hấp

Liệu pháp vỗ rung sẽ làm long đờm, thông thoáng đường thở, tăng cường lưu thông khí và góp phần cải thiện phục hồi chức năng phổi nói riêng, hô hấp nói chung.

Vỗ rung lồng ngực có ưu điểm là: chi phí điều trị thấp do không dùng thuốc, giảm thời gian nằm viện, linh hoạt vì có thể được thực hiện ở bệnh viện hoặc tại nhà bởi bác sĩ, điều dưỡng hoặc người nhà của trẻ.

2. Cách vỗ rung cho bệnh nhân nhi

Cách vỗ rung long đờm cho bệnh nhân nhi sơ sinh được thực hiện như sau:

  • Vỗ: Khi vỗ cần dùng tay vỗ nhẹ vào ngực để làm long đờm bị ứ đọng trong phế quản, sau đó đờm sẽ được dẫn lưu vào phế quản lớn hơn rồi phản xạ ho sẽ tống đờm ra ngoài. Thực hiện động tác vỗ bằng cách khép kín các ngón tay và khum lại, sau đó vỗ vào ngực và lưng trẻ. Vỗ nhẹ với một lực tương đương lắc cổ tay, vỗ đều và liên tục. Thực hiện vỗ trong khoảng 1 - 3 phút đối với từng vùng.
  • Rung: Sau khi vỗ, cần thực hiện tiếp động tác rung lồng ngực để giúp trẻ ho có đờm tống đờm ra bên ngoài. Động tác rung như sau, đặt hai bàn tay chồng lên nhau vào trước ngực, sau lưng hoặc hai bên lồng ngực của trẻ. Sau đó, rung nhẹ và vừa phải, tránh làm đau trẻ.

Thực hiện đúng tư thế vỗ rung long đờm cho trẻ
Thực hiện đúng tư thế vỗ rung long đờm cho trẻ

Vỗ rung thường được kết hợp với dẫn lưu tư thế để tăng hiệu quả long đờm, kích thích trẻ ho và đẩy đờm ra bên ngoài. Sau đó, trẻ được vệ sinh mũi họng để giải phóng tình trạng tắc nghẽn.

  • Dẫn lưu tư thế: Với các tư thế nằm nghiêng, nằm ngửa hoặc ngồi, mẹ hỗ trợ và giúp trẻ dễ thở hơn bằng cách đặt hai tay xuống lồng ngực của trẻ khi trẻ thở ra. Dẫn lưu tư thế giúp làm giảm sức cản phế quản và trẻ ho có đờm sẽ dễ thở hơn.
  • Giảm tắc nghẽn ở mũi họng: Giảm tắc nghẽn ở mũi họng là kích thích trẻ hắt hơi, ho và sau đó vệ sinh làm sạch khoang mũi, vòm họng của trẻ. Thực hiện bằng cách đặt trẻ nằm ngửa hoặc nghiêng mặt về một bên, sau đó, dùng nước muối sinh lý nhỏ vào lỗ mũi, để nước muối chảy vào trong. Thực hiện tương tự với mũi còn lại, sau đó đặt trẻ nằm sấp hoặc nửa nằm nửa ngồi để dịch mũi chảy ra.

3. Lưu ý khi thực hiện vỗ rung trong điều trị một số bệnh hô hấp ở trẻ ho có đờm

Khi thực hiện vỗ rung trong điều trị một số bệnh hô hấp ở trẻ ho có đờm cần lưu ý:

  • Nên thực hiện vỗ rung trong khoảng 15 - 30 phút, tùy vào thể trạng của trẻ.
  • Trước khi vỗ, rung cần vệ sinh, làm sạch dịch đờm trong mũi, họng của trẻ.
  • Nên thực hiện vỗ khi dạ dày của trẻ rỗng, tức là trước hoặc sau khi ăn từ 1 - 2 giờ để tránh làm trẻ nôn.

Không vỗ rung trước hoặc sau khi trẻ ăn từ 1-2 giờ
Không vỗ rung trước hoặc sau khi trẻ ăn từ 1-2 giờ
  • Khi vỗ, người thực hiện cần tháo bỏ các trang sức trên tay, cởi bớt áo quần của trẻ để không làm giảm lực tác động.
  • Không vỗ vào xương cột sống, xương ức hay dạ dày trẻ.
  • Ngừng vỗ rung khi trẻ có các biểu hiện hô hấp bất thường.
  • Đảm bảo vệ sinh khi thực hiện vỗ rung.

Trẻ ho có đờm, nhiều đờm cần được vỗ rung và kết hợp dẫn lưu tư thế để giúp long đờm, kích thích trẻ ho, từ đó đờm dãi ứ đọng trong phế quản được đẩy ra ngoài một cách dễ dàng, cải thiện chức năng hô hấp của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe