Các bệnh về đường hô hấp thường gặp ở trẻ khiến trẻ xuất tiết và ứ đọng đờm nhớt, làm tắc nghẽn đường thở. Trên thực tế, trẻ em không thể tự khạc đờm như người trưởng thành. Do đó, phương pháp vỗ rung cho trẻ bệnh hô hấp thường được bác sĩ chỉ định điều dưỡng thực hiện.
1. Vỗ rung là gì?
Vỗ rung là phương pháp vật lý bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai tác động một lực cơ học vào lồng ngực để làm rung phần dịch đờm đang ứ đọng trong phổi, hoặc trong đường thở. Giúp cải thiện hiệu quả của hô hấp, giúp quá trình giãn nở của phổi tốt hơn, góp phần tăng cường sức cơ hô hấp, đào thải các chất dịch tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.
Phương pháp này thường được chỉ định áp dụng cho các bệnh nhân bao gồm:
- Trẻ bị viêm phổi.
- Trẻ em bị viêm phế quản.
- Viêm tiểu phế quản.
- Hen phế quản.
- Giãn phế quản.
Đặc biệt, không dùng phương pháp vỗ rung cho các đối tượng sau:
- Trẻ bị chấn thương lồng ngực.
- Trẻ mắc bệnh tim mạch.
- Tràn dịch, tràn khí màng phổi.
- Ung thư phổi.
- Dị tật đường thở.
- Ngay sau khi trẻ ăn no.
2. Vai trò của vỗ rung cho trẻ bệnh hô hấp
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó chủ yếu là trẻ bị viêm phổi. Trung bình mỗi trẻ em sẽ mắc các bệnh lý về hô hấp từ 4 – 6 lần/năm.
Các bệnh lý về đường hô hấp thường gặp như: Viêm nghẹt mũi, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,...khiến trẻ bị ứ đọng đờm nhớt, làm tắc nghẽn đường thở, trẻ khó thở, thở khò khè.
Khi mắc các bệnh về viêm nhiễm đường hô hấp, dịch tiết ra có thể gây bít tắc đường thở khiến trẻ sẽ bị khò khè, khó thở. Vỗ rung cho trẻ bệnh hô hấp là phương pháp vật lý trị liệu hô hấp cho trẻ có tính chất cơ học làm long dịch tiết, long đờm. Sau đó thoát ra ngoài nhờ phản xạ khạc và ho, hoặc sử dụng máy hút nếu trẻ không tự ho được.
Kỹ thuật vỗ rung lồng ngực cho trẻ được tiến hành xen kẽ trong thời gian dẫn lưu tư thế, kết hợp với việc tập thở và ho giúp đường thở được thông thoáng, giải phóng đờm nhớt làm cho trẻ giảm khò khè, giảm nôn ói, thở dễ dàng hơn.
3. Cách làm vỗ rung cho trẻ bệnh hô hấp
- Nguyên tắc của vỗ: Dùng tay vỗ nhẹ vào ngực người bệnh nhằm tạo nên các sóng xung lực tác động qua thành ngực truyền vào phổi, giúp cho các cục đờm đang bị ứ đọng dính vào phế quản bị bong ra, sau đó đờm được dẫn lưu vào phế quản lớn và ho tống ra ngoài.
- Nguyên tắc của rung: kỹ thuật rung lồng ngực bổ sung cho động tác vỗ, góp phần tạo lực thúc đẩy đờm dễ thoát ra ngoài.
- Tư thế vỗ rung long đờm: Cho trẻ nằm nghiêng một bên, hoặc ngồi cúi đầu về phía trước, hoặc giữ ở tư thế mẹ bế vác trẻ.
- Xác định vị trí vỗ: Bắt đầu vỗ từ vùng phổi của trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ vị trí dưới lên miệng, họng. Vùng phổi của trẻ có thể được ước lượng là từ ngang lưng trở lên.
- Ngừng ngay vỗ, rung nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu hô hấp xấu đi.
- Thực hiện điều trị vật lý trị liệu theo phương pháp vỗ rung long đờm cách xa bữa ăn khoảng 1h30.
- Tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh.
Kỹ thuật vỗ trên thành ngực
- Nguyên tắc: Dùng tay vỗ nhẹ vào ngực của trẻ nhằm tạo nên các sóng xung lực tác động qua thành ngực truyền vào phổi, làm cho các cục đờm ứ đọng dính vào phế quản bị bong ra, sau đó đờm được đưa ra ngoài bởi ho và khạc.
- Thao tác: Bàn tay và ngón tay khép chụm lại để khi vỗ tạo được một đệm không khí giữa tay và thành ngực. Vai, khuỷu tay và cổ tay người thực hiện vỗ phải được giữ ở tư thế thoải mái, mềm mại. Đối với trẻ sơ sinh người thực hiện tác động lực khi vỗ chủ yếu ở 2/3 bàn tay nghiêng về phía các ngón tay. Hai tay vỗ nhịp nhàng, đều đặn, di chuyển trên thành ngực từ cao xuống thấp tạo nên sự thư giãn, dễ chịu cho trẻ. Không nên vỗ quá mạnh, quá nhanh làm đau và khó chịu cho trẻ. Phải vỗ liên tục trong khoảng 3-5 phút, không tùy tiện tự ý dừng lại. Nếu người làm mỏi tay không giữ được nhịp điệu hoặc trẻ muốn ho thì có thể kết thúc động tác vỗ, chuyển sang động tác rung.
Kỹ thuật rung lồng ngực
- Nguyên tắc: Động tác lắc và rung lồng ngực nhằm bổ sung cho kỹ thuật vỗ, tạo lực thúc đẩy giúp dễ đưa đờm ra ngoài.
- Thao tác: Động tác rung thường được tiến hành sau quá trình vỗ lồng ngực. Người thực hiện để hai bàn tay áp xuống ngực người bệnh hoặc đặt tay nọ chồng lên tay kia ở vị trí sau lưng hoặc trước ngực hoặc hai bên phải trái lồng ngực. Rung với lực vừa phải, nhẹ nhàng, tránh làm đau hoặc gây khó chịu cho trẻ. Nếu người thực hiện đặt hai tay đè lên nhau thì sử dụng bàn tay phía trên rung là được.
4. Lưu ý khi thực hiện vỗ rung cho trẻ bệnh hô hấp
- Tổng thời gian thực hiện vỗ và rung không được quá 30-40 phút.
- Thực hiện vỗ lồng ngực cho trẻ khi dạ dày rỗng, trước bữa ăn hoặc sớm nhất là khoảng 1 giờ sau ăn để tránh gây nôn. Có thể tiến hành vỗ lồng ngực cho trẻ trong nhiều lần trong ngày.
- Trước khi thực hiện vỗ lồng ngực hãy cởi bỏ bớt quần áo bó chặt khỏi người trẻ, đặt trẻ ở tư thế thích hợp. Nếu trẻ cởi trần cần phủ một tấm vải mỏng lên người trẻ, tránh vỗ trực tiếp vào da của trẻ.
- Người thực hiện phải tháo bỏ nhẫn, đồng hồ và vòng đeo tay.
- Chuẩn bị cho người bệnh một số điều kiện cần thiết như giường nằm thoải mái, thoáng, có một bộ để đựng đờm. Trước và sau khi vỗ rung phải hút đờm dãi khỏi mũi và hỏng của trẻ.
Bài viết trên là những thông tin về phương pháp vỗ rung cho trẻ có bệnh hô hấp. Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn đọc, đặc biệt là những bà mẹ đang có con nhỏ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.