Vỏ cây liễu, thường hay sử dụng là vỏ cây liễu trắng, thành phần gồm salicin có tác dụng giảm đau tương tự aspirin. Vỏ cây liễu trắng được dùng để giảm đau trong các bệnh xương khớp, hạ sốt, trị mụn...
1. Vỏ cây liễu là gì?
Trong Y Học Cổ Truyền Trung Quốc, vỏ cây liễu được gọi là Liu shu pi, còn trong Y Học Cổ Truyền Ấn Độ thì được gọi là vetasa.
Vỏ cây liễu được biết đến như sau:
- Tên thông thường: Vỏ liễu, Weidenrinde.
- Tên khoa học: Salix alba,Salix purpurea, Salix fragilis.
- Vỏ liễu là vỏ cây từ nhiều loại cây liễu, bao gồm liễu trắng hoặc liễu châu Âu, liễu đen hoặc liễu âm, liễu tím và những loại khác. Thường được dùng là vỏ cây liễu trắng( bạch liễu).
- Thành phần: Vỏ liễu có chứa Salicin, một hoạt chất tương tự aspirin. Salicin được chuyển hóa trong cơ thể tạo ra acid salicylic, tiền chất của aspirin. Ngoài ra thành phần của vỏ liễu còn có tannin.
- Hiện nay vỏ liễu trắng được bán với nhiều dạng như vỏ khô, dạng bột, dạng viên nang, dạng dịch lỏng...
2. Vỏ cây liễu có tác dụng gì?
Vỏ cây liễu được sử dụng trong y học bản địa và dân gian để chữa các chứng đau, viêm và sốt. Thường được bán như một chất bổ sung chế độ ăn, trà thảo dược, hoặc thuốc mỡ tại chỗ.
- Tác dụng giảm đau, chống viêm: Hoạt chất salicin có trong vỏ cây liễu được chuyển hóa trong cơ thể thành acid salicylic, ức chế hoạt động của cyclo - oxyase 1 ( COX - 1) và cyclo - oxyase 2 ( COX - 2). Đây là cơ chế tác động tương tự NSAIDs (như aspirin) nhắm vào để giảm đau và chống viêm. Vì vậy vỏ cây liễu được dùng để giảm đau: đau đầu, đau cơ, đau bụng kinh, đau lưng, đau gối, viêm khớp dạng thấp (RA), viêm xương khớp, gout và viêm cột sống dính khớp.
- Vỏ liễu có tác dụng hạ sốt do cảm lạnh thông thường, cảm cúm.
- Tác dụng giảm cân: một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp vỏ cây liễu và cây ma hoàng có hiệu quả trong việc tăng cường hiệu suất thể thao và đốt cháy chất béo, từ đó giúp giảm cân nặng.
- Ngoài ra, người ta còn dùng để trị mụn vì vỏ cây liễu có tính chống viêm cao nên nó còn được dùng làm thành phần của nhiều chế phẩm điều trị mụn với dạng bột đắp mặt nạ hoặc kem thoa (có tác dụng thúc đẩy nhân mụn ra ngoài).
3. Liều lượng sử dụng vỏ liễu như thế nào?
Liều dùng của vỏ liễu đối với mỗi người khác nhau sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, lứa tuổi, thể trạng...
Ví dụ: chiết xuất vỏ liễu cung cấp 120-240 mg salicin sẽ giúp điều trị đau lưng.
4. Những lưu ý khi sử dụng vỏ liễu là gì?
Vỏ cây liễu được coi là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn. Việc sử dụng dược liệu này lâu dài chưa được nghiên cứu nhiều về tính an toàn.
Tác dụng phụ:
- Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa: khó chịu ở dạ dày, nôn mửa, chóng mặt, xuất huyết tiêu hóa.
- Nhiễm độc gan, suy chức năng thận.
- Có thể xảy ra tình trạng ngứa, phát ban và phản ứng dị ứng, đặc biệt ở những người dị ứng với aspirin. Trường hợp dị ứng nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Các triệu chứng dị ứng:
Hầu hết phản ứng dị ứng từ nhẹ đến trung bình với các biểu hiện:- Nổi mày đay tại chỗ đến toàn thân kèm theo ngứa.
- Phù nề mi mắt, kết mạc, chảy nước mũi, hắt hơi.
- Đau quặn bụng và kèm theo nôn.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn:
- Phù nề vùng đầu mặt cổ, họng miệng, có tiếng thở khò khè, ho dai dẳng.
- Nói khó hoặc khàn tiếng.
- Cảm giác choáng váng, mất cân bằng.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm 2 tổn thương, gây tử vong nhanh chóng:
- Phù nề đường dẫn khí gây ngạt thở.
- Giãn mạch, tụt huyết áp gây sốc ( gọi là sốc phản vệ).
Các trường hợp không nên sử dụng:
- Đối với phụ nữ có thai, hoặc đang cho con bú: Vỏ cây liễu có chứa các chất có thể vào sữa mẹ và có tác hại đối với trẻ bú mẹ vì vậy không sử dụng thảo dược này khi đang cho con bú. Và nó cũng không an toàn khi sử dụng cho phụ nữ có thai
- Đối với trẻ em: có thể không an toàn vì có thể bị bệnh nhiễm trùng do virus như cảm cúm và cảm lạnh. Có một tình trạng hiếm gặp nhưng có nguy cơ gây tử vong đó là hội chứng Reye, thường liên quan đến aspirin.
- Người có rối loạn chảy máu: có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Người có bệnh thận: có thể làm giảm lưu lượng máu qua thận, dẫn đến suy thận.
- Những người nhạy cảm với aspirin: người bị hen suyễn, loét dạ dày, đái tháo đường, bệnh gout, chảy máu, giảm bạch cầu hoặc thận hay bệnh gan có thể nhạy cảm với aspirin và vỏ cây liễu. Sử dụng vỏ cây liễu có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
- Phẫu thuật: dược liệu này có thể làm chậm quá trình đông máu. Nhiều người cho rằng có thể gây chảy máu trong và sau khi phẫu thuật do đó không sử dụng vỏ liễu ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Có tương tác với các thuốc: Thuốc làm chậm đông máu ( thuốc chống đông máu hay thuốc kháng tiểu cầu) như Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen, Dalteparin (Fragmin), enoxaparin (Lovenox), heparin, warfarin (Coumadin) ...; Choline Magnesium Trisalicylate (Trilisate); Salsalate (Disalcid)...
Nói chung, tác dụng chính của vỏ cây liễu là giảm đau, chống viêm dùng chủ yếu trong các bệnh lý về xương khớp, ngoài ra còn có tác dụng hạ sốt, hỗ trợ giảm cân và trị mụn. Việc sử dụng dược liệu cần được tư vấn của bác sỹ để có liều dùng và cách dùng đúng mang lại hiệu quả điều trị. Cần chú ý các trường hợp không nên dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.