Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt. Trong nhiều trường hợp, vô kinh là triệu chứng của một bệnh lý có thể điều trị được. Do đó, điều quan trọng là bạn cần đi khám bệnh để cùng bác sĩ kịp thời tìm ra các giải pháp.
1. Vô kinh là gì?
Nếu bạn được chẩn đoán “vô kinh”, điều này có nghĩa là bạn không có kinh nguyệt. Vô kinh có thể xảy ra với những phụ nữ đã qua tuổi dậy thì, hiện không mang thai và chưa đến tuổi mãn kinh.
Vô kinh không đồng nghĩa với kinh nguyệt không đều, mà là không có kinh nguyệt. Bạn nên đi khám bác sĩ để giải quyết vấn đề này sớm, vì nó có thể là triệu chứng của một bệnh lý có thể điều trị được.
Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt
Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.2. Phân loại vô kinh
Vô kinh thường được phân làm 2 loại: vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
- Vô kinh nguyên phát: Là tình trạng người phụ nữ cho đến năm 16 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt.
- Vô kinh thứ phát: Là tình trạng phụ nữ đã có kinh nguyệt nhưng mất kinh nguyệt trong thời gian liên tục từ 3 tháng trở lên.
Vô kinh kéo dài được xem là dấu hiệu nguy hiểm cho một rối loạn nào đó trong cơ thể.
3. Nguyên nhân gây vô kinh
3.1 Nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát
Có nhiều nguyên nhân gây vô kinh. Trong đó, các nguyên nhân gây ra vô kinh nguyên phát (ở phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt), gồm có:
- Suy buồng trứng
- Các bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) hoặc tuyến yên (một tuyến trong não tạo ra các hormone liên quan đến kinh nguyệt)
- Các bệnh lý ở cơ quan sinh sản
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát không xác định được.
3.2 Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát
Các nguyên nhân phổ biến gây vô kinh thứ phát (khi người phụ nữ đã có kinh nguyệt bình thường nhưng có thời gian dài ngừng kinh) bao gồm:
- Thai kỳ
- Cho con bú
- Ngừng sử dụng biện pháp tránh thai
- Mãn kinh
- Sử dụng một số phương pháp tránh thai như Depo - Provera hoặc một số loại dụng cụ tử cung (IUD).
Các nguyên nhân khác của vô kinh thứ phát bao gồm:
- Căng thẳng
- Thiếu dinh dưỡng
- Trầm cảm
- Sử dụng một số loại thuốc theo toa
- Giảm cân nhanh chóng
- Tập thể dục quá sức
- Đang ốm, mệt mỏi
- Tăng cân đột ngột hoặc rất thừa cân (béo phì)
- Mất cân bằng nội tiết tố do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
- Khối u tại buồng trứng hoặc não (hiếm gặp)
- Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng
Đề ngăn ngừa vô kinh, đặc biệt là vô kinh thứ phát, người phụ nữ cần duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học. Khi thấy biểu hiện vô kinh nguyên phát hoặc vô kinh thứ phát cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
XEM THÊM