Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Virus sởi là một loại virus rất dễ lây lan. Chúng sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh. Do vậy, có thể lây bệnh sang người khác thông qua ho và hắt hơi.
1. Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra, là virus sởi thuốc họ Paramyxoviridae, virus hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng... Ở nhiệt độ 56 độ C bị diệt trong 30 phút. Bệnh hay xuất hiện vào thời điểm đông - xuân, là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng xuất hiện ở người lớn, khả năng gây thành dịch cao.
Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12 -15 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4 - 5 ngày sau khi phát ban. Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất, do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh
Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và ước tính 160.000 trẻ em tử vong mỗi năm do các biến chứng của bệnh. Nhờ việc tiêm chủng mà đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh sởi trên thế giới.
1.1 Triệu chứng của bệnh sởi
Virus sởi là một loại virus ARN sợi đơn thuộc chi Morbillillin và họ Paramyxoviridae. Virus này có liên quan đến một số virus lây nhiễm cho động vật. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 12 ngày với các triệu chứng như: sốt, viêm kết mạc, ho và viêm tiểu phế quản.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao kéo dài 4 đến 7 ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh nhân sởi như: Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và có những đốm trắng nhỏ bên trong má, có thể xuất hiện các hạt Koplik
Sau vài ngày ban bắt đầu xuất hiện, ban dát sẩn, màu hồng, xuất hiện lần lượt theo thứ tự từ sau tai, trán, xuống vùng ngực, lưng, rồi xuống đùi và bàn chân. Khi ban mất đi cũng mất theo thứ tự trên, ban bong vảy để lại vết thâm trên da.
Các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh sởi như: mù, viêm màng não, tiêu chảy nặng và mất nước, nhiễm trùng tai, viêm phổi.
1.2. Ai dễ có nguy cơ mắc bệnh
- Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao nhất và các biến chứng của bệnh, thậm chí là tử vong.
- Trẻ bị thiếu vitamin A hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do HIV/ AIDS hoặc các bệnh khác có nguy cơ mắc bệnh sởi cao hơn.
- Phụ nữ mang thai không được tiêm chủng.
- Bệnh sởi vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển như các nước ở Châu Phi và Châu Á. Đây là các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế.
Xem thêm: Bệnh sởi lây qua những đường nào?
2. Đường truyền của virus sởi
Virus sởi có thể sống tới 2 giờ trong không gian nơi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Nếu người khác hít phải không khí bị ô nhiễm hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm bệnh, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Bệnh sởi rất dễ lây lan đến nỗi nếu một người mắc bệnh này, sẽ có tới 90% những người không miễn dịch gần gũi với người bệnh cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
Virus này được truyền từ người sang người qua hô hấp, khi người bệnh ho và hắt hơi.
Xem thêm: Triệu chứng của sởi là gì và cần cách ly bao nhiêu ngày để tránh lây lan bệnh?
3. Phòng ngừa bệnh sởi
Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả duy nhất chống lại bệnh sởi. Vắc-xin sởi có hiệu quả ít nhất 95% và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh gần 100%. Vắc-xin sởi thường được kết hợp với vắc-xin rubella hoặc quai bị. Vắc-xin kết hợp đã được chứng minh là tạo ra phản ứng miễn dịch giống như vắc-xin riêng lẻ. Tiêm vắc-xin cho những người đã miễn dịch với một hoặc nhiều kháng nguyên trong vắc-xin kết hợp, từ tiêm chủng trước đó hoặc nhiễm trùng tự nhiên, không xảy ra bất cứ tác dụng phụ nào.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh sởi có thể được giảm bớt thông qua việc đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước đường uống do WHO khuyến nghị. Thuốc kháng sinh nên được kê đơn để điều trị nhiễm trùng mắt, tai, và viêm phổi.
Tất cả trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sởi nên được bổ sung hai liều vitamin A cách nhau 24 giờ. Phương pháp điều trị này phục hồi mức vitamin A thấp trong bệnh sởi xảy ra ngay cả ở trẻ em được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A cũng đã được chứng minh là làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.