Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Nó lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết hô hấp từ miệng, mũi, cổ họng. Một người bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho nhiều người khỏe mạnh khác.
1. Bệnh quai bị
Bệnh quai bị do loại virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae, xảy ra chủ yếu ở trẻ em tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên (5-14 tuổi). Thông thường, khoảng 35% những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng. Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh này là gây sưng tấy không đau và đau ở tuyến nước bọt, ở một hoặc cả hai tuyến mang tai. Bệnh thường nặng hơn ở những người đang trong độ tuổi dậy thì. Triệu chứng của bệnh thường bao gồm 4 thời kì:
Thời kỳ ủ bệnh: Từ sau khi tiếp xúc với virus khoảng 14-25 ngày, thay đổi từ 2- 4 tuần, trung bình 17 – 18 ngày; thời kỳ này không có triệu chứng nào cụ thể.
Thời kỳ khởi phát:
- Suy nhược, kém ăn, miệng cảm giác khô.
- Mệt mỏi toàn thân, khó chịu, đau đầu.
- Bị sốt nhẹ, không kèm rét run.
- Đau họng và đau góc hàm.
- Vùng bị sưng không bị nóng, cũng không bị sung huyết.
- Tuyến mang tai to dần và đau nhức, đau gia tăng khi thăm khám hoặc khi nhai.
Thời kỳ toàn phát:
- Tuyến mang tai sưng to (thường 2-3 ngày, cao điểm là 1 tuần), đau nhức một bên, sau đó lan qua bên đối diện và tuyến nước bọt khác, sau đó nhỏ lại.
- Tuyến sưng lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan đến cung dưới xương gò má, dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm. Tuyến sưng to đẩy phình tai ra ngoài và lên trên, da trên tuyến đỏ, không nóng, ấn vào có cảm giác đàn hồi.
- Có những trường hợp không biểu hiện các triệu chứng như trên, dễ chẩn đoán nhầm giữa bệnh quai bị và các bệnh khác (viêm tuyến nước bọt, viêm tuyến mang tai...).
- Thời kỳ hồi phục: Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần; các triệu chứng đau họng, khó nuốt giảm và từ từ khỏi hẳn.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tinh hoàn do quai bị: là một loại viêm tinh hoàn đặc hiệu có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành, tinh hoàn sẽ sưng to hơn bình thường từ 2-3 lần, đau vùng bìu, mào tinh dày bất thường, sốt cao và mệt mỏi; 30% người bệnh bị teo tinh hoàn, ảnh hưởng lớn đến số lượng, chất lượng tinh trùng, gia tăng nguy cơ vô sinh.
- Viêm buồng trứng do quai bị ở nữ (tỷ lệ 7%): đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn ở một bên hố chậu, sốt, ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi, biến đổi về màu sắc. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể tiến triển thành viêm buồng trứng mãn tính, dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, mưng mủ buồng trứng, tắc vòi trứng, chất lượng trứng suy giảm gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.
- Viêm não: virus quai bị tấn công hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não. Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp ở người lớn, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có thể gặp ở trẻ em.
- Điếc tai vĩnh viễn: Theo CDC Hoa Kỳ, điếc tai do quai bị là một biến chứng rất hiếm gặp (tỷ lệ khoảng 2/10.000 trường hợp bệnh), thường xảy ra ở giai đoạn khởi phát của bệnh, do virus quai bị làm tổn thương ốc tai. Đây là điếc không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân. Hiện nay, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và điều trị biến chứng này, các bác sĩ chỉ có thể cấy ghép ốc tai để cải thiện thính lực cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là phương pháp rất khó khăn và tốn kém.
- Ngoài những biến chứng kể trên, bệnh quai bị còn có thể dẫn đến một số biến chứng khác hiếm gặp hơn như: viêm tụy, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm đường hô hấp,... Đặc biệt, nếu phụ nữ có thai trong vòng 12 đến 16 tuần đầu thai kỳ mắc bệnh quai bị, tỷ lệ sảy thai là rất cao.
2. Virus quai bị tồn tại bao lâu
Virus có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể, từ 30-60 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C, khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ âm sâu -25 đến -70 độ C. Bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn thường dùng.
Thời gian ủ bệnh của virus quai bị thay đổi tùy từng người khi tiếp xúc với nguồn lây. Thời gian dễ lây nhiễm nhất là từ 2 đến 5 ngày sau khi khởi phát tình trạng viêm tuyến mang tai. Thời kì lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Virus quai bị có thể phân lập được tù tuyến mang tai từ 7 ngày trước và kéo dài đến ngày thứ 9 sau khi tuyến mang tai bắt đầu sưng.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua chất tiết đường hô hấp khi:
- Ho, hắt hơi hoặc nói chuyện;
- Sử dụng chung các vật phẩm dính nước bọt có chứa virus quai bị như chai hoặc cốc nước;
- Tiếp xúc gần gũi với người bệnh thông qua các hoạt động như chơi thể thao, khiêu vũ hoặc hôn.
3. Phòng ngừa
Một người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus quai bị từ vài ngày trước khi tuyến nước bọt của họ bắt đầu sưng lên đến năm ngày sau khi sưng bắt đầu. Vì vậy, bệnh nhân quai bị nên hạn chế tiếp xúc với người khác trong thời gian nhiễm bệnh bằng cách tự cách ly và không tham gia các hoạt động đông người.
Ngoài ra, tiêm vắc-xin phòng quai bị là cách tốt nhất để ngăn ngừa virus quai bị. Vắc-xin phòng ngừa quai bị hiện nay là vắc-xin kết hợp giữa sởi-quai bị-rubella (MMR) và sởi-quai bị-rubella-thủy đậu (MMRV - chưa có tại Việt Nam). Khi sử dụng hai liều vắc-xin quai bị sẽ tăng hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus lên tới 88% và hiệu quả ngăn ngừa virus với một liều là 78%. Khi sử dụng vắc-xin cần tránh thai tối thiểu 1 tháng và tốt nhất là 3 tháng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.