Virus Adeno có lây cho người lớn không

Adenovirus là 1 loại virus gây bệnh ở đường hô hấp và có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, mắt, ... Virus này thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ tử vong khoảng 8 – 10%. Vậy virus Adeno có lây cho người lớn không?

1. Virus Adeno gây bệnh gì?

Adenovirus được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể người. Virus Adeno thuộc họ Adenoviridae, được phân thành hai nhóm chính là nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú.

Bất kỳ ai cũng đều có khả năng bị nhiễm virus Adeno. Tong đó, nhóm có sức đề kháng kém có nguy cơ nhiễm virus Adeno cao hơn (người lớn tuổi, trẻ em, bệnh mãn tính, ...). Khi xâm nhập vào cơ thể, virus adeno có khả năng gây bệnh ở nhiều cơ quan như hô hấp, tiêu hóa, mắt, ... Các bệnh phổ biến do Adenovirus gây ra:

  • Viêm đường hô hấp: Viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm cấp tính đường hô hấp, viêm phổi, ...
  • Viêm kết mạc mắt.
  • Viêm dạ dày – ruột.
  • Viêm bàng quang.
  • Một số bệnh lý khác như: viêm gan nặng ở trẻ em, nhiễm virus adeno không triệu chứng, ...

Virus Adeno rất dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, hiểu biết về adenovirus lây qua đường nào giúp chúng ta chủ động phòng ngừa bệnh cho bản thân và cộng đồng.

2. Virus Adeno lây qua đường nào?

Adenovirus có thể lây lan nhanh trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Vì vậy, cần phải cảnh giác với loại virus này. Các phương thức lây nhiễm của virus Adeno là:

  • Tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, dịch tiết đường hô hấp của người mang virus.
  • Lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc dùng nguồn nước có chứa virus Adeno từ dịch tiết đường hô hấp, phân của người bệnh.
  • Lây nhiễm gián tiếp khi dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm Adenovirus như bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, gối, chăn màn, ...
  • Lây nhiễm ở phòng khám bệnh, đặc biệt là phòng khám mắt.

3. Virus Adeno có lây cho người lớn không?

Virus Adeno lây lan nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có thể bị nhiễm virus Adeno. Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus này là những người sinh sống, sinh hoạt trong viện dưỡng lão, ký túc xá, khu quân sự, bệnh viện, ... Ngoài ra, gia đình có trẻ nhiễm virus thì những người khác cũng có khả năng bị lây nhiễm.

Người có hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi, có bệnh hô hấp mãn tính, ung thư, tim mạch, ghép tạng, ... có thể gặp phải biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng khi nhiễm virus Adeno. Do đó, cần theo dõi cẩn thận khi nhóm này bị nhiễm virus, nhập viện điều trị nếu cần thiết. Với người trưởng thành khỏe mạnh, virus Adeno thường không gây nguy hiểm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày.

4. Điều trị bệnh do virus Adeno

Nhiễm virus adeno nếu không điều trị tích cực thì có thể để lại nhiều hậu quả như: tổn thương giác mạc, tổn thương đường tiêu hoá, các di chứng nặng nề ở phổi, ... Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biện pháp điều trị nhiễm Adenovirus bao gồm:

  • Cách ly người bệnh tại phòng bệnh riêng.
  • Hỗ trợ hô hấp nếu cần (thở oxy, thở máy).
  • Nếu có bội nhiễm viêm phổi thì cần dùng thuốc kháng sinh.
  • Điều trị triệu chứng: Thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5 độ C, bổ sung điện giải, thuốc kháng virus, ...

Dự phòng nhiễm virus Adeno

Adeno có lây cho người lớn không? Tất cả mọi người đều có thể bị lây nhiễm adenovirus. Đặc biệt là những người có sức đề kháng kém như trẻ em (đặc biệt là giai đoạn 6 tháng – 5 tuổi), người cao tuổi, có bệnh mãn tính, ... Vì vậy, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, chúng ta nên thực hiện:

  • Dự trữ đầy đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt, khử trùng giếng nước bằng cloramin B khi mùa mưa lũ đến.
  • Vệ sinh cá nhân hằng ngày, không dùng chung dụng cụ cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải răng, ...
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở và môi trường xung quanh.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
  • Khi chăm sóc người nhiễm adenovirus, cần bảo vệ bản thân bằng khẩu trang, sát khuẩn đồ dùng, ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe