Vinmec khởi động xây dựng Ngân hàng màng ối theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam

Dự án thành lập ngân hàng màng ối tiêu chuẩn Nhật Bản sắp tới sẽ được triển khai tại Vinmec, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Khi đi vào hoạt động, ngân hàng màng ối Vinmec có thể mở ra cơ hội điều trị bằng phương pháp ghép màng ối điều trị cho các tổn thương bề mặt nhãn cầu trong u kết mạc, mộng thịt tái phát, sẹo kết mạc, thủng giác mạc... ở Việt Nam.

Ghép màng ối điều trị bệnh giác mạc được bắt đầu áp dụng ở Nhật Bản từ năm 1996. Cho đến nay, mỗi năm tại Nhật Bản có khoảng 1000 ca ghép được thực hiện. Bệnh viện Đại học Nagasaki là một trong những bệnh viện tại Nhật đã thực hiện và rất thành công trong lĩnh vực này, với khoảng 100 ca ghép mỗi năm.


Cấu tạo bề mặt nhãn cầu
Cấu tạo bề mặt nhãn cầu

GS.BS. Masafumi Uematsu (Khoa nhãn khoa và khoa học thị giác, Đại học Nagasaki) cho biết, tỷ lệ điều trị thành công sau ghép màng ối rất cao đối với các bệnh nhân bị tổn thương bề mặt nhãn cầu trong u kết mạc, mộng thịt tái phát, sẹo kết mạc, thủng giác mạc... Ở Việt Nam, với tỷ lệ người bệnh mắc các bệnh liên quan đến tổn thương bề mặt nhãn cầu rất lớn và đang ngày càng tăng do bệnh lý, tai nạn lao động, tiếp xúc nhiều với tia cực tím... Do đó, khi thực hiện được tại Việt Nam, với một ngân hàng màng ối với chất lượng đảm bảo, được sàng lọc kỹ càng sẽ đảm bảo cho phương pháp ghép màng ối hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho bệnh nhân.

Để chuẩn bị cho dự án Ngân hàng màng ối đầu tiên tại Việt Nam, ngày 12/02, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec tổ chức hội thảo “Thiết lập ngân hàng màng ối và ứng dụng trong điều trị nhãn khoa” với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản. Đề cập đến một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam, hội thảo thu hút sự tham gia của các bác sĩ nhãn khoa, sản khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, chuyên viên nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu, Trung tâm công nghệ cao Vinmec.

Tại Hội thảo, GS.BS. Masafumi Uematsu đã thuyết trình về liệu pháp ghép màng ối trong điều trị nhãn khoa. GS. Uematsu cũng chia sẻ những kinh nghiệm thu thập, kỹ thuật xử lý và lưu trữ màng ối đang thực hiện tại các ngân hàng màng ối Nhật Bản; những điểm cần lưu ý khi ghép điều trị, cách thức theo dõi và đánh giá kết quả thành công sau phẫu thuật ghép màng ối, các trường hợp tổn thương nhãn cầu có chỉ định điều trị bằng ghép màng ối.


GS. Uematsu chia sẻ với các đồng nghiệp Vinmec về phương pháp phẫu thuật ghép màng ối
GS. Uematsu chia sẻ với các đồng nghiệp Vinmec về phương pháp phẫu thuật ghép màng ối

Tại Hội thảo, GS.BS. Kazuhiro Nagai, Giám đốc Trung tâm truyền máu và liệu pháp tế bào của Bệnh viện Đại học Nagasaki đã có bài giảng về lưu trữ mô và xử lý tế bào trong ngân hàng sinh học. Giới thiệu các hệ thống, vai trò của các ngân hàng sinh học đang có tại Nhật Bản, GS. Nagai còn đặc biệt chú trọng trình bày về cách quản lý các ngân hàng mô phục vụ cho cấy ghép.

Từ những tổng kết trong quá trình vận hành và quản lý ngân hàng sinh học và một chương trình đào tạo các quy trình xây dựng ngân hàng màng ối từ Bệnh viện Đại học Nagasaki đã được chuyển giao cho Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, hứa hẹn một ngân hàng màng ối đạt tiêu chuẩn Nhật bản sẽ được triển khai trong thời gian tới tại Vinmec Times City.

Đến với hội thảo, GS. Naoshi Shinozaki – Đại học Keio, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Nikko Academy, Cố vấn cao cấp ngân hàng mắt và trung tâm giác mạc Nhật Bản đã có bài trình bày “Tính ưu việt của liệu pháp tế bào gốc mới trong điều trị bệnh lý giác mạc”. Giáo sư đã chia sẻ về ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương giác mạc hiện nay như PKP, LKP, Lamellar Keratoplasty, DSAEK , DMEK... Ông đặc biệt nhấn mạnh về các phương pháp ghép vùng rìa, ghép củng mạc và ghép biểu mô giác mạc nuôi cấy, sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh. Trước đây, màng giác mạc có thể được nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô vùng rìa để ghép. Tuy vậy, do một số hạn chế như ở bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt và hoặc nếu bệnh nhân có tổn thương một mắt, khi lấy sinh thiết bên mắt còn lại dễ gây tổn thương cho mắt. Do đó, hiện nay các phương pháp nuôi cấy biểu mô giác mạc từ tế bào gốc, biểu mô niêm mạc miệng đã được phát triển, nhằm khắc phục những nhược điểm trên mà vẫn đảm bảo chất lượng của mảnh ghép nuôi cấy.


GS. Naoshi Shinozaki trao đổi về liệu pháp tế bào gốc mới trong điều trị bệnh lý giác mạc
GS. Naoshi Shinozaki trao đổi về liệu pháp tế bào gốc mới trong điều trị bệnh lý giác mạc

Từ các sản phẩm màng ối của ngân hàng làm giá thể nuôi cấy kết hợp với các công nghệ mới đang được triển khai tại Nhật Bản được các chuyên gia chia sẻ và chuyển giao, Vinmec hướng tới phát triển mạnh các kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý giác mạc cho bệnh nhân trong thời gian tới.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe