Viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, thời điểm và biện pháp chữa trị, thường triệu chứng chỉ kéo dài từ 2 đến 4 ngày rồi sẽ biến mất.

1. Viêm tinh hoàn sau quai bị

Quai bị là một bệnh lành tính, có thể khỏi dứt điểm trong khoảng 10 ngày kể từ lúc bắt đầu khởi phát (không tính giai đoạn ủ bệnh). Tuy nhiên thời gian khỏi bệnh có thể rút ngắn còn khoảng 7 ngày nếu người bệnh được điều trị hiệu quả và kịp thời. Ngược lại, khi không được điều trị đúng cách, bệnh nhân rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh viêm tinh hoàn quai bị và khả năng sẽ dẫn đến vô sinh.

Thông thường, viêm tinh hoàn sau quai bị xảy ra một bên, chỉ có khoảng 3 - 7% là viêm ở cả hai bên tinh hoàn. Bệnh thường gặp ở thiếu niên trong độ tuổi dậy thì, với tỷ lệ mắc khoảng 30%. Do vậy, nếu phụ huynh nhận thấy con em mình bị bệnh quai bị và ngay cả khi đã điều trị khỏi thì vẫn nên chú ý dấu hiệu của viêm tinh hoàn. Theo đó, phần bìu của bé bị sưng to, nóng đỏ, gây đau thốn rất khó chịu, nhất là khi vận động mạnh như chạy nhảy, đạp xe,...

2. Bị viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi hẳn?


Bị viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi hẳn?
Bị viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi hẳn?

Biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi còn tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, thời điểm chữa trị và phương pháp chữa trị. Khi bị viêm tinh hoàn quai bị, thường một bên tinh hoàn sưng lên và gây đau trong vòng 2 đến 4 ngày rồi bắt đầu xẹp.

Cảm giác đau tức ở tinh hoàn sau quai bị có thể do quá trình phục hồi sau khi tinh hoàn bị viêm. Bệnh nhân không nên quá lo lắng, vì nếu được điều trị đúng cách, tỷ lệ teo tinh hoàn sau viêm và vô sinh do biến chứng từ bệnh quai bị rất hiếm khi xảy ra.

Bệnh nhân có thể theo dõi tiến trình khỏi bệnh viêm tinh hoàn sau quai bị bằng cách trao đổi với bác sĩ nhằm lên kế hoạch theo dõi chức năng của tinh hoàn sau điều trị dựa trên các xét nghiệm đo nồng độ nội tiết tố và tinh dịch đồ. Đây là 2 thông số chức năng quan trọng của tinh hoàn. Qua quá trình thăm khám và siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện kích thước tinh hoàn có bị giảm hay không. Từ đó, bệnh nhân sẽ được can thiệp y khoa liên quan đến nam khoa hoặc tiết niệu nếu cần thiết.

3. Hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn quai bị

Khi bị viêm tinh hoàn sau quai bị, nên cho người bệnh mặc quần lót để nâng hai tinh hoàn lên cao, giúp giảm căng tức, đỡ đau nhức. Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi tại giường, tránh vận động nhiều, đặc biệt tránh các hoạt động như đạp xe, chạy bộ... vì sẽ khiến cho tinh hoàn tổn thương nghiêm trọng hơn, các mạch máu tại tinh hoàn và ống sinh tinh bị tổn thương nặng, nguy cơ dẫn tới teo tinh hoàn (có khoảng 30 - 40% trường hợp bệnh nhân bị teo tinh hoàn sau 2 - 6 mắc bệnh). Tuy nhiên, khả năng vô sinh rất hiếm xảy ra ngay cả khi teo tinh hoàn hai bên.

4. Đề phòng bệnh quai bị và biến chứng viêm tinh hoàn


Để tránh mắc bệnh quai bị và biến chứng viêm tinh hoàn, phụ huynh nên đưa bé trai đi chích ngừa quai bị từ sớm
Để tránh mắc bệnh quai bị và biến chứng viêm tinh hoàn, phụ huynh nên đưa bé trai đi chích ngừa quai bị từ sớm

Để tránh mắc bệnh quai bị và biến chứng viêm tinh hoàn, phụ huynh nên đưa bé trai đi chích ngừa quai bị từ sớm. Vắc-xin quai bị được chỉ định cho trẻ tiêm chủng bệnh quai bị định kỳ và khẩn cấp. Việc tiêm chủng được định kỳ tiến hành 2 lần, vào lúc trẻ được 12 - 15 tháng tuổi và đến khi 6 tuổi (trường hợp chưa có tiền sử mắc quai bị). Khoảng cách giữa mũi tiêm chủng lần đầu và liều nhắc lại không ít hơn 6 tháng.

Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho các trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị nhưng bản thân chưa từng mắc bệnh và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị từ trước. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vắc-xin phòng bệnh quai bị cần được tiêm không quá 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với người bệnh.

Khi phát hiện dấu hiệu viêm tinh hoàn sau quai bị, nên cho trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tìm cách chữa trị hiệu quả, đồng thời giúp rút ngắn thời gian khỏi bệnh của trẻ và hạn chế tối đa những biến chứng nguy hại đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe