Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm tai giữa ứ dịch thường gặp ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng dịch bị ứ phía sau một màng tai không bị thủng. Nếu không được phát hiện và điều trị, viêm tai giữa ứ dịch có thể diễn biến thành các bệnh lý suy giảm thính lực mạn tính và không hồi phục.
1. Viêm tai giữa ứ dịch là gì?
Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa kèm theo tiết dịch trong hòm tai, dịch bị ứ phía sau một màng tai không bị thủng. Dịch tai giữa có thể là thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo. Dựa vào thời gian của bệnh có thể chia ra thành 3 thể viêm: Thể cấp tính xảy trong thời gian dưới 3 tuần; thể bệnh bán cấp kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng; thể mạn tính kéo dài trên 3 tháng.
Bệnh viêm tai giữa ứ dịch thường gặp ở trẻ em từ 1 đến 3 tuổi. Bệnh phát triển âm thầm, ít triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là giảm thính lực. Bệnh phát hiện khi cha mẹ đưa trẻ đi khám do nhận thấy các dấu hiệu bất thường như:
- Trẻ nhỏ không quay đầu về phía có âm thanh hoặc trẻ chậm học và phát triển ngôn ngữ.
- Với trẻ lớn hơn, ở lớp học trẻ không nghe rõ, cảm giác nặng tai, khó chịu trong tai, có biểu hiện thính lực không bình thường khi nghe viết chính tả.
Ngoài ra, viêm tai giữa ứ dịch còn thường được phát hiện khi trẻ đến khám trong bệnh cảnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ở trẻ em, sự giảm thính lực thường xảy ra ở cả 2 tai, trong khi đó người lớn thường bị ở một bên. Mức độ suy giảm thính lực rất thay đổi ở những người bệnh khác nhau. Nếu sự suy giảm thính lực từ 30dB trở lên ở cả 2 tai sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng học tập. Một số triệu chứng hiếm gặp của bệnh là:
- Cảm giác dịch chuyển chỗ trong tai
- Có sự thay đổi về mức độ điếc theo vị trí đầu
- Chóng mặt
- Đau tai:Cchỉ thường thấy trong hoặc ngay sau giai đoạn viêm tai giữa cấp
2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa ứ dịch
Do cấu trúc, chức năng vòi nhĩ chưa hoàn thiện, hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành của hệ thống miễn dịch, trẻ có thể bị viêm tai giữa ứ dịch do các nguyên nhân sau:
- Viêm do vi khuẩn, virus: Viêm tai giữa ứ dịch có thể là hậu quả của viêm nhiễm đường hô hấp trên. Khoảng 65-78% bệnh nhân bị viêm tai giữa ứ dịch có nhiễm khuẩn hô hấp trên những ngày trước đó. 40% các trường hợp viêm tai ứ dịch phát hiện có vi khuẩn - thường gặp là Staphylococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Diphteroides,... Một số virus gây bệnh thường gặp là virus cúm, herpes, coxsackie b4, adenovirus,...
- Tắc vòi nhĩ: Có thể là tắc vòi nhĩ chức năng, tắt vòi nhĩ cơ học hoặc cả hai. Tắc vòi thường gặp ở trẻ nhỏ do sụn vòi ở trẻ mềm làm hoạt động mở vòi khó khăn, cơ căng màn hầu ở trẻ cũng hoạt động kém hiệu quả hơn người lớn. Khi vòi nhĩ bị tắt, dẫn đến mất không khí trong hòm tai dẫn đến áp lực âm tính, ngăn cản quá trình thoát dịch từ tai giữa gây tụ dịch sau màng nhĩ, dịch thấm trong trường hợp này vô trùng.
- Viêm do dị ứng: dẫn đến phù nề, tăng tiết dịch nhầy, tắc vòi tai.
Video đề xuất:
Viêm tai giữa có ảnh hưởng gì đến bé không?
3. Điều trị viêm tai giữa ứ dịch
Viêm tai giữa ứ dịch nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ gây các biến chứng nguy hiểm như túi co kéo, xẹp nhĩ, xơ nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch với màng nhĩ xanh vô căn, viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma...Đây là những bệnh lý mạn tính không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác.
Mục tiêu điều trị viêm tai giữa ứ dịch là phục hồi thính lực, ngăn chặn sự tiến triển của các bệnh lý mạn tính và ngăn ngừa viêm tai giữa cấp tính tái phát và biến chứng.
Để điều trị viêm tai giữa ứ dịch, cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Nguyên tắc điều trị là điều trị kết hợp toàn thân và tại chỗ, điều trị nội khoa trước, nếu thất bại mới chuyển sang điều trị ngoại khoa.
4. Viêm tai giữa ứ dịch bao lâu thì khỏi?
Viêm tai giữa ứ dịch có thể diễn biến khác nhau. Thông thường, viêm tai thanh dịch (dịch tai không nhiễm trùng) có thể tự khỏi trong từ 10-20 ngày. Hoặc sau khi được điều trị đúng, khả năng nghe được phục hồi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mặc dù đã được điều trị đúng theo phác đồ nhưng viêm tai thanh dịch vẫn tái phát. Viêm tai thanh dịch có thể bị bội nhiễm gây biến chứng viêm tai giữa ứ mủ mạn tính, gây thủng màng tai, ứ dịch kéo dài.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc viêm tai giữa ứ dịch, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, nâng cao sức đề kháng, tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, khi trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cần điều trị dứt điểm cho trẻ, không để bệnh kéo dài. Có thể đưa trẻ đi khám tai mũi họng theo định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm tai giữa ứ dịch và các vấn đề về tai.
Khoa Nhi tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám uy tín các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: Viêm đường hô hấp, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Bệnh viện được trang bị hiện đại, không gian văn minh , giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn, tận tâm, sẽ giúp cho trẻ được phát hiện bệnh chính xác, điều trị hiệu quả.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Viêm tai giữa có gây thủng màng nhĩ không?