Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được thăm khám đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về sau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa mà một trong số đó là thủng màng nhĩ có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
1. Viêm tai giữa mãn tính là gì?
Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng chảy mủ tai dai dẳng, kéo dài trên 6 tuần, chảy mủ qua lỗ thủng màng nhĩ. Các triệu chứng thường gặp bao gồm chảy mủ tai không đau với thính lực giảm kéo theo các biến chứng khác như sự phát triển của polyps tai, cholesteatoma và các bệnh nhiễm trùng. Viêm tai giữa mãn tính được phân thành 2 loại:
- Viêm tai giữa mãn tính mủ nhầy: Tổn thương niêm mạc, các tuyến nhầy quá phát và tăng tiết tạo nên các chất mủ nhầy không thối. Triệu chứng gồm có chảy mủ ở tai, mủ đặc trong hoặc vàng kéo dài thành sợi và tăng lên sau mỗi đợt viêm mũi, họng, điếc dẫn truyền.
- Viêm tai giữa mãn tính mủ: Hay gặp biến chứng vì có tổn thương xương và hay có cholesteatoma. Các biểu hiện thường gặp gồm chảy mủ tai, mủ đặc hoặc loãng vón cục màu vàng hoặc xanh đôi khi lẫn máu, mùi thối, điếc dẫn truyền tiến triển nặng, có thể điếc hỗn hợp, ù tai, đau tai, choáng đầu
2. Viêm tai giữa mãn tính do thủng màng nhĩ để lâu có sao không?
Trong các nguyên nhân gây thủng màng nhĩ, viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Khi nhiễm trùng các chất lỏng tích tụ sau màng nhĩ tạo nên áp lực dễ gây thủng màng nhĩ. Màng nhĩ hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nếu để lâu không xử lý, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người như:
- Suy giảm thính lực: Nghe kém hay điếc tai do thủng màng nhĩ làm người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, gây ra tâm lý tự ti, mặc cảm
- Viêm tai giữa: Thủng màng nhĩ tạo thành con đường cho vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa dễ dàng hơn, gây ra những tổn thương liên tục, thậm chí điếc vĩnh viễn
- Cholesteatoma: là u nang trong tai giữa gồm các tế bào da bình thường ở ống tai và những mảnh vụn cung cấp một môi trường cho vi khuẩn phát triển và chứa các protein làm hư xương của tai giữa gây điếc tai, nghe kém khó hồi phục
3. Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm tai giữa
Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ vì vòi nhĩ ở trẻ nhỏ ngắn, hẹp và nằm ngang so với người lớn. Nếu bệnh tái phát và không được điều trị nhiều lần, khi lớn lên sẽ xuất hiện những đợt tái phát và thành bệnh mãn tính. Nguyên nhân viêm tai giữa thường là do:
- Nhiễm trùng, dị ứng, yếu tố môi trường: đặc biệt hay gặp ở nhóm trẻ đi nhà trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, viêm tai giữa hơn nhóm trẻ được chăm sóc ở nhà
- Thuốc lá làm tăng tỷ lệ mắc viêm tai giữa
- Thời tiết: mùa đông, thu, xuân tỷ lệ bệnh nhân viêm tai giữa gia tăng nhiều nhất
- Trẻ không được bú sữa mẹ
- Bệnh lý: Hở hàm ếch, suy giảm miễn dịch, VA phì đại
Để phòng ngừa viêm tai giữa cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ đối với viêm tai giữa cấp, cho trẻ bú sữa mẹ, tiêm ngừa cúm và phế cầu. Nếu có thủng màng nhĩ thì phải thăm khám thường xuyên và lên kế hoạch phẫu thuật vá nhĩ hoặc đặt ống thông vòi nhĩ sớm ngăn ngừa tái phát viêm tai giữa
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.