Viêm niêm mạc tử cung rất thường gặp sau sinh con

Viêm niêm mạc tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Nếu không thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ sau này.

1. Viêm niêm mạc tử cung thường gặp sau sinh sản

Niêm mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung. Lớp niêm mạc sẽ bong ra và tiếp tục chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo nếu trứng không gặp được tinh trùng. Trong trường hợp trứng và tinh trùng gặp nhau, thụ thai, lớp niêm mạc trở thành vị trí để thai nhi làm tổ.

Viêm niêm mạc tử cung là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở lớp nội mạc trong buồng tử cung do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập, phát triển gây nên. Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, phụ nữ sau sinh, bị sảy thai hoặc đã làm các thủ thuật nạo hút thai có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn.

Bệnh viêm niêm mạc tử cung thường không đe dọa tính mạng nhưng cần phải được điều trị sớm. Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Vô sinh, viêm phúc mạc vùng chậu, mủ hoặc áp xe trong xương chậu hoặc tử cung, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu quá mức dẫn tới huyết áp thấp) - tình trạng cấp tính có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

2. Nguyên nhân viêm niêm mạc tử cung

2.1 Nguyên nhân viêm niêm mạc tử cung ở phụ nữ sau sinh

  • Sau sinh, sản phụ mắc phải một số bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, lậu, chlamydia,... nhưng không được điều trị kịp thời, khiến vi khuẩn lây lan sang tử cung gây viêm niêm mạc tử cung sau sinh;
  • Sau khi sinh có nhiều trường hợp sản dịch ứ đọng trong tử cung, không thể thoát ra ngoài được, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và từ đó gây viêm nhiễm nội mạc tử cung;
  • Sau khi sinh con, sản phụ không chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kết hợp với tình trạng sản dịch ra nhiều, tạo điều kiện để các tác nhân có hại xâm nhập vào âm đạo và cổ tử cung, gây viêm nội mạc tử cung;
  • Tình trạng tổn thương vùng kín trong khi sinh con khiến sản phụ dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn tới viêm nhiễm nội mạc tử cung;
  • Vấn đề khác: Sót nhau, sót màng, nhiễm khuẩn ối, thủ thuật kiểm soát tử cung, bóc rau nhân tạo không vô khuẩn.

2.2 Nguyên nhân viêm niêm mạc tử cung ở các nhóm phụ nữ khác

  • Quan hệ tình dục không an toàn, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu;


Quan hệ tình dục không an toàn có thể gây viêm niêm mạc tử cung
Quan hệ tình dục không an toàn có thể gây viêm niêm mạc tử cung

  • Mắc bệnh lao;
  • Xáo trộn sự cân bằng của vi khuẩn âm đạo;
  • Sau sảy thai;
  • Do các kỹ thuật y tế: Soi tử cung, đặt vòng tránh thai (IUD), nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung;
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ
  • Xảy ra cùng lúc với các vấn đề khác ở vùng xương chậu như viêm cổ tử cung.

3. Triệu chứng viêm niêm mạc tử cung

Bệnh chia thành 2 giai đoạn: Viêm niêm mạc tử cung cấp tính và viêm niêm mạc tử cung mãn tính.

3.1 Viêm niêm mạc tử cung cấp tính gây ra các triệu chứng sau:

  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Tiết dịch âm đạo bất thường: Có màu xanh, vàng, nâu, có mủ, mùi hôi hoặc có lẫn nhiều máu (thường gặp trong trường hợp sót rau);
  • Sốt, thân nhiệt thường không tăng quá nhiều, không quá 38°C, người khó chịu, nhức đầu, chóng mặt. Khi viêm nhiễm lan rộng đến lớp cơ tử cung thì thân nhiệt của người bệnh sẽ tăng cao, triệu chứng toàn thân cũng nặng hơn.
  • Khó chịu khi đi đại tiện;
  • Đau xương chậu, vùng bụng dưới hoặc vùng trực tràng, lúc đầu đau âm ỉ, sau đau tăng dần.

3.2 Viêm niêm mạc tử cung mãn tính có các triệu chứng sau:

  • Trướng bụng;
  • Dịch âm đạo có lẫn máu, có sự thay đổi về chất và mùi;
  • Táo bón, có cảm giác khó chịu, đau bụng dưới.

4. Chẩn đoán và điều trị viêm niêm mạc tử cung

Khi có triệu chứng cảnh báo viêm niêm mạc tử cung, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm nhất.

Để chẩn đoán bệnh viêm niêm mạc tử cung, trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng, quan sát bụng, tử cung và cổ tử cung của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể lựa chọn các xét nghiệm chẩn đoán như: Lấy mẫu hoặc nuôi cấy mô tử cung để xét nghiệm vi khuẩn gây nhiễm trùng, sinh thiết nội mạc tử cung, nội soi, xét nghiệm dưới kính hiển vi, xét nghiệm máu (đo số lượng bạch cầu và tỷ lệ lắng đọng hồng cầu).

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh và thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị riêng. Bệnh nhân viêm nội mạc tử cung sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đối với các trường hợp bệnh nặng hoặc phức tạp, người bệnh có thể cần truyền tĩnh mạch và điều trị nội trú tại bệnh viện. Những phụ nữ bị viêm niêm mạc cổ tử cung sau sinh thường được điều trị theo liệu trình này.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể phải dùng đến phương pháp nạo buồng tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này thường gây nguy hiểm và có nhiều biến chứng liên quan đến vô sinh.

5. Biện pháp phòng ngừa viêm niêm mạc tử cung

  • Giảm nguy cơ viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh con hoặc sau khi thực hiện thủ thuật phụ khoa bằng cách đảm bảo bác sĩ sử dụng thiết bị và dụng cụ vô trùng trong khi đỡ sinh hoặc phẫu thuật. Muốn vậy, cần lựa chọn bệnh viện uy tín với đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm;
  • Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho sản phụ để phòng ngừa viêm nhiễm trong khi sinh mổ hoặc trước khi bắt đầu phẫu thuật;
  • Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su), kiểm tra thường xuyên và chẩn đoán sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuân thủ liệu trình điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục theo chỉ dẫn của bác sĩ;

Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su) để phòng ngừa viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh con
Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su) để phòng ngừa viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh con
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày đúng cách;
  • Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,...

Viêm niêm mạc tử cung thường gặp sau sinh con, tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị thì có thể khiến phụ nữ sảy thai, khó thụ thai, thậm chí dẫn tới vô sinh. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh, chị em nên đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được đánh giá cao trong lĩnh vực sản phụ khoa nhờ quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu cả nước, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giàu về kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất tiên tiến hiện đại. Hiện tại viện đang áp dụng gói Khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, với gói dịch vụ này khách hàng sẽ sớm phát hiện bệnh các bệnh lý viêm nhiễm, giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung).

Đặc biệt tại Vinmec, việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng luôn được chú trọng, môi trường bệnh viện văn minh, lịch sự, giúp chị em gặp vấn đề khó nói về sản phụ khoa khi đến với Vinmec không còn cảm thấy e ngại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe