Viêm não ở trẻ: Dấu hiệu, cách xử lý và hướng dẫn chăm sóc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Viêm não là bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt là viêm não ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề sau này hoặc gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm não là gì?

Viêm não là tình trạng siêu vi trùng hoặc vi trùng tấn công trực tiếp vào não bộ khiến não bộ bị tổn thương, ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng hoạt động và tư duy của cơ thể.

Các bệnh viêm não được phân biệt và có tên gọi riêng theo nguyên nhân gây bệnh: Viêm não Nhật Bản, viêm não do siêu vi trùng đường ruột...

2. Dấu hiệu viêm não ở trẻ nhỏ

2.1. Dấu hiệu viêm não giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn khởi phát viêm não, trẻ có các dấu hiệu phổ biến như:

  • Sốt liên tục nhiều ngày, có lúc sốt cao lên đến 39 - 40 độ C
  • Nhức đầu, cứng cổ
  • Trẻ mệt mỏi, tay chân chậm chạp, bỏ ăn, người không có sức
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Ngoài ra, trẻ có thể thêm một số triệu chứng như: tiêu chảy hoặc táo bón; ho, sổ mũi; phát ban mẩn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân...

Ở giai đoạn khởi phát viêm não, trẻ sốt cao liên tục nhiều ngày và mệt mỏi
Ở giai đoạn khởi phát viêm não, trẻ sốt cao liên tục nhiều ngày và mệt mỏi

2.2. Dấu hiệu viêm não giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát là giai đoạn bệnh đã trở nặng, ở giai đoạn này, trẻ có thêm một số biểu hiện do não bộ bị tổn thương, làm ảnh hưởng đến quá trình điều hòa vận động và tư duy của cơ thể:

  • Chân tay cử động khó, tê liệt chân tay hoặc liệt nửa người
  • Khó thở
  • Trẻ sốt li bì, người lơ mơ, hôn mê
  • Trẻ bị ảo giác, nghe không rõ
  • Trẻ bị co giật

2.3. Dấu hiệu viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một trong số các bệnh viêm não phổ biến và nguy hiểm hiện nay, nhất là với trẻ nhỏ. Dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện hơn ở người lớn. Ngoài các biểu hiện cơ bản của viêm não kể trên, trẻ dưới 12 tháng bị viêm não Nhật Bản có dấu hiệu thóp phồng, trẻ khóc không thể dỗ nín, đặc biệt khóc to hơn khi được bế lên.

3. Làm gì khi trẻ có dấu hiệu viêm não?

Viêm não ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm, bệnh tiến triển rất nhanh, vi rút hoặc siêu vi rút gây bệnh tấn công não bộ có thể khiến hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể mắc các di chứng ảnh hưởng đến sự phát hiện, khả năng vận động và tư duy như: chậm lớn, chậm phát triển trí óc, trí nhớ kém, bị điếc, động kinh, bại não, liệt tứ chi hoặc liệt nửa người... thậm chí là tử vong.

Vì vậy, ngay khi trẻ có những dấu hiệu viêm não ở giai đoạn khởi phát hoặc sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân tới ngày thứ 3 thì cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện chuyên khoa, có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn để thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra chẩn đoán bệnh, có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng và những biến chứng nguy hiểm của bệnh.


Cho trẻ đi khám và làm các xét nghiệm kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ
Cho trẻ đi khám và làm các xét nghiệm kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ

4. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm não

4.1. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm não

  • Cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều theo sự hướng dẫn của bác sĩ
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dùng khăn ấm lau người để trẻ hạ thân nhiệt. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ
  • Nên đặt trẻ nằm nghiêng về 1 bên, đầu hơi ngửa ra sau để trẻ hô hấp dễ dàng hơn
  • Hút sạch đờm rãi nếu trẻ bị sổ mũi, tránh để đờm ứ đọng khiến trẻ khó thở

4.2. Trẻ bị viêm não nên ăn gì?

  • Cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì nên tăng lượng bú và cữ bú trong ngày. Nếu trẻ bỏ bú thì nên vắt sữa và đút thìa cho trẻ. Chú ý đút từ từ vì trẻ bị viêm não rất dễ bị sặc và trớ.
  • Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại thực phẩm chứa nhiều muối khoáng và vitamin.
  • Cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, tránh để trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để bổ sung năng lượng, đảm bảo cung cấp đủ 50 - 60Kcal/kg/ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe