Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm nang lông là một căn bệnh phổ biến ngoài da và thường hay tái phát vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Vậy phải làm thế nào khi bị viêm nang lông tái phát?
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông
Viêm nang lông là một căn bệnh phổ biến ngoài da. Biểu hiện bằng những nốt mụn mủ nhỏ, khu trú ở nang lông, căn nguyên thường gặp nhất là do tụ cầu trùng, ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, nấm men, nấm sợi, vi rút herpes và ký sinh trùng demodex. Tùy từng tác nhân gây bệnh mà sẽ có các loại thuốc bôi ngoài da, thuốc uống khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông, điển hình trong số đó là do:
- Khí hậu nóng, ẩm, môi trường sống bị ô nhiễm,... những yếu tố này đã tác động trực tiếp lên da gây nên hiện tượng viêm nang lông.
- Do cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông không đúng cách, sử dụng quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng viêm nang lông.
- Một số trường hợp lạm dụng các loại thuốc như thuốc bôi corticoid, sử dụng kháng sinh trong thời gian dài cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển.
- Người bị bệnh tiểu đường, người bị suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường; những người mắc bệnh rối loạn nội tiết cũng thường bị viêm nang lông do cơ thể tiết nhiều mồ hôi cùng với các yếu tố bên ngoài tác động như vi khuẩn, vi rút gây nên viêm nang lông.
Viêm nang lông là bệnh về da rất hay mắc vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm. Đặc biệt, khi mồ hôi tiết ra nhiều, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng, nhất là những vùng kín như sau mang tai, sau gáy, hoặc vùng nách, bẹn... rất dễ bị viêm các nang lông tại những vị trí này. Bạn đã từng bị và tái phát, thì bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để bác sĩ tìm đúng nguyên nhân gây viêm nang lông tái phát, từ đó sẽ tư vấn và chỉ định dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại.
2. Biểu hiện của bệnh viêm nang lông
Các biểu hiện thường gặp của viêm nang lông là: ngứa tại vùng da bị viêm, xuất hiện các nốt sần sùi đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà bị xoắn lại bên trong nang lông gây ngứa vùng da đó. Có thể là viêm một hoặc nhiều nang lông cùng lúc, nhưng thường là sẽ viêm một vùng da rộng nào đó trên cơ thể. Nốt đỏ không lớn nhưng dày đặc gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người mắc chứng bệnh này. Sau một thời gian viêm nang lông hay viêm lỗ chân lông sẽ chuyển qua mụn nước có chứa mủ trắng ở đầu, sờ vào thì thấy đau, sau đó các mụn nước bị vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Đôi khi bệnh diễn biến dai dẳng lâu ngày sẽ trở thành mãn tính. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa rát rất khó chịu. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh viêm nang lông sẽ phát triển thành nhọt, cụm nhọt, đinh râu. Đây là bệnh dễ chữa trị và khỏi rất nhanh nếu được dùng thuốc thích hợp.
Biểu hiện do các tác nhân cụ thể gây bệnh có những đặc trưng sau:
- Viêm nang lông do tụ cầu: hay gặp ở vùng râu và gây ngứa. Có thể để lại sẹo sau khi khỏi. Bệnh hay tái phát khi ở trong môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Một số vùng hay bị như vùng nách, chân tóc và vùng gáy, tóc mai,...
- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: xảy ra ở những người bị trứng cá đang sử dụng kháng sinh uống dài ngày. Khiến cho các mụn trứng cá càng trở nên nặng hơn, viêm nang lông thành sẩn hoặc áp xe nang lông thành bọc vùng má, cằm.
- Viêm nang lông do nấm sợi: khởi đầu là nhiễm nấm ở lớp sừng quanh vùng miệng nang lông sau đó mới dần lan vào sâu trong nang lông và vào lông. Nang lông bị viêm sẽ có nhiều mủ, xuất hiện các lỗ thông nhau giữa các nang. Bệnh có khả năng tự khỏi nhưng sẽ gây rụng tóc và để lại sẹo.
- Viêm nang lông do nấm Malassezia: rất hay gặp ở những vùng khí hậu nóng và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, ở gáy, mặt. Các thương tổn này tương tự như trứng cá nhưng không có nhân mụn.
- Nấm men Candida albicans xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị nóng ẩm lâu ngày, như bệnh nhân bị sốt nằm lâu, hoặc các vùng da băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ nổi thành đám.
- Viêm nang lông do nhiễm vi rút herpes: thường xảy ra ở khu vực râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu, thành đám, sau vài ngày đóng vẩy. Bệnh tự khỏi không để lại sẹo nhưng hay tái phát.
- Sycosis do nhiễm vi rút u mềm lây: do virus Molluscum contagiosum gây ra các sẩn màu da lõm ở giữa ở nang lông hoặc quanh nang lông vùng râu cằm, ria mép. Bệnh do lây nhiễm và sẽ khỏi sau một thời gian vài tháng, đôi khi lâu hơn.
- Viêm nang lông giang mai: xuất hiện các sẩn màu đỏ, sắp xếp thành hình ovan, gây rụng tóc nhưng khỏi không để lại sẹo.
- Viêm nang lông do Demodex: gây bong vảy da xung quanh nang lông, có biểu hiện giống như vảy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã nhờn hoặc sẩn mụn mủ đỏ nang lông giống như trứng cá đỏ trên nền đỏ da ở mặt.
3. Điều trị viêm nang lông tái phát
Viêm nang lông tái phát thường xuyên thì cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, phát hiện các ổ vi khuẩn, có bị đái tháo đường hay không và tránh làm xây xước da. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà sử dụng các loại thuốc phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao giúp cho bệnh không tiến triển nặng hơn và không để lại sẹo. Các biện pháp dùng thuốc bao gồm:
- Điều trị tại chỗ: có thể sử dụng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...
- Điều trị toàn thân: trong trường hợp viêm nặng và tái phát thường xuyên có thể dùng thuốc đường toàn thân.
- Sử dụng kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông tái phát do tụ cầu thì có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Bao gồm các kháng sinh thuộc nhóm β-lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, metronidazol,... Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của bác sĩ kê đơn.
- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: trường hợp này thì cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa vùng bị viêm bằng benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ cho Isotretinoin.
- Viêm nang lông do nấm: trong trường hợp này sẽ kết hợp sử dụng các thuốc chống nấm bôi và thuốc uống. Các loại thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster.... Các loại thuốc sử dụng chống nấm đường uống như itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày hoặc terbinafine uống 250mg/ngày trong 14 ngày. Đối với trường hợp do nấm men candida thì dùng itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong liên tục 14 ngày, hoặc fluconazol 150mg uống 2viên/ngày trong liên tục 14 ngày.
- Viêm nang lông do vi rút herpes: có thể sử dụng kem bôi acyclovir 6lần/ngày và kết hợp uống acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống 2 lần/ngày.
- Viêm nang lông do demodex: trường hợp này có thể sử dụng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol kết hợp với thuốc uống metronidazol 1g/ngày trong liên tục 1 tuần.
Trên đây là một số loại thuốc thông thường để điều trị bệnh viêm nang lông tái phát hiện nay. Tuy nhiên, để sử dụng các thuốc trên trong trường hợp nào, liều lượng là bao nhiêu thì cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì nếu sử dụng thuốc không đúng cách thì có thể gây tác dụng ngược lại, gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho người sử dụng.
4. Biện pháp phòng bệnh viêm nang lông tái phát
Với người mắc bệnh viêm nang lông tái phát thường xuyên, do vậy việc dự phòng bệnh tái phát là rất quan trọng. Để phòng bệnh nên: tăng cường vệ sinh thân thể, luôn giữ cho da khô về mùa hè; tắm và gội bằng loại dầu thích hợp, nếu da nhờn nhiều thì có thể dùng các loại xà bông giảm nhờn; giảm ăn chất bột, đường, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước tăng cường vitamin nhóm B. Khi có biểu hiện của bệnh viêm nang lông, phải đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý mặc quần áo khô thoáng, thấm hút mồ hôi tốt, tránh nhiễm bẩn, tránh gãi làm trầy xước da tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút, nấm... xâm nhập gây viêm nang lông...
Ngừng sử dụng các loại kem dưỡng ẩm nếu bạn bị viêm nang lông. Chúng có xu hướng làm bít lỗ chân lông và khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bạn các loại mỹ phẩm làm từ lô hội hoặc yến mạch để làm dịu da.
Nếu bạn được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm nang lông, hãy tránh cạo hoặc tẩy lông một thời gian cho đến khi tình trạng viêm giảm. Bạn có thể tẩy hoặc cạo lông nhưng không quá một lần/tháng, khi hết sạch các bóng nước hoặc mụn. Bên cạnh đó, nên khử trùng các dụng cụ vệ sinh bạn sử dụng. Nếu được, bạn hãy sử dụng dao cạo điện. Sử dụng các loại dầu dưỡng hoặc kem cạo râu để bôi lên chân và tay bạn trước và sau khi cạo hãy rửa sạch chân tay với nước ấm và từ từ vỗ nhẹ cho khô. Sau đó, hãy sử dụng các loại kem dưỡng da nhẹ để giảm tối thiểu nguy cơ kích ứng da hoặc nổi mụn.
Viêm nang lông tái phát sẽ không còn là vấn đề nếu bạn nắm và hiểu rõ về căn bệnh này. Hi vọng thông qua bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích để phòng và chữa bệnh một cách hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.