Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị.
Viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng bệnh lý viêm và mất tổ chức niêm mạc có giới hạn ở phần ống tiêu hoá có bài tiết acid và pepsin. Bệnh thường bị bỏ qua do người lớn lầm tưởng trẻ mắc các bệnh tiêu hoá thông thường như rối loạn tiêu hoá, đau bụng giun,...
1. Chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng
1.1. Tiền sử
Bác sĩ sẽ thăm khám bằng các câu hỏi để xác định tình trạng bệnh ở trẻ:
- Vị trí đau, thời gian đau, đau cơn hay đau liên tục, đau có lan đi nơi khác không, cường độ đau, đau có liên hệ đến đi tiêu hay bữa ăn không, có tăng lên khi ăn không, những cách giúp giảm đau, triệu chứng kèm theo khi đau, số lần đau trong tuần, trong tháng, trong gia đình có ai đau như thế không?
- Trẻ có uống thuốc gì ảnh hưởng đến bao tử không, có thay đổi chế độ ăn trước khi đau không? Có bị sốt không? Có bị tiểu vàng không? Có bị tiểu đau không?
1.2. Thăm khám
Dấu hiệu lâm sàng và triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng rất nghèo nàn nên bắt đầu từ chẩn đoán loại trừ. Tìm dấu hiệu thiếu máu, khám tất cả các cơ quan: Gan, túi mật, tiết niệu, thăm trực tràng. Tìm dấu hiệu suy dinh dưỡng. Đôi khi, thấy dấu hiệu biến chứng như xuất huyết tiêu hoá (tiêu phân đen, ói máu, thiếu máu) hay hẹp môn vị.
1.3. Đề nghị xét nghiệm
- Chụp X-quang dạ dày tá tràng.
- Nội soi dạ dày tá tràng: Chính xác hơn X quang, qua nội soi cần sinh thiết để khảo sát mô bệnh học.
- Công thức máu, men gan, amylase máu, phân tích nước tiểu, soi phân, siêu âm: Khi cần loại trừ các nguyên nhân đau bụng khác.
1.4. Chẩn đoán có thể
Đau thượng vị khi ăn, ói, tiêu phân đen, gia đình có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng là những yếu tố giúp chẩn đoán. Không có triệu chứng bệnh của các cơ quan khác, các xét nghiệm khác bình thường.
1.5. Chẩn đoán nguyên phát hay thứ phát
1.6. Chẩn đoán xác định
- X-quang dạ dày có sửa soạn baryte có hình ảnh niêm mạc phù nề, ổ đọng thuốc.
- Nội soi có thể thấy viêm đỏ, xung huyết, ổ loét, niêm mạc không đều, trào ngược dịch mật.
- Xét nghiệm mô học: Trong khi nội soi dạ dày sinh thiết vùng hang vị cách lỗ môn vị 2cm, nhuộm eosin và trichome tìm Helicobacter Pylori.
1.7. Chẩn đoán phân biệt
- Đau bụng chức năng: đau quanh rốn đột ngột thường xảy ra buổi chiều tối, có cử động bất thường trong cơn đau, nhức đầu, chóng mặt.
- Rối loạn co thắt đường mật: Đau vùng túi mật, điểm Murphy, ói, vàng mắt.
- Viêm túi mật: Đau, ói, sốt, vàng da, siêu âm bất thường.
- U nang ống mật chủ: Khối vùng bụng, đau bụng, siêu âm có nang dịch.
- Viêm gan: Sốt nhẹ, vàng kết mạc, tiểu vàng, gan to đau, men gan tăng.
- Tiêm tuỵ: Cơn đau cấp tính dữ dội, amylase tăng.
2. Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
2.1. Nguyên tắc chung điều trị
- Dựa trên cơ sở bệnh lý để loại trừ các yếu tố gây bệnh như xoắn khuẩn, Helicobacter pylori, stress, tăng tiết HCl,...
- Bình thường hóa chức năng dạ dày.
- Tăng cường tái tạo niêm mạc, loại trừ các bệnh đi kèm.
2.2. Mục đích điều trị
a) Giảm yếu tố gây loét
- Dùng thuốc ức chế bài tiết HCl và Pepsin.
- Dùng thuốc trung hòa HCl đã được tiết vào dạ dày - tá tràng.
b) Tăng cường các yếu tố bảo vệ
- Dùng các thuốc bao phủ niêm mạc và băng ổ loét.
- Dùng các thuốc kích thích sản xuất chất nhầy.
c) Diệt trừ Helicobacter pylori
Điều trị theo kháng sinh đồ nếu xét nghiệm có HP.
Nếu trẻ có các triệu chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng, tái phát nhiều lần thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong