Viêm động mạch thái dương và những điều cần biết

Viêm động mạch thái dương là một bệnh nghiêm trọng, gây ra nhất nhiều các biến chứng khó kiểm soát. Vì thế, những biểu hiện hay các vấn đề liên quan đến bệnh viêm động mạch thái dương được rất nhiều người quan tâm.

1. Viêm động mạch thái dương là gì?

Bệnh viêm động mạch thái dương hay còn gọi tắt là bệnh viêm động mạch hoặc “hẹp động mạch”. Đây là tình trạng khi động mạch bị viêm và sưng lên, dẫn đến trạng thái hẹp động mạch làm giảm lưu lượng máu cung cấp tới các mô cơ quan trong cơ thể, từ đó làm giảm lượng oxi và dưỡng chất cần thiết để các mô hoạt động.

Động mạch ở thái dương là nơi dễ bị viêm nhất trong các bộ phận cơ thể. Vì vậy, viêm động mạch thái dương đôi khi còn được gọi với tên “viêm động mạch tế bào khổng lồ”. Ngoài ra, nó còn có tên khác là bệnh Horton. Đây là bệnh có nguy cơ gây nguy hiểm đối với thị giác. Trong trường hợp bệnh nhân không được điều trị một cách kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

2. Dấu hiệu của viêm động mạch thái dương


Đau đầu nặng, dai dẳng là triệu chứng phổ biến của viêm động mạch thái dương
Đau đầu nặng, dai dẳng là triệu chứng phổ biến của viêm động mạch thái dương

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm động mạch thái dươngđau đầu ở mức độ nặng, đặc biệt là ở hai bên thái dương. Triệu chứng này có thể càng lúc càng nặng, không xuất hiện liên tục mà theo từng giai đoạn, xuất hiện rồi sẽ tạm thời biến mất.

Nhìn chung, những dấu hiệu của bệnh mà bạn dễ dàng nhận biết nhất bao gồm:

  • Đau đầu nặng, dai dẳng, tập trung ở khu vực thái dương: Bệnh nhân bị đau thái dương một cách dai dẳng, cảm giác tê buốt như bị kim châm dưới da. Một số trường hợp còn bị đau lây sang các bộ phận lân cận: vùng trán, hốc mắt,... Khi gặp thời tiết lạnh đột ngột, đau nặng về đêm, bệnh nhân còn bị mất ngủ. Cơn đau kéo dài từ 2-3 giờ, trung bình từ 1 đến 2 cơn trên một ngày. Khi ấy, vùng thái dương của bệnh nhân sẽ hơi sưng, đỏ, sờ vào nóng hơn các vùng khác.
  • Đau da đầu.
  • Đau hàm và lưỡi khi nhai và khi hoạt động với cường độ mạnh: Khi bị viêm động mạch thái dương thì động mạch mặt cũng bị ảnh hưởng. Đó là tổn thương động mạch mắt, làm cho bệnh nhân khi nhai sẽ bị đau, thậm chí còn đau cả lưỡi, họng, nói khó và không thể há to miệng.
  • Mệt mỏi, mất ngủ, sốt, có khi còn sốt rất cao
  • Chán ăn, giảm cân không rõ nguyên do
  • Thị lực giảm, đột ngột, mất thị lực vĩnh viễn một bên mắt: những biểu hiện thường gặp là sợ ánh sáng, nhìn đôi, lác mắt, mù thoảng qua, ảo thị,... và cuối cùng mà mù hẳn. Những dấu hiệu này xuất hiện rất đột ngột, tiến triển nhanh, không có khả năng hồi phục và có thể làm mất thị lực chỉ trong vài giờ đến vài ngày nếu không được điều trị kịp thời.
  • Viêm đa khớp gốc chỉ: Bệnh nhân không chỉ bị đau ở hai bên thái dương, mà thậm chí còn bị đau và cứng ở cổ, vai và háng. Một nửa trong số các bệnh nhân bị mắc bệnh viêm động mạch thái dương sẽ biểu hiện triệu chứng này.
  • Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác ít gặp và dễ bị nhầm với các bệnh khác như: nhồi máu não, viêm dây thần kinh, phình động mạch chủ, bệnh phế quản, phổi,...

Vì thế, khi có một trong các dấu hiệu trên, đặc biệt là liên quan đến thị lực, bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân một cách nhanh và chính xác nhất.

3. Nguyên nhân dẫn đến viêm động mạch thái dương


Một giả thiết được đặt ra là các thành động mạch chủ vì một lý do nào đó mà bị hệ miễn dịch của cơ thể tấn công dẫn đến viêm động mạch
Một giả thiết được đặt ra là các thành động mạch chủ vì một lý do nào đó mà bị hệ miễn dịch của cơ thể tấn công dẫn đến viêm động mạch

Nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh này vẫn chưa được làm rõ. Một giả thiết được đặt ra là các thành động mạch chủ vì một lý do nào đó mà bị hệ miễn dịch của cơ thể tấn công. Horton và Frankenheim thì lại cho rằng bệnh do vi khuẩn đặc hiệu nên xếp vào nhóm bệnh u hạt nhiễm khuẩn. Zeek, Morrison Arbitol cho là dị ứng quá mẫn nên xếp vào nhóm những bệnh mạch máu do dị ứng ; Muehlke lại xếp vào nhóm bệnh tạo keo. Nhưng đến nay, đây vẫn dừng ở mức là giả thiết. Bên cạnh đó, những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm động mạch chủ thái dương cũng đáng được quan tâm. Đó là:

  • Tuổi tác: Bệnh chỉ xảy ra ở người trưởng thành, chủ yếu trên 50 tuổi. Đa số các bệnh nhân biểu hiện bệnh là ở giữa độ tuổi 70 và 80 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới đến 2 lần.
  • Vị trí địa lý và chủng tộc: Bệnh thường gặp ở những người da trắng ở khu vực Bắc Âu hoặc các cư dân ở bán đảo Scandinavia.
  • Có tiền sử bị bệnh viêm đa cơ dạng thấp: khoảng 15% những người bị đau cơ đa khớp cũng mắc bệnh viêm động mạch thái dương.

4. Biến chứng của viêm động mạch thái dương

Viêm động mạch thái dương sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe con người. Bao gồm:

  • Mù lòa: Vì động mạch thái dương bị ảnh hưởng nên sẽ làm giảm lượng máu tới mắt. Mắt lúc ấy sẽ bị mất thị lực ở một bên. Tình trạng này xảy ra đột ngột, và thường là mất thị lực vĩnh viễn.
  • Túi phình động mạch chủ: Túi phình là tình trạng phình ra ở vị trí mạch máu yếu, thường là vị trí động mạch từ trung thất xuống ổ bụng. Túi phình động mạch chủ có thể bị vỡ, gây xuất huyết nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Biến chứng này có thể xảy ra sau khi phát hiện bệnh đến vài năm, vì thế bác sĩ cần theo dõi tình trạng động mạch chủ qua chụp X-quang lồng ngực hoặc chẩn đoán qua hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp...)
  • Đột quỵ: biến chứng này có thể xảy ra nhưng không thường thấy ở các bệnh nhân.

5. Chẩn đoán và chữa trị viêm động mạch thái dương


Xét nghiệm máu cũng là phương pháp chẩn đoán ngoài việc xem xét các triệu chứng cụ thể của bệnh
Xét nghiệm máu cũng là phương pháp chẩn đoán ngoài việc xem xét các triệu chứng cụ thể của bệnh

5.1 Chẩn đoán viêm động mạch

Ngoài các triệu chứng cụ thể, bác sĩ còn có thể chẩn đoán bệnh qua các phương pháp sau:

  • Xét nghiệm máu đặc biệt: xét nghiệm máu có thể phản ánh tình trạng viêm của cơ thể, bao gồm các xét nghiệm như tốc độ máu lắng, CRP,..
  • Sinh thiết động mạch thái dương: Đây là cách chắc chắn nhất để chẩn đoán bệnh.
  • Chụp X-quang ngực
  • Siêu âm Doppler: sử dụng sóng siêu âm để tái hiện hình ảnh dòng chảy của máu trong lồng mạch.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): cung cấp hình ảnh chi tiết của các mạch máu và các tổn thương.

5.2 Phương pháp để điều trị viêm động mạch chủ

Phương pháp chính để điều trị là sử dụng liều cao corticosteroid (chẳng hạn như prednisone) để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực có thể xảy ra. Các triệu chứng có thể giảm trong một vài ngày. Tuy nhiên, để duy trì tình trạng, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc từ 1 đến 2 năm. Để tránh trường hợp thuốc gây ra tác dụng phụ, bệnh nhân sẽ được dùng một số loại thuốc bổ sung vitamin D và canxi.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể dùng một vài thuốc khác như dapson hoặc thuốc chống viêm non-steroid kết hợp với corticoid trong giai đoạn điều trị củng cố. Nếu các động mạch lớn bị viêm, thì phải dùng cả thuốc chống đông để dự phòng huyết khối.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate (Trexall) hoặc thuốc tocilizumab (Actemra) trong điều trị bệnh viêm động mạch thái dương, nhưng đây là thuốc mới, cần có thêm các nghiên cứu.

6. Những thói quen sinh hoạt nào giúp bệnh nhân hạn chế diễn tiến của viêm động mạch?

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế bệnh diễn biến nhanh chóng theo chiều hướng xấu là:

  • Sử dụng theo đúng đơn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng sử dụng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ
  • Thông báo thường xuyên tình hình sức khỏe với bác sĩ
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau xanh, ăn ít muối, đường, dầu mỡ
  • Chăm chỉ tập luyện thể thao

Nhìn chung, bệnh viêm động mạch thái dương là loại bệnh gây nguy cơ nguy hiểm đặc biệt đến thị giác. Song nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời thì có thể loại trừ được nguy hiểm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe