Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm buồng trứng là tình trạng viêm nhiễm tại buồng trứng. Các tổn thương do chính tác nhân gây bệnh gây ra, kể cả quá trình miễn dịch phản ứng viêm, cũng sẽ gây tổn thương mô. Chức năng sinh sản về lâu dài có thể bị ảnh hưởng sau biến cố viêm buồng trứng.
1. Nguyên nhân viêm buồng trứng
Viêm buồng trứng là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý phụ khoa, do các tác nhân là vi khuẩn gây nên. Trong đó, các chủng vi sinh vật gây ra bệnh lây truyền qua đường sinh dục đóng vai trò khá quan trọng, bao gồm cả giang mai và lậu cầu gây ra.
Ngay cả viêm bàng quang nói riêng, viêm nhiễm trên hệ niệu nói chung cũng có thể xảy ra viêm phần phụ sau khi vi khuẩn tìm đường qua cơ quan sinh sản thâm nhập vào âm đạo, cổ tử cung đến phần phụ. Bên cạnh đó, viêm vòi và viêm buồng trứng còn là hệ quả sau khi đặt vòng tránh thai (dụng cụ tử cung) hay sau các can thiệp trong khi sinh hoặc sau khi sảy thai.
2. Triệu chứng của viêm buồng trứng như thế nào?
Các triệu chứng của viêm buồng trứng, viêm nang buồng trứng đôi khi khó có thể phát hiện ra hoặc là các biểu hiện mơ hồ, không đặc trưng nên người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Trong đó, các triệu chứng liệt kê như sau khá nổi bật và đôi khi còn là dấu hiệu báo động của những trường hợp khẩn cấp:
- Đau vùng bụng dưới và đau vùng chậu
- Cơn đau xuất hiện đột ngột hay đau âm ỉ kéo dài
- Chảy máu kinh nguyệt nặng
- Xuất huyết bất thường giữa chu kỳ kinh
- Đau đớn hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục
- Dịch tiết âm đạo nặng mùi, có màu xanh, vàng đục
- Cảm giác đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
3. Cách chẩn đoán và điều trị viêm buồng trứng như thế nào?
Viêm buồng trứng hay viêm vùng chậu nói chung có thể được phát hiện khi người bệnh đi khám vì các dấu hiệu kể trên. Trong trường hợp không được phát hiện trước đó, bệnh viêm buồng trứng có thể gây sốt, gai rét và nôn mửa như một trình trạng nhiễm trùng nói chung cho người bệnh. Đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để xác định nhiễm trùng cũng như tìm ra nguồn gốc ổ nhiễm.
- Siêu âm vùng chậu: Đây là một công cụ hình ảnh học được sử dụng để xem các cơ quan nội tạng của bạn. Thông qua đó, bác sĩ cũng sẽ đánh giá kích thước buồng trứng, kiểm tra có u nang hay không hoặc các khối áp xe phần phụ.
- Nội soi: Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm tắc nghẽn ống dẫn trứng kèm theo, đây mà một phương tiện xâm lấn để xem cấu trúc thông suốt bên trong ống dẫn trứng của bạn một cách chuẩn xác.
- Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu không được dùng để chẩn đoán nguồn gốc nhiễm trùng là tại buồng trứng hay không mà có thể có nhiễm trùng đi kèm tại một nơi khác.
Về điều trị, cơ bản điều trị viêm buồng trứng chủ yếu là sử dụng kháng sinh. Đối với viêm buồng trứng gây ra bởi các tác nhân nhiễm trùng lây qua đường tình dục, chỉ định kháng sinh càng thận trọng để tăng tính hiệu quả, chuyên biệt và giảm nguy cơ bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, phẫu thuật cũng có thể được tiến hành khi viêm buồng trứng có biến chứng như để dẫn lưu áp xe, tắc nghẽn hoặc điều trị bóc tách dây dính vùng chậu.
4. Viêm buồng trứng có thai được không?
Khi vi khuẩn tấn công vào ống dẫn trứng, buồng trứng, nếu không được điều trị hay điều trị không hiệu quả, tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên chức năng của hệ thống sinh sản, nhất là có nguy cơ gây vô sinh.
Cụ thể, khi một ống dẫn trứng bị tổn thương, người phụ nữ sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Khi buồng trứng viêm, mức độ lành sẹo trên buồng trứng có thể gây dải dính, xơ cứng, làm mất chức năng nuôi dưỡng, trưởng thành trứng và không thể phóng thích trứng một cách khỏe mạnh vào loa vòi, sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh. Nếu phẫu thuật bóc tách dải dính không hiệu quả, các bác sĩ thường khuyên dùng các phương pháp thụ thai nhân tạo cho các cặp vợ chồng muốn làm cha mẹ, chẳng hạn như thụ tinh ống nghiệm hoặc sự giúp đỡ của người hiến trứng để thụ thai.
Hơn thế nữa, viêm vùng chậu bao gồm viêm buồng trứng và viêm tử cung, làm cho việc mang thai khó khăn hơn, có thể gây vô sinh vĩnh viễn. Viêm vùng chậu có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung lên gấp nhiều lần. Mang thai ngoài tử cung gây nguy cơ chảy máu đe dọa tính mạng thai phụ, vậy nên cần cần chẩn đoán sớm để xử trí kịp thời bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa. Tuy nhiên, bất cứ can thiệp nào trên ống dẫn trứng, kể cả lấy khối thai bảo tồn vòi trứng, cũng sẽ khiến cho nguy cơ thai ngoài tái phát tiếp tục gia tăng thêm.
Tóm lại, nguy cơ gặp khó khăn trong hành trình mang thai tự nhiên, bao gồm cả khả năng gây vô sinh, sau viêm buồng trứng hay viêm vùng chậu nói chung là khó tránh khỏi. Theo đó, quá trình phòng bệnh luôn đóng vai trò quan trọng nhất, trong vệ sinh sinh dục cũng như các hoạt động tình dục an toàn. Chỉ khi buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung bảo toàn được cấu trúc và chức năng, người phụ nữ sẽ hoàn toàn tự tin chào đón một thai kỳ tự nhiên khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.