Vị trí và tác dụng huyệt Phong Thị

Huyệt Phong Thị nằm ở phía ngoài trên đùi, là nơi phong khí hội tụ. Với đặc điểm đó, huyệt vị này có tác dụng đáng kể trong điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp, liệt người,...

1. Huyệt Phong Thị là gì?

Phong Thị là huyệt vị thứ 31 thuộc Đởm kinh. Theo Trung Y Cương Mục, đây được xem là nơi quan trọng nhất để khử phong ở hạ chi, do đó mà có tên là Phong Thị. Huyệt có biểu hiện chủ yếu là mất cảm giác do phong, tê bại yếu, liệt nửa người, đau chân...

Trong Đông y, Huyệt Phong Thị xuất xứ từ Trữu Hậu Phương, còn được gọi bằng tên khác là Thùy Thủ.

2. Vị trí huyệt Phong Thị

Huyệt Phong Thị được xác định nằm ở mặt ngoài đùi, vị trí ở phần đường rãnh 2 gân mặt ngoài đùi trước và đùi sau. Để xác định vị trí huyệt phong thị, người bệnh duỗi thẳng 2 tay, sau đó lấy ngón tay giữa áp vào phần cơ căng cân đùi, cách đầu khớp gối 7 tấc. Khi ngón tay giữa chạm đến vị trí lõm thì chính là huyệt Phong Thị.

Bên dưới huyệt vị có đặc điểm giải phẫu như sau:

  • Dưới da là cấu trúc của bờ sau cân đùi và cơ rộng ngoài , bờ trước cơ hai đầu đùi, cơ rộng giữa, xương đùi.
  • Nhánh dây thần kinh mông trên, các nhánh dây thần kinh đùi và nhánh dây thần kinh hông chi phối vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh L2 chi phối da vùng huyệt này.

Huyệt Phong Thị được xác định nằm ở mặt ngoài đùi, vị trí ở phần đường rãnh 2 gân mặt ngoài đùi trước và đùi sau
Huyệt Phong Thị được xác định nằm ở mặt ngoài đùi, vị trí ở phần đường rãnh 2 gân mặt ngoài đùi trước và đùi sau

3. Tác dụng của huyệt Phong Thị

Trong Đông y, huyệt Phong Thị có tác dụng hỗ trợ làm lành tổn thương ở gân cốt, khu phong tán hàn thấp và điều hòa khí huyết. Nhờ những công dụng này, các thầy thuốc Y Học Cổ Truyền thường dùng huyệt Phong Thị để trị các bệnh như đau thần kinh tọa, liệt chi dưới hoặc đau nhức lưng – chân .

Ngoài ra, không chỉ tác dụng tại vị trí nơi tác động mà huyệt Phong Thị còn có tác dụng đến các vùng cơ thể khác như sau:

  • Đối với toàn thân, có tác dụng giảm cảm giác ngứa ngáy trên khắp cơ thể.
  • Đối với tại chỗ và theo kinh, nó giúp trị trúng gió, yếu và đau nhức chân, liệt chân hay liệt nửa người.
  • Đối với vùng mặt, có khả năng giúp tinh thần tỉnh táo, giảm chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, hạ huyết áp.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng các phương pháp dân gian khác như cạo gió hoặc hơ ngải cứu để tác động lên huyệt Phong Thị với mục đích trị bệnh. Tuy nhiên, để có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả, người bệnh cần có sự tư vấn của thầy thuốc.

4. Cách phối huyệt Phong Thị

Trong y học phương Đông, tất cả các huyệt vị trên cơ thể con người đều có tác dụng nhất định đối với sức khỏe và tương thông với nhau. Do đó, khi tác động đồng thời lên một nhóm huyệt đạo sẽ giúp tăng khả năng điều trị bệnh.

Dưới đây là một số cách phối huyệt Phong Thị với các huyệt vị khác trị bệnh:

  • Theo Ngọc Long Ca, kết hợp huyệt Phong Thị, Hành Gian, Ủy Trung giúp trị chứng đau lưng và khó xoay người.
  • Theo Châm Cứu Tụ Anh, kết hợp huyệt Phong Thị và Âm Giao để chữa tình trạng chân và đùi không có sức lực.
  • Theo Châm Cứu Đại Hành, phối huyệt Phong Thị và Hoàn Khiêu giúp chữa các bệnh ở phần trên đầu gối.
  • Theo Châm Cứu Đại Hành, phối Phong Thị, Dương Lăng Tuyền, Ngoại Quan, Khúc Trì, Thủ Tam Lý và Tam Âm Giao chữa trúng gió khiến tay chân đau nhức, ê mỏi.
  • Theo Vệ Sinh Bảo Giám, phối huyệt Phong Thị, Kiên Ngung, Khúc Trì, Bá Hội, Phát Tế, Túc Tam Lý, Phong Thị và Tuyệt Cốt chữa đau nhức chân tay.
  • Theo Thần Cứu Kinh Luân, phối huyệt Phong Thị, Côn Lôn, Quan Nguyên, Đơn Điền, Hợp Cốc và Thủ Tam Lý chữa rối loạn tâm thần, tay chân tê bì, hoặc trúng gió.

Huyệt Phong Thị có tác dụng hỗ trợ chữa đau thần kinh tọa
Huyệt Phong Thị có tác dụng hỗ trợ chữa đau thần kinh tọa

5. Cách châm cứu, bấm huyệt Phong Thị trị bệnh

Hiện nay, thầy thuốc Đông y thường áp dụng hai phương pháp phổ biến là châm cứu và bấm huyệt để tác động lên huyệt Phong Thị. Trong đó:

  • Bấm huyệt: Là phương pháp tác động vào huyệt vị khá đơn giản và dễ làm, do đó nếu như xác định được vị trí Phong Thị thì người bệnh có thể day ấn huyệt tại nhà.
  • Châm cứu: Đòi hỏi người bệnh phải hiểu rõ về huyệt đạo cũng như cách thi châm, vì vậy để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn, người bệnh nên đến các cơ sở Y Học Cổ Truyền để điều trị bằng cách này.

Dù bằng bất kỳ hình thức nào, khi tác động lên huyệt Phong Thị đúng cách và phù hợp sẽ giúp điều trị một số bệnh lý nguy hiểm.

Để bấm huyệt Phong Thị trị bệnh, có thể thực hiện theo các bước:

  • Người bệnh ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái nhất và tập trung hoàn toàn tinh thần vào việc bấm huyệt.
  • Sau đó, dùng tay để xác định vị trí của huyệt Phong Thị như cách đã trình bày.
  • Khi đã tìm được đúng huyệt, bấm vào huyệt và day nhẹ theo chiều kim đồng hồ.
  • Cần lặp đi lặp lại động tác này trong vòng 3-5 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Đối với phương châm cứu, tại vị trí huyệt vị, thi châm với mũi kim đâm xuống sâu khoảng 1-1,5 thốn. Sau đó tiếp tục thực hiện cứu trong vòng 3-5 phút và chuyển sang ôn cứu từ 5-10 phút.

Có thể khẳng định rằng, huyệt Phong Thị có tác động tốt lên sức khỏe nhất là trong đau thần kinh tọa, liệt chi dưới hoặc đau nhức lưng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe