Vị trí và tác dụng huyệt Á Môn

Huyệt Á Môn đằng sau gáy đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể, nếu được tác động đúng cách và hợp lý, một số tình bệnh sẽ được cải thiện đáng kể. Hiện nay có 2 phương thức tác động vào huyệt Á Môn mang lại hiệu quả trị bệnh cao là bấm huyệt và châm cứu.

1. Vị trí huyệt Á Môn

Huyệt Á Môn (Yă Mén) còn có tên gọi khác là Ám Môn, Thiệt Hoành, Hoành Thiệt, Thiệt Yếm, Yếm Thiệt, Thiệt Thủng, Thiệt Căn. Đây là huyệt thứ 15 của Mạch Đốc. Người xưa cho rằng người bị câm khi châm huyệt này sẽ nói được nên được coi là cánh cửa (“Môn”) để trị chứng câm (“Á”).

Để xác định vị trí huyệt Á Môn, người bệnh ngồi thẳng, đầu hơi cúi xuống. Huyệt nằm ở điểm chính giữa cổ và chân tóc sau gáy. Từ chân tóc vào khoảng 0,5 thốn, ở giữa đốt 1 và 2 chính là huyệt Á Môn.

Việc xác định chính xác vị trí huyệt Á Môn rất quan trọng, bởi nếu tìm sai sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị. Do vậy nếu không tìm được vị trí huyệt người bệnh không nên tự ý thực hiện bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào với huyệt đạo này.


Huyệt Á Môn đằng sau gáy đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể
Huyệt Á Môn đằng sau gáy đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể

2. Huyệt Á Môn tác dụng gì?

Theo kinh nghiệm từ xưa truyền lại, các thầy thuốc thường sử dụng Á Môn huyệt để chủ trị một số bệnh lý sau đây:

  • Bệnh câm điếc: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh câm điếc (bao gồm cả yếu tố bẩm sinh). Theo Y Học phương Đông, huyệt Á Môn chuyên chủ trị chữa bệnh câm điếc, chữa lưỡi mềm, teo, nhẽo không nói được... Nếu được ứng dụng điều trị đúng cách, phù hợp với tình trạng của người bệnh, hiệu quả điều trị câm điếc của huyệt sẽ phát huy rõ rệt;
  • Đột ngột mất tiếng: Trong những trường hợp mất tiếng đột ngột do khàn tiếng, cổ họng gặp vấn đề trong việc điều tiết enzyme, huyệt Á Môn có thể giúp cải thiện tình trạng này;
  • Chảy máu cam: Đây là tình trạng phổ biến thường gặp ở trẻ em khi thời tiết thay đổi thất thường. Mức độ bệnh còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, trường hợp nặng có thể gây ra ngất xỉu, chóng mặt, đau đầu... Phương pháp day ấn Á Môn huyệt sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh;
  • Đau cột sống: Thói quen vận động mạnh, chấn thương, thoát vị đĩa đệm, ngồi một chỗ quá lâu... đều có thể gây tổn thương cột sống. Nếu thực hiện day bấm huyệt Á Môn thường xuyên và đúng cách sẽ hỗ trợ tốt quá trình phục hồi chứng đau cột sống;
  • Đau vai gáy: Tình trạng đau cổ vai gáy nếu không được chữa trị kịp thời để lâu sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng bệnh và cải thiện hoạt động sinh hoạt hằng ngày, day bấm vị trí huyệt Á Môn là biện pháp được nhiều người áp dụng.

3. Cách tác động huyệt Á Môn

3.1. Bấm huyệt Á Môn trị bệnh

Thông thường, thầy thuốc sẽ áp dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt Á Môn. Trong kỹ thuật này, người bấm sẽ sử dụng lực của các ngón tay để tác động vào huyệt vị và các khu vực xung quanh. Đối với các bệnh nhân sợ kim châm, tác động vào bên trong da thì phương pháp xoa bóp, day bấm sẽ phù hợp hơn.


Bấm huyệt Á Môn trị nhiều bệnh lý hiệu quả
Bấm huyệt Á Môn trị nhiều bệnh lý hiệu quả

3.2. Châm cứu huyệt Á Môn

Phương pháp châm cứu sẽ sử dụng kim châm chuyên dụng châm vào da để tác động trực tiếp vào huyệt vị. Thủ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ thuật cao và nhiều kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả trị bệnh và tránh những nguy cơ không đáng có.

Theo tác châm cứu huyệt Á Môn thường được thực hiện lần lượt như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ châm cứu chuyên dụng, sau đó xác định vị trí huyệt Á Môn;
  • Bước 2: Châm kim thẳng, sâu khoảng 0,3-2 thốn. Giữ mũi kim hướng đến phía yết hầu của người bệnh, ngang với trái tai.

Tùy bệnh tình và thể trạng của bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ chỉ định thời gian cứu và lộ trình châm cứu phù hợp. Ví dụ: người lớn mà gầy có thể châm sâu chừng 1 thốn, người béo châm sâu gần 2 thốn.

*Lưu ý: Không được châm sâu hoặc chếch lên trên vì phía trước vì đấy là vị trí Hành tủy. Châm chạm vào Hành tủy rất nguy hiểm vì có thể gây ngừng hô hấp hoặc ngừng tim ngay tức khắc.

4. Phối hợp với các huyệt đạo khác để trị bệnh

Để tăng hiệu quả điều trị bệnh, thầy thuốc có thể phối hợp các huyệt đạo liên quan với huyệt Á Môn:

  • Điều trị nặng đầu, đau nhức đầu: Kết hợp với huyệt Thông Thiên và huyệt Phụ Dương;
  • Điều trị cứng lưỡi: Kết hợp với huyệt Quan Xung;
  • Điều trị đau nhức lưng: Kết hợp với huyệt Phong Phủ;
  • Điều trị chứng câm điếc: Kết hợp với huyệt Hợp Cốc, Ế Phong, Nhĩ Môn, Liêm Tuyền, Thính Hội và Thính Cung;
  • Điều trị động kinh: Kết hợp với huyệt Nhân Trung và huyệt Hậu Khê;
  • Điều trị câm do trúng gió: Kết hợp với huyệt Dũng Tuyền;
  • Điều trị do rối loạn não bộ: Kết hợp với huyệt Nhân Trung, Hưng Phấn và huyệt Túc Tam Lý;
  • Điều trị uốn ván: Kết hợp với huyệt Đại Chùy, Cân Súc, Nhân Trung, Hậu Khê, Yêu Dương Quan và Thân Mạch;
  • Điều trị động kinh: Kết hợp với huyệt Nhân Trung, Phong Long và Hậu Khê;
  • Điều trị não kém phát triển: Kết hợp với huyệt Ế Minh, Đại Chùy, Túc Tam Lý và Tích Tam Huyệt;
  • Điều trị cứng lưỡi: Kết hợp với huyệt Thiếu Thương và Ngư Tế;
  • Điều trị chảy máu cam: Kết hợp với huyệt Hợp Cốc, huyệt Chiếu Hải, Phong Phủ, Nội Đình, Thượng Tinh và Túc Tam Lý.

Việc phối hợp các huyệt vị này chỉ nên áp dụng khi người thực hiện đã có kiến thức dày dặn về hệ thống huyệt đạo và nắm rõ các sơ đồ các huyệt trên cơ thể. Người bệnh không nên tự ý phối hợp các huyệt không có căn cứ rõ ràng để điều trị bệnh. Châm sai vị trí huyệt hoặc sai cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Huyệt Á Môn là huyệt đạo quan trọng giúp điều trị một số tình trạng bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên người bệnh nên cẩn trọng trước khi trực tiếp tác động vào vị trí huyệt này. Lời khuyên là nên tìm đến các cơ sở thăm khám, trị bệnh ứng dụng Y Học Cổ Truyền để được các thầy thuốc có kiến thức chuyên môn cao hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe