Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nhau thai là một bộ phận quan trọng góp phần vào việc nuôi dưỡng bào thai, giúp cho máu và chất dinh dưỡng từ mẹ được truyền qua thai nhi. Tuy nhiên, đối với mỗi người thì vị trí bánh nhau lại khác nhau và có những vị trí đặc biệt mà các mẹ bầu cần phải lưu ý.
1. Bánh nhau nằm ở đâu?
Thông thường, vị trí bánh nhau sẽ nằm tại các điểm sau đây:
- Bánh nhau nằm ở sau lòng tử cung
- Bánh nhau nằm trước lòng tử cung
- Vị trí bánh nhau ở phía bên lòng tử cung
- Nhau thai bám ở đáy tử cung
- Bánh nhau nằm thấp ở dưới cùng của tử cung hoặc ngay trên cổ tử cung
Vị trí bánh nhau có thể khác nhau đối với mỗi mẹ bầu. Khi đi siêu âm thai kỳ, bác sĩ sẽ giúp bạn biết được nhau có ở vị trí an toàn hay đang gặp phải vấn đề gì hay không.
2. Một số vị trí bánh nhau đặc biệt
Có một số trường hợp bánh nhau nằm tại vị trí đặc biệt có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ. Vậy bánh nhau nằm ở đâu thì cần phải lưu ý?
2.1 Bánh nhau thai bám thấp
Vị trí: Bánh thai nằm phía dưới tử cung.
Nguyên nhân: Do người mẹ có tử cung dị dạng hoặc đã từng nạo hút thai.
Nguy cơ:
- Vị trí bánh nhau thấp cản trở đường đi của thai khi mẹ chuyển dạ.
- Khiến thai phụ mất máu, thậm chí có thể gây tử vong.
- Tăng nguy cơ sảy thai hay sinh non.
- Những trường này cần được mổ đẻ hoặc nhập viện sớm để được theo dõi.
2.2 Nhau thai tiền đạo
Vị trí: Bánh nhau tiền đạo có vị trí nằm ngay cổ tử cung, chắn trước lối ra của thai nhi. Tỷ lệ mắc nhau tiền đạo chiếm khoảng 3,5-4,6/1000 ca sinh sống.
Nguyên nhân: Hiện y học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân mắc nhau tiền đạo. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng này như người có có tiền sử bị nhau tiền đạo; tử cung có sẹo mổ, đặc biệt là các ca mổ lấy thai; người có đa thai, đa sản; người từng nạo hút thai; thai phụ hút thuốc lá...
Nguy cơ:
- Gây chảy máu trong ở ba tháng cuối thai kỳ, khi chuyển dạ và sau sinh.
- Gây nên tình trạng đẻ khó, khả năng điều chỉnh ngôi thai không tốt, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Gây xuất huyết âm đạo, choáng mất máu, rối loạn đông máu ở người mẹ.
- Có thể bị suy thai do thiếu máu, sinh non.
- Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo tương đối cao, lên tới 30 – 40%.
2.3 Vị trí bánh nhau cài răng lược
Vị trí: Bánh nhau ăn sâu vào tử cung không thể bong tróc sau khi sinh.
Nguyên nhân: Nguyên nhân của nhau cài răng lược chưa được xác định rõ, tuy nhiên nó có thể liên quan đến bánh nhau tiền đạo hoặc do mổ đẻ trước đó. Tình trạng thường xuất hiện ở 5 – 10% phụ nữ có nhau tiền đạo. Bên cạnh đó, phụ nữ đã sinh mổ ở lần 1 thì có nguy cơ bị rau cài răng lược trong lần mang thai kế tiếp tăng 4,5 lần so với những người sinh thường.
Nguy cơ:
- Tỷ lệ người bị nhau cài răng lược là 1/2500, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
- Tăng nguy cơ sinh non, chuyển dạ sớm và nguy cơ biến chứng.
- Xuất huyết nhiều khi tách nhau thai, có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ.
- Tử cung và một số cơ quan khác của người mẹ có thể bị tổn thương trong quá trình bóc nhau.
3. Siêu âm bánh nhau
Vị trí của bánh nhau có thể thay đổi trong suốt quá trình mang thai. Vì vậy, thai phụ cần siêu âm bánh nhau định kỳ để biết được tình trạng nhau thai.
Siêu âm thường được thường được tiến hành trong khoảng tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ. Một số trường hợp, siêu âm bánh nhau được kiểm tra gần hơn với ngày dự sinh để đảm bảo rằng nhau thai không chặn cổ tử cung.
Bác sĩ sẽ kiểm tra một cách kỹ lưỡng hơn nếu thai phụ có một số yếu tố nguy cơ như:
- Từng phẫu thuật tử cung, nạo thai hoặc sinh mổ.
- Phụ nữ trên 30 tuổi.
- Người mang song thai hay đa thai.
- Người hút thuốc lá.
- Cấy trứng đã thụ tinh vào vị trí phía dưới thấp của tử cung người mẹ.
Siêu âm là cách để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé cũng như vị trí bánh nhau. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, thai phụ cần phải tuân thủ tuyệt đối hưỡng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.