Vị thuốc quý xa tiền tử (cây mã đề)

Xa tiền tử dược liệu là hạt cây mã đề chín già và phơi khô. Theo Y học cổ truyền, xa tiền tử là vị thuốc có vị ngọt, tính hàn; vào can, thận và bàng quang có tác dụng lợi niệu thẩm thấp mát gan và sáng mắt.

1. Đặc điểm chung xa tiền tử dược liệu

  • Xa tiền tử là hạt chín già của cây Mã Đề - thuộc họ Mã đề Xa tiền tử có tên khoa học là Plantaginaceae.
  • Cây mã đề thuộc loại cây cỏ sống lâu năm.
  • Thân cây mã đề khá ngắn, lá mọc thành cụm ở gốc, cuống dài.
  • Phiến lá dạng hình thìa hay hình trứng, gân dọc theo sống lá và tập trung ở phần ngọn và gốc lá.
  • Hoa mã đề là hoa lưỡng tính, mọc thành bông, có cán dài, xuất phát từ các kẽ lá, tràng hoa màu nâu tồn tại, gồm 4 thùy xếp xen kẽ giữa các lá đài.
  • Nhị hoa gồm 4 chỉ nhị mảnh, dài với 2 lá noãn gồm nhiều tiểu noãn.
  • Quả mã đề chứa nhiều hạt màu nâu đen.
  • Cây mã đề mọc dại trên khắp cả nước.
  • Thu hái, chế biến vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm
  • Cách sơ chế: quả chín thì hái toàn cây đưa về phơi hay sấy khô, làm sạch, loại bỏ tạp chất. Để thu được xa tiền tử thì đập rũ lấy hạt, rây qua rây rồi phơi khô.
  • Xa tiền tử là hạt hình bầu dục, hơi dẹt, dài khoảng 1 mm. Mặt ngoài màu nâu đen, trên bề mặt có chấm nhỏ màu trắng khá rõ.

2. Xa tiền tử có tác dụng gì?

Tính vị: Có vị ngọt và tính hàn.

Quy kinh: Can, tiểu tràng và thận.

Tác dụng dược lý:

  • Tăng cường bài tiết nước tiểu, tăng bài tiết lượng acid uric và lượng muối NaCl.
  • Ức chế trung tâm hô hấp, xúc tiến sự phân tiết ở niêm mạc đường hô hấp (cho nên có thể dùng với tác dụng giảm ho và long đờm).
  • Điều hòa huyết áp.
  • Tác dụng kháng khuẩn: ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ.
  • Thanh nhiệt, lợi thấp, điều trị viêm thận cấp tính, viêm đường niệu đạo, viêm bàng quang cấp, sỏi niệu đạo.
  • Thanh thấp hóa đờm, thanh can sáng mắt, thanh thấp nhiệt tỳ vị, ích thận cố tinh.

Chủ trị, phối hợp:

  • Trị chứng thấp nhiệt, tiểu đau buốt, đái dắt, nước tiểu đỏ đục, lượng ít. Khi bị tiểu ra máu, có thể dùng dược liệu xa tiền tử để tán bột, mỗi lần 8g.
  • Trị tiêu chảy và viêm đường tiêu hoá, trị bệnh lỵ.
  • Trị phế nhiệt, ho có đờm. Phối hợp với mạch môn.
  • Trị mắt đỏ, sưng đau, hoa mắt. Phối hợp hạ khô thảo.
  • Trị hiếm muộn
  • Trị ho ra máu, hạ huyết áp.

Cây xa tiền tử có tác dụng trong điều trị một số bệnh lý
Cây xa tiền tử có tác dụng trong điều trị một số bệnh lý

3. Vị thuốc xa tiền tử trong các bài thuốc

3.1. Bài thuốc điều trị bệnh tiêu chảy trẻ em:

Chuẩn bị: xa tiền tử 30g.

Cách thực hiện bọc xa tiền tử trong túi vải, đổ nước 300ml sắc còn 100ml thêm đường trắng thì dùng. Mỗi ngày 1 thang thuốc sắc.

3.2. Bài thuốc điều trị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa

Bài thuốc 1: Xa tiền tử sao khét, tán bột.

Trẻ dưới 1 tuổi dùng với liều lượng 0,5g, trẻ 1 – 2 tuổi liều dùng 1g; trẻ 3 – 5 tuổi liều dùng 2g. Uống với nước đun hoặc nước đun pha đường trắng trong ngày. Ngày 3 lần, uống liên tục trong thời gian 5 ngày.

Bài thuốc 2: Xa tiền tử sao vàng 50g, gừng tươi thái sợi 30g, đổ nước khoảng 1 lít. Đun nhỏ lửa đên khi còn 250ml, bỏ bã, lấy nước thêm đường đỏ.

Liều dùng: trẻ 1 – 2 tuổi mỗi lần uống 5ml, 3 – 5 tuổi mỗi lần uống 15ml, ngày uống ấm 3 lần.

3.3. Điều trị kiết lỵ lâu ngày

Chuẩn bị: Xa tiền tử 30g

Thực hiện: đổ nước 250ml, đun nhỏ lửa đến khi còn 100ml và thêm khoảng 20g đường đỏ. Thuốc uống luôn trong ngày.

3.4. Điều trị bí tiểu

Chuẩn bị: Xa tiền tử 10g, cam thảo 2g.

Thực hiện: đổ nước 600ml, sắc và đun nhỏ lửa trong nửa giờ, chia uống 2 lần trong ngày.

3.4. Điều trị tiêu chảy mùa nắng

Chuẩn bị: Xa tiền tử 25g, đậu xanh 100g;

Thực hiện: Cho bài thuốc và sắc uống, chia uống 2 lần trong ngày. Món ăn từ xa tiền tử.

3.5. Điều trị viêm tử cung, huyết trắng

Cháo phục linh xa tiền: xa tiền tử, bột phục linh, mỗi vị 30g; gạo tẻ khoảng 60 đến 100g; đường trắng vừa ăn.

Thực hiện: xa tiền tử dược liệu gói trong vải xô, nấu cùng gạo thành cháo. Khi cháo chín, vớt bỏ phần bã xa tiền tử, cho bột phục linh và ít đường vào, khuấy cho tan và đun sôi đều. Ăn ngày 2 lần. Thích hợp trong điều trị cho phụ nữ bị viêm tử cung, huyết trắng.


Tác dụng của xa tiền tử được ứng dụng trong Y học cổ truyền
Tác dụng của xa tiền tử được ứng dụng trong Y học cổ truyền

4. Lưu ý trước khi sử dụng xa tiền tử dược liệu

  • Xa tiền tử dược liệu không nên sử dụng với phụ nữ có thai do có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Không dùng xa tiền tử dược liệu cho người tỳ vị hư hàn, di tinh hoạt tinh hoặc người tỳ hư hạ hãm, âm thịnh dương suy.
  • Trước khi dùng cần xem xét tình trạng xa tiền tử dược liệu. Khi dược liệu có dấu hiệu hư hại, ẩm mốc và có mùi lạ cần tiêu huỷ, không sử dụng.
  • Trước khi sử dụng các bài thuốc có vị thuốc xa tiền tử, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ đông y hoặc thăm khám tại các bệnh viện có khoa Y học cổ truyền. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe