Vì sao virus có thể phát tán, lây từ người sang người?

Nhiều loại virus có thể phát tán ngoài môi trường và lây nhiễm từ người sang người với tốc độ khác nhau tùy từng loại virus (tuy nhiên tốc độ lây lan thường rất nhanh, và khả năng cao tạo thành dịch). Vậy vì sao virus lại có thể phát tán và lây từ người sang người như vậy?

1. Virus là gì?

Virus là vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ (trong khoảng 17 nm tới 300 nm) với cấu tạo đơn giản (không có cấu tạo tế bào). Vì virus không có các thành phần cơ bản của một tế bào (như hệ thống enzyme hô hấp, enzyme chuyển hóa,...) nên virus bắt buộc phải kí sinh trong tế bào của vật chủ (tế bào cảm thụ), và virus cũng chỉ biểu hiện sự sống khi thực hiện các quá trình nhân lên ở tế bào cảm thụ qua các hoạt động như gây nhiễm cho tế bào hay duy trì sự tồn tại của chủng loại.

Cấu trúc của virus chỉ gồm 2 thành phần chính là lõi và vỏ. Lõi của virus chứa DNA hoặc RNA, là nơi mang toàn bộ thông tin di truyền đặc trưng của virus, quyết định khả năng lây nhiễm, khả năng nhân lên trong tế bào cảm thụ và chi phối hoạt động của tế bào khi virus thực hiện quá trình nhân lên. Vỏ capsid của virus bao bọc bên ngoài, có chức năng bảo vệ không cho virus bị phá hủy bởi các yếu tố khác nhau, đồng thời giúp virus bám vào các vị trí đặc hiệu trên tế bào cảm thụ, cũng như giữ cho hình thái, cấu trúc của virus được ổn định. Một số loại virus có thể có thêm những cấu trúc riêng khác.


Virus là loại vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ với cấu tạo đơn giản nên buộc phải kí sinh vào vật chủ để sống
Virus là loại vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ với cấu tạo đơn giản nên buộc phải kí sinh vào vật chủ để sống

2. Tại sao virus có thể phát tán và lây từ người sang người?

Nhiều loại virus có thể phát tán ra ngoài môi trường và tồn tại ở ngoại cảnh trong một thời gian nhất định. Thời gian tồn tại ở ngoại cảnh, điều kiện ngoại cảnh thích hợp để tồn tại cũng như con đường lây truyền và khả năng lây truyền phụ thuộc vào từng loại virus nhất định, chẳng hạn như:

  • Các loại virus gây cảm lạnh có thể tồn tại trên bề mặt vật thể ở điều kiện trong nhà lên tới hơn 7 ngày. Thông thường các loại virus gây cảm lạnh có thể tồn tại lâu hơn trên các bề mặt kháng nước (chẳng hạn như thép không gỉ, nhựa,...) so với các bề mặt có thể ngấm nước (chẳng hạn như bông, vải,...). Mặc dù có thể tồn tại trên bề mặt vật thể lên tới vài ngày nhưng kèm theo đó là sự suy giảm nhanh chóng khả năng lây truyền, và nhìn chung thì các loại virus gây cảm lạnh không sống sót được quá 24h. Đối với các loại virus gây cảm lạnh thì bàn tay là một trong những con đường lây truyền quan trọng nhất, và chúng chỉ có thể tồn tại trên bàn tay người một thời gian ngắn, từ vài phút cho tới vài giờ.
  • Virus cúm cũng có thể tồn tại trên các bề mặt ngoại cảnh cũng như lây truyền thông qua bàn tay con người và qua các giọt chứa virus trong không khí. Đối với các bề mặt rắn, virus cúm có thể tồn tại lên tới 24 giờ, còn trên bàn tay người virus cúm sống sót với thời gian ngắn hơn rất nhiều, chỉ sau 5 phút lượng virus cúm trên bàn tay còn lại rất thấp. Virus cúm có thể tồn tại trong các giọt trong không khí trong vài giờ, và dưới điều kiện nhiệt độ thấp thì khả năng sống sót của virus cúm sẽ tăng lên.
  • Virus bại liệt lây truyền chủ yếu qua con đường phân miệng. Người mắc bệnh bại liệt đào thải lượng virus rất lớn ra ngoài môi trường theo phân, làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm thực phẩm. Virus bại liệt sống rất dai ở môi trường ngoại cảnh, trong phân ở nhiệt độ 0 - 40C virus sống được vài tháng, ở trong môi trường nước nhiệt độ thường virus tồn tại được tới 2 tuần. Virus lây lan qua con đường phân miệng, gây bệnh cho con người qua đường tiêu hóa, và đôi khi lan truyền qua con đường hầu họng.
  • Virus dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) lây truyền từ người sang người qua con đường trung gian truyền bệnh là côn trùng, cụ thể là qua muỗi vằn Aedes aegypti. Muỗi vằn đốt người bị bệnh sốt xuất huyết, virus trong máu của bệnh nhân sẽ sinh trưởng trong cơ thể muỗi, sau đó khi muỗi đốt người không bị bệnh, virus sẽ lây truyền vào trong cơ thể người này.

Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người sang người qua con đường trung gian là muỗi vằn
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người sang người qua con đường trung gian là muỗi vằn

Thời gian từ khi bị nhiễm virus cho tới khi khởi phát bệnh là rất khác nhau và tùy thuộc vào từng loại virus, tùy thuộc vào cá thể người nhiễm virus. Một số người nhiễm virus nhưng hoàn toàn không biểu hiện bệnh (người lành mang virus), và là nguồn chứa virus quan trọng. Tương tự, thời gian từ khi virus lây nhiễm vào người cho đến khi virus có khả năng phát tán ra ngoài để tiếp tục lây nhiễm cho những người khác cũng rất khác nhau.

Đối với virus corona mới đang gây dịch hiện nay (COVID-19, tên trước đây là 2019-nCoV), con đường lây truyền chính thức được công bố là qua đường giọt bắn, các con đường lây truyền khác hiện chưa được xác nhận. Dưới đây là khuyến cáo của Bộ y tế về phòng ngừa dịch do COVID-19 gây ra:

  • Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.
  • Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.
  • Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế cáng sớm càng tốt.
  • Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín.
  • Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.
  • Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang.
  • Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng.
  • Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.

Bài viết tham khảo nguồn: NHS và webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe