Bệnh lý viêm niệu đạo nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không được chẩn đoán cũng như điều trị sớm nên gây ra tình trạng viêm niệu đạo tái phát và để lại một số biến chứng nguy hiểm.
1. Viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo là bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp, có thể xảy ra ở nam và nữ trong mọi độ tuổi. Bệnh có nguyên nhân từ một số loại vi khuẩn như Chlamydia, lậu cầu... Viêm niệu đạo thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nguyên nhân chủ yếu là do việc quan hệ tình dục không an toàn gây nên.
Viêm niệu đạo ở nữ giới thường có nguyên nhân từ lỗ niệu đạo nữ, bất thường túi thừa niệu đạo, hay thói quen vệ sinh bộ phận sinh dục từ sau ra trước đã làm cho vi khuẩn từ phân ở hậu môn đi đến lỗ tiểu và gây nên nhiễm khuẩn tiết niệu, vệ sinh không đúng phương pháp sau khi quan hệ tình dục, trong quá trình diễn ra kinh nguyệt thì bộ phận sinh dục của phụ nữ thường không được vệ sinh sạch sẽ nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, táo bón thường xuyên, giảm nội tiết tố, pH nước tiểu bị thay đổi...
Ở trẻ em cũng có thể bị viêm niệu đạo trong trường hợp có những bất thường, dị dạng về niệu đạo ngay từ lúc sinh ra, ví dụ như dị dạng van niệu đạo sau. Một số biểu hiện điển hình của viêm niệu đạo như tiểu buốt, tiểu rát, tiểu rắt, tiểu ra máu, nước tiểu có màu đục, có mùi hôi bất thường, nam giới có dịch bất thường ra ở niệu đạo, nữ giới thì đau vùng bụng dưới, toàn thân có triệu chứng sốt, rét run, cơ thể suy nhược, trường hợp nặng hơn thì viêm niệu đạo có thể có mủ và bị hoại tử.
Khi có những biểu hiện trên thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được làm thêm một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm 10 thông số nước tiểu, cấy nước tiểu xác định vi khuẩn, làm kháng sinh đồ... để chẩn đoán viêm niệu đạo hoặc chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác. Nếu có những triệu chứng lâm sàng kể trên kèm theo kết quả xét nghiệm cho thấy có nhiều số lượng tế bào bạch cầu trong nước tiểu lớn và Nitrit nước tiểu cao thì có thể nghĩ đến trường hợp một nhiễm khuẩn đường tiết niệu đã xảy ra trên bệnh nhân. Sau đó, những kỹ thuật như cấy nước tiểu định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ sẽ giúp các bác sĩ có thể lựa chọn được phác đồ, loại kháng sinh hợp lý cho bệnh nhân. Nếu những kỹ thuật này thực hiện không đúng thì việc tìm ra nguyên nhân gây viêm niệu đạo sẽ thất bại, dẫn đến phương pháp điều trị không hợp lý là một trong những lý do dẫn đến việc viêm niệu đạo tái phát. Vì vậy, bệnh nhân cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
2. Viêm niệu đạo tái phát
Viêm niệu đạo nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn ngược dòng dẫn đến bệnh lý viêm bàng quang, viêm thận bể thận... Đối với viêm niệu đạo ở nữ thì rất dễ bị tái phát, có thể do việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh không đúng dẫn đến phương pháp điều trị chưa thích hợp nên không đem lại hiệu quả điều trị, hoặc do bệnh nhân không tuân thủ theo đúng những lưu ý mà bác sĩ đã dặn dò trong quá trình điều trị dẫn đến viêm niệu đạo tái phát. Tình trạng này được giải thích là do trong cơ thể đã xảy ra những quá mẫn miễn dịch với viêm niệu đạo đợt trước khiến cho phản ứng viêm vẫn tiếp tục diễn ra gây nên viêm niệu đạo tái phát.
Để khắc phục tình trạng viêm niệu đạo tái phát đặc biệt là với những viêm niệu đạo tái phát hơn 2 lần/6 tháng thì sẽ được điều trị bằng kháng sinh dự phòng với liều thấp theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc kháng sinh này có thể kéo dài trong nhiều tháng, hoặc ngắt quãng dùng thuốc 1 tuần, nghỉ 1 tuần và tiếp tục liệu trình như vậy, thuốc thường được uống sau khi quan hệ tình dục hoặc trước lúc đi ngủ. Một số thuốc được sử dụng đối với viêm niệu đạo tái phát là Azithromycin, Erythromycin, Metronidazole...
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều sau:
- Uống nước nhiều, khoảng trên 2l/ngày.
- Đi tiểu thường xuyên, không được nhịn tiểu quá lâu vì nước tiểu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Không quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
- Không uống rượu trong thời gian điều trị.
- Không ăn thức ăn cay và nóng trong thời gian điều trị.
Viêm niệu đạo tái phát là tình trạng phổ biến đối với những bệnh nhân đã từng bị viêm niệu đạo, nhất là với viêm niệu đạo ở nữ. Để khắc phục tình trạng này thì các bác sĩ điều trị cần tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời bệnh nhân cũng cần kiên trì và thực hiện những chỉ định trong thời gian điều trị một cách nghiêm ngặt để mau chóng bình phục.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM