Vì sao trước khi nhổ răng khôn cần xét nghiệm máu? Những lưu ý khi nhổ răng khôn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trước bất cứ một ca phẫu thuật nào, kể cả phẫu thuật nhổ răng khôn, xét nghiệm máu là bước vô cùng cần thiết. Răng khôn sau khi nhổ nếu không được chăm sóc tốt rất dễ bị nhiễm trùng, sưng nhức. Vì vậy, cần có một vài lưu ý khi nhổ răng khôn để đảm bảo cho việc nhổ răng diễn ra an toàn nhất.

1. Răng khôn là gì?

Răng khôn là răng nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm, không có nhiều chức năng ăn nhai. Khi răng nhú mọc, thường gây đau nhức, khó chịu và có thể hình thành các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm đều được khuyến cáo nhổ bỏ.

2. Nhổ răng khôn có cần xét nghiệm máu?

Việc xét nghiệm các hằng số sinh lý về máu nhằm đảm bảo không có bất kỳ bất thường nào trong quá trình đông máu hay số lượng tế bào máu để đảm bảo giai đoạn lành thương sau phẫu thuật được diễn ra suôn sẻ.

Bệnh nhân cần được cung cấp thông tin để nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của việc xét nghiệm này, từ đó tránh những tình trạng chảy máu kéo dài, không lành thương sau phẫu thuật, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như viêm nhiễm kéo dài không dứt.


Xét nghiệm đông máu trước khi nhổ răng 8
Xét nghiệm đông máu trước khi nhổ răng 8

3. Quy trình nhổ răng khôn

3.1 Thăm khám

Cần thăm khám sớm khi có các triệu chứng đau nhức vùng nướu ở góc trong cùng của cung hàm để kịp thời phát hiện, theo dõi quá trình mọc răng khôn, từ đó có hướng xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Khám răng rất quan trọng, bởi chỉ sau khi hiểu rõ về vị trí mọc và sức khỏe toàn thân, Bác sĩ mới có thể quyết định có nên nhổ răng khôn hay không.

Do đó, nếu Bác sĩ yêu cầu nhổ răng nhưng chưa thăm khám, bạn nên từ chối và chọn một cơ sở nha khoa khác, uy tín hơn để được khám, tư vấn kỹ lưỡng.

Để xác định được vị trí và hướng mọc của răng khôn, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chụp X-quang răng. Sau khi có kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp giúp cho việc nhổ răng diễn ra an toàn tuyệt đối.

Sau khi chụp X-quang răng, cần thực hiện xét nghiệm máu nhằm kiểm tra độ đông máu có đạt điều kiện thực hiện tiểu phẫu không. Cuối cùng, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị các tổn thương hoặc viêm nhiễm nếu có.

Tuy nhiên, tiểu phẫu nhổ răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu xoang hàm, dây thần kinh... nên không thể thực hiện các phương pháp giải phẫu chuyên biệt. Do đó, với những người mắc các bệnh lý toàn thân như: tim mạch, tiểu đường, rối loạn máu đông...răng khôn sẽ được giữ lại. Vì vậy, để tránh những biến chứng hậu phẫu, hãy trao đổi rõ với Bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý.


Thăm khám răng trước khi nhổ răng khôn
Thăm khám răng trước khi nhổ răng khôn

3.2 Nhổ răng

Đến ngày nhổ răng khôn, Bác sĩ sẽ thăm khám một lần nữa để đảm bảo sức khỏe của cơ thể, răng miệng luôn tốt nhất, sẵn sàng thực hiện ca tiểu phẫu.

Các bước nhổ răng khôn

Bước 1: Gây tê

Nhổ răng khôn chỉ là tiểu phẫu nên chưa cần đến phương thức gây mê nên chỉ tiến hành gây tê cục bộ để hạn chế đau nhức. Sau 1 – 1,5 tiếng, thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ có cảm giác hơi đau nhức ở vị trí nhổ răng.

Bước 2: Nhổ răng

Cần rạch nướu để lấy phần thân và chân răng khôn. Trường hợp răng khôn mọc lệch nhiều, phải dùng máy khoan nha khoa cắt răng thành nhiều phần để lấy răng ra dễ dàng hơn cũng như hạn chế tác động đến xương hàm và các răng kế cận.

Thời gian nhổ răng phụ thuộc vào vị trí và hướng mọc của răng. Trung bình mỗi răng thường chỉ mất khoảng 15 – 30 phút, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài đến vài tiếng.


Nhổ răng khôn mọc lệch
Nhổ răng khôn mọc lệch

4. Những lưu ý khi nhổ răng khôn

4.1 Trước khi nhổ răng

Có sức khỏe chung tốt như không có hoặc đã kiểm soát được các bệnh liên quan đến quá trình can thiệp; dùng thuốc nha khoa trước, trong và sau nhổ răng nếu mắc các bệnh như huyết áp cao, máu khó đông, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch,...

Thông tin chi tiết tiền sử bệnh mạn tính như bệnh viêm dạ dày, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, cơ xương khớp,... và các thuốc đang dùng như thuốc chống đông, kháng sinh, giảm đau, các thuốc có thể gây dị ứng,...

Giảm tối thiểu số lượng vi khuẩn trong khoang miệng như:

+ Không có tình trạng viêm nhiễm, đau do nhiễm khuẩn ở trong miệng và vùng răng dự định nhổ;

+ Các lỗ sâu răng nên được trám hết để loại bỏ các vùng chứa vi khuẩn tiềm tàng trong miệng

+ Lấy sạch cao răng và điều trị triệt để viêm lợi trước khi nhổ răng, nếu răng dự định nhổ còn bị đau (đặc biệt là răng số 8) thì nên điều trị loại bỏ nhiễm khuẩn trước cho đến khi hết đau, vì nếu còn viêm nhiễm quanh răng sẽ gây giảm hiệu quả của thuốc gây tê trong lúc nhổ răng.

+ Có đơn thuốc và uống kháng sinh nha khoa một hoặc hai ngày trước khi nhổ răng nhằm tăng tính kháng khuẩn cho toàn bộ cơ thể.


Người có bệnh lý tim mạch nên thông báo trước với bác sĩ
Người có bệnh lý tim mạch nên thông báo trước với bác sĩ

Chụp phim X-quang vùng răng cần nhổ để kiểm soát được hình thể, số lượng chân răng, tình trạng xương quanh ổ răng.

Thời gian nhổ răng: Nên nhổ răng vào đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều để có nhiều thời gian theo dõi và kiểm soát sự cầm máu sau nhổ răng.

Nên ăn no trước khi nhổ răng.

Phụ nữ không nên nhổ răng trong khi mang thai, cho con bú và có kinh nguyệt.

4.2 Sau khi nhổ răng

Những lưu ý chăm sóc sau khi nhổ răng khôn:

+ Cắn chặt miếng gạc trong 20 phút cho đến khi ngừng chảy máu, tuy nhiên, không nên ngậm gạc quá lâu vì gạc sẽ hút hết chất dịch huyết tương từ vết thương khiến lâu lành hơn;

+ Chườm đá ngoài má để giảm độ sưng ngay sau khi nhổ, chườm trong ngày đầu tiên sau khi nhổ răng và chỉ chườm đá trong trường hợp quá đau nhức, sưng đau;

+ Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ răng miệng sau 24-48 giờ nhổ răng. Súc miệng bằng nước súc miệng diệt khuẩn chuyên dụng;

+ Uống thuốc theo đơn của bác sĩ;

+ Ăn đồ mềm, dễ nuốt;

+ Không súc miệng mạnh, liên tục hoặc đánh răng trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật nhổ răng để tránh làm vỡ cục máu đông;

+ Chạm vào ổ nhổ bằng tay hoặc lưỡi vì nó có thể làm chảy máu thêm và nhiễm khuẩn vết thương;

+ Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng gây quá sức cho cơ thể;

+ Không uống rượu, bia, nước ngọt có gas, hút thuốc lá trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng;

+ Không dùng đá hoặc nước lạnh tiếp xúc trực tiếp lên khu vực vết nhổ răng;

+ Không ngậm nước muối, nước súc miệng và tránh khạc nhổ sau khi nhổ răng;

+ Không ăn kẹo cao su, bánh kẹo cứng, đồ ăn cay nóng hoặc quá lạnh;

+ Hạn chế tác động mạnh lên khoang miệng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán răng khôn mọc lệch

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe