Vì sao trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh viêm da tiết bã là một tình trạng da liễu khá phổ biến, xảy ra ở tất cả lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Bệnh biểu hiện là những mảng vảy kèm với nổi hồng ban ở các vị trí như: chân mày, sau tai, hai bên má, cổ hoặc vùng nách, bẹn... Các bậc phụ huynh rất dễ lầm tưởng là trẻ nổi sảy do nóng nhưng thực chất là bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh.

1. Viêm da tiết bã là bệnh gì?

Bệnh viêm da tiết bã là bệnh thường gặp, mạn tính, đặc trưng là các hồng ban tróc vảy nhờn, giới hạn tương đối rõ, tập trung chủ yếu ở các vùng da nhiều tuyến bã nhờn.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiết bã ở trẻ?

  • Tác nhân gây bệnh viêm da tiết bã chưa rõ. Một yếu tố góp phần gây bệnh này có thể là do các hormone được truyền từ mẹ sang con trước khi sinh. Những hormone này có thể làm tăng sản xuất dầu (bã nhờn) trong tuyến dầu và nang lông.
  • Một yếu tố khác có thể là do nấm men có tên malassezia phát triển trong bã nhờn cùng với vi khuẩn. Các thuốc chống nấm như ketoconazole thường có hiệu quả, điều này cho thấy nấm men là một yếu tố góp phần gây bệnh.
  • Viêm da tiết bã không lây nhiễm và không phải do vệ sinh kém.
  • Sự không dung nạp một số thức ăn nhất định (ví dụ như gluten, các sản phẩm từ sữa), dị ứng thông thường hoặc những thay đổi trong không khí có thể dẫn đến kích ứng và viêm da tiết bã.
  • Lịch sử gia đình bị dị ứng da, chẳng hạn như chàm, có thể làm tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã ở trẻ. Dạng bệnh viêm da nhũ nhi này có thể làm tăng khả năng phát triển các loại viêm da tiết bã nhờn khác (như gàu) khi lớn.

Trẻ bị viêm da tiết bã do di truyền từ bố mẹ
Trẻ bị viêm da tiết bã do di truyền từ bố mẹ

3. Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng của bệnh ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường thấy nhất là xuất hiện nhiều vảy nhờn, dính, tập trung ở đỉnh đầu, có thể tạo thành lớp dày, lan tỏa khắp da đầu tạo nên hình ảnh giống như chiếc mũ (dân gian còn gọi là bệnh “cứt trâu”). Vị trí thường gặp khác của bệnh là ở vùng tã lót, đỏ da, có vảy. Ngoài ra có thể gặp ở mặt, vùng nếp gấp (vùng sau tai, vùng nách, vùng bẹn). Một số ít trường hợp trẻ có thể bội nhiễm thêm nấm candida hay vi trùng.

Bệnh thường khởi phát sớm, ngay cả ở độ tuổi sơ sinh, lúc 2 - 10 tuần tuổi và thường thuyên giảm lúc 8 - 12 tháng tuổi. Tất cả nhóm tuổi của trẻ đều có thể gặp phải tình trạng này, ngay cả khi trẻ em không tạo nhiều tuyến bã như người lớn.

4. Bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh không gây nguy hiểm, nhưng gây khó chịu chỏ trẻ và ảnh hưởng thẩm mỹ. Viêm da tiết bã ở trẻ nhũ nhi thường có tiên lượng tốt, tự giới hạn và hầu hết đáp ứng rất tốt với điều trị tại chỗ thích hợp. Với trẻ lớn vị thành niên và người lớn thì thường cần phải điều trị kéo dài hơn.

5. Điều trị viêm da tiết bã cho trẻ nhỏ như thế nào?

Chẩn đoán viêm da tiết bã hoàn toàn dựa trên triệu chứng lâm sàng. Các đặc điểm của bệnh là các mảng gàu nhờn màu trắng hoặc vàng trên da đầu trẻ sơ sinh, không ngứa, không gây chảy mủ hay rỉ nước – trừ khi bị bội nhiễm.

Viêm da tiết bã ở trẻ chủ yếu xảy ra trên vùng da đầu, tuy vậy đôi khi có thể thấy ở vùng mặt, cổ, tai hoặc các nếp gấp da. Da có thể ửng đỏ dưới lớp vảy. Đôi khi có rụng tóc cùng với tróc vảy, nhưng tóc luôn mọc trở lại. Trẻ thường khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Viêm da tiết bã ở da đầu

  • Có thể bôi dầu khoáng hay dầu dành riêng cho bé như Baby Oil để làm mềm các vảy bám trên da đầu trước khi gội đầu vài giờ.
  • Có thể dùng lược chải đầu có lông chải mềm dành riêng cho bé để chải nhẹ nhàng hàng ngày khi gội đầu, giúp loại bỏ bớt các vảy trên da đầu.
  • Nếu các cách trên không hiệu quả: có thể dùng các loại dầu gội trị viêm da tiết bã trẻ sơ sinh có các chất như pyrithione zinc hay selenium sulfide. Các dầu gội kháng nấm như ketoconazole cũng có hiệu quả.
  • Lưu ý: các chế phẩm có chứa acid salicylic không nên sử dụng vì có thể gây kích ứng và ngộ độc salicylic ở trẻ sơ sinh.
  • Nếu da đầu của trẻ bị viêm nhiều có thể dùng corticoid thoa tại chỗ loại nhẹ như hydrocortisone 1%, tuy nhiên thuốc nên được kê toa và tư vấn bởi bác sỹ chuyên khoa.
  • Nếu trẻ bị bội nhiễm vi trùng (rỉ dịch, đóng mài vàng), bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh chống tụ cầu trước khi điều trị corticoid bôi tại chỗ.

Sang thương ở vùng da khác

  • Có thể dùng corticoid bôi tại chỗ tác dụng nhẹ như hydrocortisone 1% hay 2,5%, desonide 0.05%, bôi da 2 lần mỗi ngày khi trẻ có biểu hiện viêm nhiều.

Dùng corticoid bôi tại chỗ tác dụng nhẹ như hydrocortisone 1% hay 2,5%, desonide 0.05%
Dùng corticoid bôi tại chỗ tác dụng nhẹ như hydrocortisone 1% hay 2,5%, desonide 0.05%
  • Ketoconazole là chọn lựa thay thế cho điều trị viêm da tiết bã ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ để tránh tác dụng phụ khi dùng corticoid tại chỗ trong thời gian dài hay trên vùng da rộng lớn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa da liễu với nhiều năm kinh nghiệm sẽ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng các bệnh lý thường gặp ở khoa da liễu như: Nám da, tàn nhang, mụn/sẹo/rạn da, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng/kích ứng, các bệnh về sắc tố da, lão hoá da, nấm, giang mai, sùi mào gà, vi nấm sâu gây bệnh nội tạng, ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, ung thư hắc tố, hôi nách, bớt sắc tố bẩm sinh, u máu, các khối u lành tính ở da, móng chọc thịt, nốt ruồi,... Và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp tối ưu nhất để mang lại sức khỏe trọn vẹn cho khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe