Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Việc sản phụ bị đau khớp háng là điều hiển nhiên trong quá trình mang thai và sau sinh một thời gian. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất của ca đẻ (sinh khó hay sinh thường), có xảy ra các sang chấn (rách tử cung, rách âm đạo, rách tầng sinh môn), kích thước của thai nhi, mức độ phục hồi của sản phụ...
1. Nguyên nhân gây ra đau khớp háng ở phụ nữ sau sinh
1.1 Đau khớp háng sau sinh do ảnh hưởng của quá trình mang thai
Khung xương chậu của người phụ nữ có những thay đổi nhất định trong quá trình mang thai. Dưới tác dụng của các hormone thai kỳ, khung chậu được mở rộng dần để phục vụ cho thời khắc sinh con và cần thời gian để thu hẹp trở lại. Cụ thể, từ tuần thứ 30, hệ xương chậu căng giãn rõ rệt bởi từ giai đoạn này kích thước của thai nhi tăng lên rất nhanh và ngày sinh cũng đã đến gần.
Việc sinh con khiến cơ thể thiếu vitamin B12 làm cản trở dây thần kinh ngoại vi gây tê và đau khớp. Ngoài ra, việc cơ thể người mẹ thiếu canxi, vitamin D cũng dễ gây tình trạng đau mỏi và giảm tính rắn chắc của xương.
Ngoài ra, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý cũng là một nguyên nhân. Những bà mẹ thường xuyên phải hoạt động, làm các công việc nặng cũng dễ khiến khớp háng dễ bị đau. Ngược lại, nếu quá ít vận động cũng có thể là nguyên nhân gây cứng khớp, đau khớp.
1.2 Đau khớp háng sau sinh do quá trình sinh con
Đó là bởi vì trong quá trình sinh, tử cung phải co bóp mạnh, thêm vào đó là khung chậu phải giãn hết mức để đảm bảo thai nhi ra ngoài một cách an toàn nhất. Do đó kích thước thai nhi là một yếu tố ảnh hưởng lớn. Nếu kích thước thai nhi lớn, việc giãn tử cung và khung chậu có thể trở nên quá mức. Điều này có nghĩa là có khả năng khung chậu không thể quay lại hình dạng cũ hoặc mất nhiều thời gian để hồi phục, cảm giác đau vùng khớp háng và đi lại khó khăn là điều khó tránh khỏi.
1.3 Đau khớp háng tăng lên do tầng sinh môn bị rách
Khi khớp háng co lại sau sinh đồng nghĩa với việc tầng sinh môn cũng được co lại. Điều này có lợi cho quá trình làm lành vết thương tuy nhiên cũng gây đau nhiều cho sản phụ. Đa số các trường hợp, sản phụ đều gặp khó khăn trong quá trình vận động, đi lại và vệ sinh cá nhân do cơn đau ở khớp háng.
2. Giảm đau khớp háng bằng cách nào?
Xử lý cơn đau: Để máu được lưu thông dễ dàng, tuyệt đối không băng các vùng cơ lại khi bị đau. Việc này chỉ làm cơn đau thêm trầm trọng, thậm chí còn làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh ở cơ, khớp. Ngoài ra, chườm nóng cũng giúp máu được lưu thông tốt hơn từ đó làm giảm cơn đau.
Chế độ dinh dưỡng: Các mẹ không nên ăn kiêng quá mức để giảm cân sau sinh. Để khớp háng được hồi phục nhanh hơn sản phụ nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm D, B và canxi vào bữa ăn hàng ngày. Nếu cơ thể bị thiếu canxi có thể uống canxi bổ sung. Ngoài ra, đón nhận ánh nắng vào buổi sáng cũng là cách tốt để vitamin D hấp thụ vào cơ thể, nuôi xương tốt hơn.
Chế độ nghỉ ngơi: Dù các cơn đau chưa xuất hiện thường xuyên thì chế độ nghỉ ngơi hợp lý vẫn rất cần thiết. Thư giãn sẽ giúp tuần hoàn máu tới vùng hông chậu được lưu thông tốt hơn, làm giảm các triệu chứng tê bì. Đặc biệt, khi thấy đau nhiều, thai phụ cần nghỉ ngơi, dừng làm các công việc nặng hay hoạt động nhiều giờ liên tục.
Với phương pháp đẻ không đau tiên tiến, hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức trình độ cao, sản phụ sẽ có một trải nghiệm đẻ không đau ở Vinmec hoàn toàn khác biệt. Với sản phụ đẻ thường sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm (gây tê thần kinh thẹn). Với các sản phụ đẻ mổ sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm trong điều trị đau sau mổ. Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.