Chứng phình mạch máu não là một trong những vấn đề về thần kinh có nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc theo dõi và điều trị chứng bệnh này là vô cùng cần thiết. Vậy phình mạch máu não là gì? Các nguy cơ tử vong từ căn bệnh ra sao.
1. Thế nào là phình mạch máu não?
Chứng phình mạch máu não là hiện tượng một khu vực yếu trong mạch máu mở rộng hơn so với bình thường. Các phình đại này thường phát triển tại các điểm phân nhánh của động mạch não.
Phình động mạch máu não thường có liên quan đến các rối loạn mạch máu khác như viêm động mạch não, bóc tách động mạch não...
1.1. Nguyên nhân gây ra phình động mạch máu não?
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, những nguy cơ gây tăng khả năng bệnh là:
- Cảm xúc thái quá như quá buồn bã, quá tức giận... sẽ làm tăng huyết áp, từ đó tăng nguy cơ vỡ phình động mạch.
- Các chất làm loãng máu như warfarin, một số loại thuốc với tác dụng kích thích như ephedrine, amphetamine, cocaine...
- Các chấn thương mạch máu hoặc chấn thương não bộ...
- Biến chứng từ các nhiễm trùng máu.
- Do bẩm sinh – di truyền.
- Hút thuốc lá...
1.2. Triệu chứng của chứng phình động mạch máu não
Bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng khi mạch máu bị vỡ. Tùy theo mức độ rò rỉ máu mà có thể có một số biểu hiện như:
- Đau đầu dữ dội, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày;
- Buồn nôn và nôn;
- Buồn ngủ, hôn mê...
Ngoài ra, tình trạng xuất huyết có thể làm hỏng não trực tiếp, được gọi là đột quỵ xuất huyết. Điều này có các biểu hiện như:
- Yếu hoặc liệt một cánh tay/cánh chân.
- Khả năng biểu đạt hoặc hiểu ngôn ngữ bị hạn chế.
- Các vấn đề về thị lực.
- Co giật...
2. Những con số đáng lo ngại về chứng phình mạch máu não
Theo các thống kê, mỗi năm có khoảng 500.000 ca tử vong do phình mạch máu não trên toàn thế giới và một nửa số ca thuộc nhóm người dưới 50 tuổi. Cùng với đó, có khoảng 15% số người bị vỡ mạch máu do phình động mạch máu não trước khi kịp đưa đến bệnh viện, hầu hết đến từ chấn thương não đột ngột.
Nhóm người trong độ tuổi từ 35 – 60 tuổi thường hay mắc phải chứng phình mạch máu não, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở trẻ em. Hầu hết số ca phát triển sau năm 40 tuổi. Khoảng 20% số ca được chẩn đoán mắc bệnh có nhiều hơn một mạch máu gặp vấn đề.
3. Chứng phình mạch máu não có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có!
Phình mạch máu não là một chứng bệnh phát triển thầm lặng và phát triển theo sự hao mòn của động mạch não trong suốt cuộc đời con người. Đôi khi, các chấn thương nghiêm trọng ở đầu hoặc các nhiễm trùng cũng sẽ dẫn đến sự phát triển của chứng phình động mạch.
Khi mạch máu bị vỡ, tỷ lệ tử vong lên đến 40% và khả năng não gặp tổn thương nghiêm trọng là 66%, ngay cả khi bệnh đã được điều trị.
Trong số đó, co thắt mạch máu (bị kích thích do máu bị rò rỉ gây hẹp mạch máu) là một trong những biến chứng phổ biến khi các phình động mạch bị vỡ. Điều này sẽ càng làm tăng cao nguy cơ tổn thương não. Các vấn đề khác từ phình mạch máu não có thể là:
- Tràn dịch não.
- Khó thở và cần thở máy.
- Nhiễm trùng...
Khi phình đại mạch máu bị vỡ, máu sẽ đi vào não và không gian xung quanh đó, gây tổn thương trực tiếp đến mô não cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của não. Mức độ tổn thương thường có liên quan đến lượng máu, khi máu từ mạch vỡ càng nhiều, áp lực càng tăng và sưng viêm ở mô não xuất hiện, hoặc do các tổn thương cục bộ...
Máu từ mạch vỡ có khả năng làm hỏng các mạch máu bình thường, gây co thắt mạch máu. Điều này sẽ gây gián đoạn lưu lượng máu bình thường đến các mô não khỏe mạnh, gây tổn thương não nặng nề. Đây là hiện tượng đột quỵ thiếu máu cục bộ.
4. Điều trị phình động mạch máu não như thế nào?
Bệnh phình mạch máu não thường được điều trị bằng một số phương pháp.
4.1 Điều trị nội khoa
Đối với các phình động mạch não nhỏ và ít có khả năng bị vỡ (hoặc bị vỡ nhưng không gây ra triệu chứng đáng kể), các bác sĩ sẽ điều trị nội khoa, theo dõi huyết áp – cholesterol và các tình trạng sức khỏe khác theo từng đợt kiểm tra.
4.2 Phẫu thuật
Việc chỉ định phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào mức độ phình động mạch máu não của bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại phẫu thuật khác, việc phẫu thuật điều trị chứng phình mạch máu não có thể bao gồm nhiều rủi ro như:
- Thay đổi hành vi và tâm trạng do chấn thương thần kinh.
- Sưng não, nhiễm trùng.
- Vấn đề về tầm nhìn và giọng nói.
Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, các nguy cơ về sức khỏe do bệnh phình động mạch máu não gây ra sẽ nhiều hơn rất nhiều so với các rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp phải liên quan đến phẫu thuật điều trị bệnh.
Có thể thấy, phình động mạch máu não là một chứng bệnh thầm lặng và phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều biến chứng liên quan đến thần kinh, đặc biệt là đột quỵ và có nguy cơ tử vong cao. Hãy thật sự cẩn thận theo dõi sức khỏe nếu bạn đang gặp phải vấn đề này.
Bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và tránh để stress. Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để có những điều chỉnh thích hợp.
Nguồn tham khảo: healthline.com; aans.org, stroke.org