Mũi có mùi hôi gây cảm giác khó chịu và mất tự tin, nhưng để chấm dứt tình trạng này cần tìm ra nguyên nhân để có biện pháp xử trí hiệu quả. Vậy tại sao nước mũi có mùi hôi và cần làm gì để thoát khỏi tình trạng này?
1. Nguyên nhân làm cho nước mũi có mùi hôi
1.1. Bệnh viêm xoang
Bệnh viêm xoang xảy ra do tình trạng nhiễm trùng xoang. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân làm cho nước mũi có mùi hôi. Viêm xoang gây viêm mũi, nghẹt mũi và cản trở sự hoạt động bình thường của khứu giác. Viêm xoang thường gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Người bệnh bị viêm xoang cấp tính có triệu chứng kéo dài trong 3 tuần hoặc ít hơn, ngược lại viêm xoang mạn tính kéo dài ít nhất là 12 tuần.
Tất cả các dạng viêm xoang đều có thể làm cho mũi có mùi hôi thối, bên cạnh đó là các triệu chứng như đau đầu, nhỏ giọt sau mũi, mệt mỏi và áp lực mặt...
Các phương pháp điều trị viêm xoang phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là do virus hay vi khuẩn. Nhiễm trùng do vi khuẩn cần sử dụng kháng sinh để điều trị... Người bệnh viêm xoang cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, súc miệng bằng nước muối sinh lý, uống nhiều nước để giảm triệu chứng bệnh...
1.2. Sỏi Amidan
Amidan tạo thành đường nứt và nếp gấp làm cản trở nước miếng, hạt thức ăn, chất nhầy hoặc cả tế bào chết... Các mảnh vụn tích tụ thành vật thể nhỏ được gọi là sỏi Amidan. Các vi khuẩn có thể ăn sỏi Amidan làm cho mũi có mùi hôi thối và mùi vị khó chịu trong miệng...
Amidan to bất thường kết hợp với vệ sinh răng miệng kém làm tăng nguy cơ mắc sỏi Amidan. Bạn có thể khắc phục sỏi Amidan bằng cách vệ sinh răng miệng tốt, giữ đủ nước để giúp giảm nguy cơ tích tụ vi khuẩn.
1.3. Chảy dịch mũi sau
Chất nhầy có mùi nằm trong mũi, đặc biệt là khi chất nhầy chảy ngược xuống phía sau cổ họng là dấu hiệu của chảy dịch mũi sau.
Thông thường, chất nhầy có tác dụng giữ cho màng mũi được khỏe mạnh, làm ẩm không khí, loại bỏ tác nhân gây bệnh, đẩy các hạt lạ ra khỏi đường thở. Tuy nhiên ở người bệnh bị cúm, cảm lạnh, dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang thì chất nhầy đặc lại, khó thoát ra như bình thường.
Chảy dịch mũi sau có thể bắt đầu với triệu chứng nhẹ, không có mùi hôi và không ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Tuy nhiên nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị khó thở, nước mùi xanh có mùi hôi trầm trọng hơn. Chảy mũi sau còn gây ra các triệu chứng đau họng, ho... Một số trường hợp chất nhầy thoát ra kém có thể tích lũy trong tai gây đau tai, nhiễm trùng tai.
1.4. Bệnh ung thư mũi xoang
Bệnh ung thư mũi xoang xảy ra do sự xuất hiện của khối u ác tính trong xoang mũi hoặc niêm mạc mũi. Bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm đối với người bệnh. Các triệu chứng của bệnh ung thư mũi xoang bao gồm nghẹt một bên mũi, chảy máu cam, thị lực giảm, nghe khó, mũi có mùi hôi, mặt tê bì và đau đầu...
1.5. Polyp mũi
Polyp mũi xảy ra do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc mũi, làm xuất hiện khối u lành tính được gọi là Polyp mũi. Phần lớn người bệnh mắc Polyp mũi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào đặc biệt nhưng khối Polyp mũi có thể trở thành chướng ngại vật làm cản trở quá trình dẫn lưu của dịch tiết hô hấp từ mũi ra bên ngoài. Dịch tiết nếu ứ đọng trong một thời gian dài sẽ làm cho người bệnh bị nghẹt mũi, ngứa mũi, mũi có mùi hôi thối khó chịu.
1.6. Viêm tiền đình mũi
Viêm tiền đình mũi là bệnh lý xảy ra do nhiễm trùng ở cửa mũi. Bệnh khởi phát từ viêm mũi do sự xâm nhập của vi khuẩn Staphylococcus qua tổn thương mũi hoặc vết xước...
Các triệu chứng bệnh viêm tiền đình mũi bao gồm nghẹt mũi, sưng đau mũi, đầu mũi sưng nóng, lỗ mũi có mụn nhọt bên trong và có mùi hôi, vùng xung quanh mũi thường nóng và đỏ hơn bình thường...
1.7. Sâu răng
Ở người bệnh bị sâu răng, vi khuẩn gây sâu răng dễ dàng di chuyển vào các vùng lân cận trong đó có niêm mạc mũi. Sự phát triển của vi khuẩn theo thời gian là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng. Đây là nguyên nhân gián tiếp làm cho mũi bị hôi.
2. Làm gì khi mũi có mùi hôi?
Tình trạng mũi có mùi hôi là dấu hiệu cảnh báo tổn thương ở mũi hoặc vùng lân cận. Vì vậy nếu bạn gặp tình trạng mũi có mùi hôi kéo dài 5 – 10 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám ngay.
Xác định được nguyên nhân gây mùi hôi ở mũi sẽ có biện pháp hợp lý để điều trị bệnh. Vì vậy, thăm khám càng sớm sẽ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Đặc biệt nếu mũi có mùi hôi giống như Amoniac cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Người bệnh thận mạn tính thường có triệu chứng này nhưng lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên thường chủ quan, đến khi bệnh lý bước vào giai đoạn nặng mới phát hiện bệnh thì việc điều trị khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bản thân người bệnh không thể xác định cụ thể nguyên nhân gây nên mùi hôi của mũi, vì vậy việc chủ động đến cơ sở y tế thăm khám để xác định chính xác bệnh lý và phác đồ điều trị hợp lý là vô cùng quan trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.