Nhiệt miệng là một bệnh lý rất phổ biến mà hầu như đã xảy ra với tất cả mọi người. Đây là bệnh nhẹ, dễ chữa trị dễ giảm thiểu nhưng cũng rất dễ tái phát và kéo dài mỗi khi xuất hiện.
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là tình trạng viêm nhiễm gây ra các vết loét bên trong miệng, khiến người bệnh bị đau đớn không thể thoải mái giao tiếp và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Ban đầu dấu hiệu của nhiệt miệng chỉ là những đốm trắng nhỏ hơi gồ lên trong niêm mạc miệng. Lâu dần những đốm này to lên và đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Đây thường là vết loét nông có kích thước nhỏ khoảng 1mm đến 2mm, xuất hiện chủ yếu ở vùng lợi, lưỡi hay má trong và có thể ở trên môi. Các vết loét này ban đầu sẽ có màu trắng sáng sau đó chuyển dần sang màu vàng, còn vùng da xung quanh vết loét thường có dấu hiệu sưng đỏ.
2. Triệu chứng của nhiệt miệng
Nhiệt miệng là một bệnh lý rất dễ phát hiện vì nó không chỉ có thể thấy từ bên ngoài mà còn có triệu chứng rõ ràng nhất chính là xuất hiện các vết loét hay các đốm trắng trong miệng. Nhưng tùy từng cơ địa hay thể trạng khác nhau mà nhiệt miệng cũng có thêm các dấu hiệu khác như:
- Hạch bạch huyết sưng
- Sốt
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đầy hơi
- Tiêu hóa kém
- Xanh xao, sụt cân
- Chuột rút
- Nổi hạch ở góc hàm
3. Nguyên nhân xuất hiện nhiệt miệng?
Bởi nhiệt miệng là căn bệnh xảy ra ở tất cả mọi người, cũng là căn bệnh dễ điều trị đã xuất hiện từ rất lâu nên có nhiều quan điểm khác nhau nói về nguyên nhân gây bệnh. Có thể chia thành hai quan điểm là quan điểm dân gian và theo góc độ của y học hiện đại.
Theo dân gian, nhiệt miệng là do nhiệt độc ở tỳ, vị hay thấp nhiệt ở tỳ, vị. Nghĩa là nhiệt miệng sẽ phát sinh khi nóng trong người, khiến cho các khí nóng xâm nhập vào cơ thể sinh ra loét miệng, khô miệng, đỏ lưỡi,... Ngoài ra, có thể nói nhiệt miệng sẽ xảy ra khi nạp vào cơ thể quá nhiều chất béo, đồ nóng, đồ cay,... dẫn đến khó tiêu, nhiệt độc cùng với nước bọt trong miệng lâu ngày sẽ làm nóng niêm mạc miệng.
Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây nên nhiệt miệng chưa được xác định một cách cụ thể rõ ràng mà chỉ có một số nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân như do vi khuẩn, virus,... Cũng có thể do thay đổi nội tiết tố hay do thiếu chất dinh dưỡng như vitamin A, C, B12, B6, kẽm,... khiến cho cơ thể bị giảm mất sức đề kháng tạo cơ hội cho virus phát triển.
Có rất nhiều tác nhân khiến cho nhiệt miệng dễ xuất hiện hơn như:
- Đánh răng sai kỹ thuật, quá mạnh
- Vết thương khi chỉnh nha
- Cắn vào má
- Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng chứa Natri Lauryl Sulfate
- Nhạy cảm với thực phẩm
- Dị ứng
- Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì hay giai đoạn mang thai
- Căng thẳng
- Mắc các bệnh viêm đường ruột như viêm loét đại tràng
- Miễn dịch kém
- Bệnh Celiac và bệnh Behcet
4. Điều trị nhiệt miệng như thế nào?
Nhiệt miệng chỉ là một bệnh lý xuất hiện khi có sự thay đổi trong cơ thể, chính vì vậy việc điều trị khá là dễ dàng. Hiện nay chủ yếu có thể điều trị nhiệt miệng bằng hai cách, đó là sử dụng thuốc uống và thuốc bôi.
Trong trường hợp vết nhiệt miệng bị loét ra gây đau đớn và khó khăn trong việc ăn uống thì có thể sử dụng các loại thuốc bôi nhiệt miệng. Các loại gel này vừa có thành phần chống viêm, giảm đau mà còn có tác dụng như lớp màng bảo vệ vết loét khỏi vi khuẩn.
Trong trường hợp tình trạng nhiệt miệng trở nên nặng, cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ. Nhiệt miệng cũng có thể là hệ quả của các bệnh khác, chính vì vậy khi nhiệt miệng kéo dài quá 14 ngày cần phải đi khám để tìm ra bệnh trạng chính xác.
Ngoài ra có thể sử dụng thuốc súc miệng chứa steroid dexamethasone hoặc carbocain để giảm đau, kháng viêm. Nếu trong trường hợp sưng đau có thể sử dụng đá lạnh để chườm lên vết nhiệt có tác dụng giảm sưng. Có phương pháp đơn giản dễ ứng dụng tại nhà là dùng túi trà lọc để đắp lên vết loét cũng có thể làm dịu vết thương ngay lập tức.
5. Cách phòng ngừa nhiệt miệng
Nhiệt miệng là bệnh lý xuất hiện rất nhiều lần dễ tái phát. Nhưng trên thực tế, có thể giảm tối thiểu cơ hội để nhiệt miệng xuất hiện bằng nhiều mẹo đơn giản như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn, ăn cay hay các đồ chiên rán dầu mỡ hay các loại quả chứa nhiều axit như cam, chanh,...
- Bổ sung các thực phẩm lành mạnh như trái cây có tính hàn, rau xanh, ngũ cốc,...
- Vệ sinh răng miệng cẩn thận. Đánh răng đúng và đủ hai lần/ ngày. Chọn bàn chải mềm để tránh làm tổn thương niêm mạc mỏng trong miệng, tạo ra vết xước khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
- Sử dụng thêm nước súc miệng để bảo vệ răng miệng, nhưng tránh loại có thành phần chứa natri lauryl sulfate.
- Căng thẳng cũng là nguyên nhân gây ra nhiệt miệng. Luôn cố gắng tĩnh tâm, tập thiền hay yoga cũng là cách tốt để giảm căng thẳng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.