Nhiều người khi bị trầy xước, rách da thì chủ quan xem đây không phải vết thương lớn. Tuy nhiên đây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván và nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, bạn nên tiêm uốn ván khi bị vết thương dù nhỏ hay lớn.
1. Uốn ván là bệnh gì?
Uốn ván là một bệnh cấp tính nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván có tên là Clostridium tetani gây nên. Vết thương hở là nguyên nhân để Clostridium tetani phát triển, xâm nhập vào cơ thể con người. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng giải phóng ngoại độc tố vào dòng máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh-cơ. Bệnh nhân sau đó sẽ xuất hiện các cơn co giật do bị trực khuẩn uốn ván làm co cứng cơ.
Bệnh uốn ván gây tỉ lệ tử vong rất cao. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng lâm sàng là uốn ván toàn thân hoặc khu trú, điều này, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ hở của vết thương, vị trí trực khuẩn xâm nhập hay mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ.
Bệnh cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, thậm chí là ngừng tim. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở người bệnh có thể giảm nếu được điều trị sớm và có điều kiện hồi sức cấp cứu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thì tỷ lệ tử vong là rất cao.
Nếu được xử lý nhanh chóng như xẻ mở rộng vết thương, loại bỏ điều kiện yếm khí và dùng thuốc kháng sinh, kết hợp với một số biện pháp khác, khả năng phục hồi sức khỏe sẽ rất nhanh.
Thời gian để trực khuẩn Clostridium tetani ủ bệnh cũng khác nhau, từ khoảng 4 - 21 ngày, phổ biến là 7 - 10 ngày. Khi xuất hiện một hay nhiều triệu chứng dưới đây sau khi bị vết thương hở, người bệnh cần ngay lập tức đi đến cơ sở y tế để được điều trị:
- Khó nuốt, cứng hàm;
- Xuất hiện cơn co giật với cường độ mạnh;
- Khó thở, tím tái.
Quan trọng nhất là khi cơ thể bị chấn thương, xuất hiện vết thương hở, chúng ta nên chủ động, kịp thời đi tiêm uốn ván, để phòng ngừa cũng như hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng do uốn ván gây ra. Trong trường hợp vết thương nặng thì cần tiêm thêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
2. Vì sao phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương?
Trả lời cho thắc mắc vì sao phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương các chuyên gia cho biết, vết thương hở như: trầy xước, rách hở da là môi trường thuận lợi để uốn ván xâm nhập vào máu và gây bệnh co giật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do vậy, việc tiêm phòng uốn ván sau chấn thương là điều vô cùng cần thiết và để bảo vệ sức khỏe.
Nếu người bị thương chưa được miễn dịch và có nguy cơ bị trực khuẩn uốn ván xâm nhập, bác sĩ có thể chỉ định Globulin miễn dịch uốn ván thay vì vắc-xin uốn ván.
Vậy Globulin miễn dịch uốn ván là gì mà trong nhiều trường hợp khẩn cấp sẽ được dùng thay thế vắc-xin? Globulin miễn dịch uốn ván là thuốc điều trị bệnh uốn ván, thuốc được tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị chấn thương.
Thuốc được lấy từ huyết tương của người được chọn và được cô đặc kháng thể kháng uốn ván, đóng gói dưới dạng dung dịch pha loãng 16%. Cũng có loại Globulin miễn dịch uốn ván từ huyết tương người để tiêm tĩnh mạch.
Khi bị chấn thương, người bệnh được chỉ định sử dụng liều 250 IU (đơn vị quốc tế), nhưng nếu sau 24 giờ bị thương thì được nâng liều lên 500 IU. Vắc-xin uốn ván được chỉ định tiêm cùng lúc vào một tay khác cùng với liều tiêm Globulin miễn dịch uốn ván.
Sau khi tiêm phòng, có thể xảy ra một số phản ứng tại chỗ tiêm như nổi quầng đỏ, sưng nhẹ, sốt nhẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể biến mất nhanh chóng, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Những đối tượng mắc bệnh cấp tính, có phản ứng với lần tiêm trước, đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác, không được phép sử dụng vắc-xin. Trong quá trình tiêm, người bệnh cần tuân thủ mọi sự chỉ định, giám sát của bác sĩ, nhân viên y tế.
3. Phụ nữ mang thai có sử dụng được vắc-xin?
Câu trả lời là có. Vắc-xin được chỉ định cho phụ nữ mang thai có thể được sử dụng, tuy nhiên cần hết sức cẩn trọng nhằm hạn chế các mối nguy hiểm cho trẻ sau khi sinh. Sản phụ chỉ nên tiêm uốn ván khi thai nhi được 27 tuần - 36 tuần, đồng thời có thể tiêm phòng được cả bệnh ho gà và bạch hầu. Sản phụ cũng nên tiêm vắc-xin để giúp truyền kháng thể uốn ván cho bào thai.
Các mẹ bầu cũng nên lưu ý trong quá trình mang thai nếu bị vết thương hở hãy nhớ tiêm mũi uốn ván tăng cường.
Phụ nữ mang thai càng nên tiêm phòng vắc xin vì nó gây ra tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh rất cao. Do trực khuẩn xâm nhập qua vết cắt rốn khi không được diệt khuẩn đúng cách.
Hiện nay, tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thực hiện tiêm phòng vắc xin uốn ván với các loại vắc xin phối hợp được sản xuất tại Bỉ và Pháp. Việc phối hợp nhiều vắc xin sẽ làm giảm số mũi tiêm và làm giảm những bất lợi do tiêm nhiều mũi tiêm. Ích lợi của tiêm vắc xin phối hợp bao gồm: làm tăng tỷ lệ tiêm chủng của các bệnh ý nguy hiểm, làm tăng tỷ lệ tiêm đúng lịch, giảm chi phí về vận chuyển và bảo quản vắc xin, giảm chi phí đi lại và tiêm chủng.
Để đăng ký tiêm vắc xin uốn ván tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Quý khách vui lòng đặt lịch tại website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.