Vì sao cần sàng lọc sơ sinh sau khi trẻ chào đời?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới, phẫu thuật nội soi.

Mỗi em bé sinh ra phải đảm bảo được sự phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, ngay từ lúc mới chào đời, trẻ sơ sinh cần được làm các xét nghiệm sàng lọc để giúp phát hiện sớm các bệnh lý và tìm ra hướng điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và giúp trẻ có một khởi đầu tốt đẹp.

1. Tại sao cần sàng lọc sơ sinh sau khi trẻ chào đời?

Tất cả các bé sau khi chào đời cần phải được kiểm tra sàng lọc sơ sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh đều được sinh ra khỏe mạnh, nhưng một số có thể có vấn đề về sức khỏe không thể phát hiện được mà phải cần đến sự can thiệp của các xét nghiệm. Kiểm tra sàng lọc giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời những rối loạn về thể chất và tinh thần, từ đó ngăn ngừa các tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong cho trẻ.

2. Sàng lọc sơ sinh được thực hiện như thế nào?

Trong vòng 48 giờ sau khi chào đời, bác sĩ sẽ lấy một ít máu từ gót chân bé, sau đó gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm sàng lọc sơ sinh. Xét nghiệm sàng lọc cũng được thực hiện bằng cách đo thính lực của trẻ. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm oxy hóa xung (với các cảm biến da không gây đau) để đo nồng độ oxy trong máu của bé. Nếu kết quả cho thấy nồng độ oxy trong máu thấp có thể là dấu hiệu của bệnh tim.


Sàng lọc sơ sinh sau khi trẻ chào đời tránh bệnh tim cho bé
Sàng lọc sơ sinh sau khi trẻ chào đời tránh bệnh tim cho bé

3. Các sàng lọc sơ sinh phổ biến hiện nay

Hiện nay, có các loại sàng lọc sơ sinh phổ biến bao gồm:

Thiếu men G6PD: Men G6PD được hồng cầu sản sinh ra giúp bảo vệ hồng cầu khỏi sự tấn công của chất oxy hóa, nếu thiếu men G6PD, hồng cầu sẽ bị phá hủy và gây ra tình trạng thiếu máu do tan huyết. Đối với trẻ sơ sinh bị vàng da nặng, bại não, chậm phát triển tinh thần và vận động do thiếu men G6PD.

Suy giáp bẩm sinh: Là tình trạng tuyến giáp của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ lượng hormone để đáp ứng sự phát triển của trẻ. Bệnh lý này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng, phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời trong những tuần đầu sau sinh, bé vẫn có thể phát triển khỏe mạnh và bình thường.

Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: Là một bệnh lý mang tính di truyền và xảy ra do rối loạn sản xuất các hormone của tuyến thượng thận ở trẻ. Bệnh gây ra những rối loạn trong phát triển giới tính và bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh. Do đó, việc lấy máu và sàng lọc bệnh trong vòng 24-72 giờ sau sinh là vô cùng quan trọng, giúp điều trị kịp thời để ngăn ngừa những lệch lạc trong phát triển giới tính ở trẻ.

Tan máu bẩm sinh (Thalassemia): Là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, nó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, thừa sắt, xơ gan.

Suy giảm thính lực bẩm sinh: Xảy ra do những tổn thương ở cơ quan thính giác khi còn trong bụng mẹ hoặc trong quá trình sinh nở. Thính giác không chỉ đóng vai trò quan trọng trong khả năng nghe, đọc mà còn là cơ sở để phát triển nhận thức, kỹ năng giao tiếp và học tập ở trẻ. Việc sàng lọc giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng suy giảm thính lực bẩm sinh.

4. Tại sao một số bé cần được kiểm tra lại?

Một số trẻ sơ sinh có thể cần làm xét nghiệm máu khác bởi những lý do sau đây:

  • Rời bệnh viện trước 24 giờ kể từ khi bé được sinh ra
  • Không đủ lượng máu cần để làm xét nghiệm sàng lọc
  • Kết quả của xét nghiệm lần đầu không rõ ràng
  • Kết quả của lần xét nghiệm đầu tiên cho thấy có vấn đề sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe