Vì sao bị đau họng nhưng không ho?

Bị đau họng nhưng không ho là dấu hiệu thông thường khi đường hô hấp bị viêm nhiễm. Tình trạng này có thể thuyên giảm nếu được theo dõi và chăm sóc đúng cách, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp không ho nhưng đau họng cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, người bệnh không nên chủ quan.

1. Nhận diện tình trạng bị đau họng nhưng không ho

Khi bị đau họng nhưng không ho và sốt thì khả năng cao bạn bị mắc cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp thông thường. Lúc này người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như:

  • Hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi;
  • Đau đầu, viêm họng;
  • Chảy nhiều nước mắt;
  • Mất vị giác;
  • Đau nhức mỏi cổ vai gáy;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Có thể sốt nhẹ;
  • Xuất hiện áp lực ở vùng mặt và hai bên tai.

Ngoài ra nếu gặp những triệu chứng dưới đây thì người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời:

  • Khó nuốt, nuốt vướng kéo dài;
  • Chảy nước mũi liên tục;
  • Ù tai, khàn giọng kéo dài;
  • Nghẹn cổ họng;
  • Tức ngực, khó thở;
  • Khạc nhổ ra máu tươi;
  • Cảm thấy suy nhược, mệt mỏi, ăn không ngon và sút cân nhanh chóng.

2. Nguyên nhân không ho nhưng đau họng

Thông thường, tình trạng không ho nhưng đau họng chủ yếu là do 9 nguyên nhân điển hình sau. Người bệnh nên đặc biệt lưu ý:

2.1. Bệnh cảm lạnh

Dấu hiệu viêm họng nhưng không kèm ho khan thường được chẩn đoán bước đầu là bệnh cảm lạnh. Bởi đây là tình trạng rất phổ biến trong giai đoạn giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc bị lây nhiễm mức độ nhẹ.

Người bệnh thường có các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, ớn lạnh, viêm họng, đau họng. Thường bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nếu người bệnh biết chăm sóc bản thân đúng cách. Đặc biệt là phải giữ ấm cơ thể.

2.2. Do đặc thù công việc

Do yếu tố công việc và đặc điểm ngành nghề, một số người phải hát liên tục hoặc nói quá nhiều trong thời gian dài (ví dụ: ca sĩ, nhân viên sales, giáo viên...) sẽ có nguy cơ bị viêm họng hơn những người bình thường.

2.3. Do ảnh hưởng môi trường sống

Hiện nay, tình trạng môi trường ô nhiễm, khói bụi giao thông... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người. Nếu sinh sống trong môi trường này và thường xuyên hít thở bầu không khí bị ô nhiễm trên, con người sẽ dễ mắc bệnh viêm họng, viêm đường hô hấp kéo dài kèm theo ho nhẹ, ho khan hoặc không ho. .

2.4. Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Những người giữ thói quen sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh như: thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, uống nhiều nước đá lạnh, dùng đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ... có thể tăng nguy cơ viêm họng nhưng có thể không ho và sốt.

2.5. Bệnh viêm họng hạt

Viêm họng hạt là một bệnh nhiễm trùng vùng họng mãn tính khá phổ biến với các biểu hiện: ngứa họng, vướng họng, nuốt đau, khô rát họng, kích thích khạc nhổ để đỡ khó chịu.

Viêm họng hạt thường kéo dài dai dẳng và khó điều trị dứt điểm và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị đúng cách bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm amidan, viêm phổi....

2.6. Do trào ngược dạ dày, thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là 1 bệnh lý tiêu hóa xảy ra khi dịch vị axit bị dư thừa và bị đẩy trào ngược lên vùng miệng và họng. Từ đó dễ gây ra hiện tượng bị đau họng nhưng không ho. Người bị trào ngược dạ dày cũng thường có những biểu hiện khác như: Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, khó chịu đau rát cổ họng, viêm họng, khó nuốt...

2.7. Có khối u thực quản

Thực quản xuất hiện khối u thường là do tăng sinh bất thường hoặc rối loạn tế bào. Vì vậy hầu hết trường hợp mắc bệnh này thường bị viêm họng nhưng không kèm theo ho và sốt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bắt gặp các triệu chứng khác như: Khàn giọng, nuốt vướng, khó nuốt.

Thậm chí nếu thấy đau họng mãn tính và có đờm lẫn máu thì có thể cảnh báo bệnh lý khoang miệng, hô hấp hoặc nghiêm trọng hơn là viêm nhiễm, ung thư vòm họng.

2.8. Mắc bệnh sỏi amidan

Những người mắc sỏi amiđan thường là do dư thừa canxi ở các nếp gấp của amiđan và những hạt sỏi này sẽ thu hút vi khuẩn, mắc thức ăn gây ra tình trạng viêm họng, đau nhức và hôi miệng.

Ban đầu khi bệnh mới khởi phát và chưa có nhiều vi khuẩn bám vào thành sỏi thì hiện tượng ho và sốt sẽ chưa xuất hiện. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ thấy các đốm vàng hay trắng bám chặt vào gốc amiđan, thấy nghẹn khi nuốt kèm theo ho và sốt.

2.9. Ung thư vòm họng, ung thư thanh quản

Nếu bị viêm họng kéo dài nhưng không bị ho cũng chẳng sốt thì đây có thể là dấu hiệu đầu của bệnh ung thư thanh quản hoặc ung thư vòm họng. Người bệnh có thể có thêm các triệu chứng khác như: Ù tai, khàn giọng kéo dài, khạc đờm có lẫn máu, mệt mỏi, khó thở, chán ăn và sụt cân nhanh chóng.

Những dấu hiệu trên chưa thể khẳng định 100% người bệnh mắc ung thư, tuy nhiên tuyệt đối không được chủ quan mà cần đi khám ngay khi thấy các triệu chứng trên xuất hiện.

Có thể nói không ho nhưng đau họng ngoài những lý do phổ biến như cảm lạnh, ảnh hưởng bởi môi trường sống, thói quen sinh hoạt... thì tiềm ẩn trong đó vẫn có thể là 1 số bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy người bệnh không nên chủ quan mà cần đặc biệt chú ý và bổ sung đầy đủ kiến thức để hiểu rõ hơn về bệnh và có định hướng điều trị một cách hợp lý, đúng đắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe